"Nghi án gạ tình" và sự la ó của đám đông

(Dân trí) - Nhìn lại sự việc một cô diễn viên dính "nghi án" nhắn tin gạ tình bạn diễn, mới thấy nét xấu xí của người Việt trong việc biểu lộ tâm lý đám đông. Chưa bàn đến tính thực hư của sự việc bởi những người trong cuộc còn chưa lên tiếng, nhưng sự la ó, a dua đả kích thì đã kéo thành vệt dài khiến sự việc trở nên lùm xùm và bị đẩy đi xa dù chẳng có gì đáng nói.

"Nghi án gạ tình" và sự la ó của đám đông - 1

Người ta quên mất rằng, bất kỳ nhận định nào của mình cũng có thể gây ảnh hưởng đến những người trong cuộc. Thật đã tay gõ bàn phím, thật sướng mồm khi được ra sức rủa xả, bày tỏ quan điểm - về một câu chuyện không phải của mình, nhưng chứa đựng đầy đủ sự hằn học hay cả... sự hiểu biết của mình trong đó.

Những người Việt xấu xí, khi là chuyện của mình thì có khi loay hoay không thể tìm cách giải quyết, nhưng chuyện "nhà khác" thì hùa vào tư vấn, bình luận, nói xấu, rất nhiệt tình.

Mỗi khi nổi lên một chuyện ngoại tình, rằng cô này cặp với anh kia, người vợ nọ vừa đăng đàn công khai đả kích bồ chồng, thì đó lại là một miếng mồi ngon cho "dư luận" tìm đến phê phán, bênh vực, và bày tỏ quan điểm. Sự nhiệt tình đó giúp được bao nhiêu % cho người trong cuộc? Chẳng biết, "mình thích thì mình nói thôi!".

Như chuyện ngã giá tình - tiền bất thành của một nàng hoa hậu và một đại gia đến mức phải lôi nhau ra tòa, bản chất sự việc thế nào chưa chắc đã ai biết, nhưng mạng xã hội đã hình thành hẳn hai phe, người bênh vực kẻ chê bôi, bình phẩm và "định giá" như thể mình trong cuộc. Có những ý kiến tung hô người đẹp chiến thắng trở về như một người hùng.

Còn nhớ một câu chuyện: Nghe có người đang định nhảy cầu tự tử, cả đám đông nhao đến tụ tập trên cầu đứng... xem. Họ hóng hớt, họ hỏi nhau "xem có chuyện gì, ra sao?", "làm sao mà nên nỗi khổ sở đến vậy?", người tự tử mặt mũi thế nào còn chưa biết thì cầu đã sập, hai người chết trong đám đông.

Từ chuyện cây cầu, trộm nghĩ giữa đám đông đang hò la bênh vực, phản đối, bày tỏ quan điểm trước những chuyện gạ tình, ngoại tình kia, họ được gì, mất gì? Được nói sướng mồm - nhất định rồi. Nhưng luồng dư luận do chính họ tạo ra có tạo thành sóng gió cho chính người trong cuộc? Và liệu có hình thành những quan niệm mới mạnh mẽ hơn, lấn lướt những quan niệm cũ - nhắn tin gạ gẫm tình cảm là chuyện bình thường, trao đổi tình-tiền với người đã có gia đình cũng có khi đáng thương và cần được bênh vực, người vợ lên tiếng giữ chồng có khi cần xem lại cách ứng xử...

Đám đông vẫn la ó và từng cá nhân trong số họ không ý thức được sức mạnh của cả luồng dư luận mình tạo ra có sức mạnh thế nào. Chuyện không đơn giản là "mình thích thì mình nói thôi". Hãy nói cho đúng việc, đúng người. Chuyện riêng tư của người khác, hãy để họ tự giải quyết bằng cách đóng cửa bảo nhau chứ nhỉ?

Xung quanh chuyện ngoại tình, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, từ xưa đến nay, người ta cứ quan niệm “kẻ thứ 3” là nguyên nhân gây ra ngoại tình. Người con gái yêu đàn ông có gia đình sẽ bị gọi là kẻ “cướp chồng”, “giật chồng”. Tuy nhiên đàn ông đâu phải là “đứa bé lên 3” để có thể làm gì thì làm.

Thực tế, hầu như trong tất cả các vụ ngoại tình nói riêng và tình yêu nói chung, đàn ông đa số là người khởi động. Nhiều trường hợp, họ chính là người chủ động đi quyến rũ người phụ nữ khác.

Nếu một cuộc hôn nhân rạn nứt thì dẫn đến những mối quan hệ ngoài luồng.

Nhiều người phụ nữ khi phát hiện chồng ngoại tình, luôn tìm cách “tiêu diệt” đối phương bằng cách đánh ghen, chửi bới… Họ cho rằng đây là cách có thể chấm dứt mối quan hệ này. Tuy nhiên, điều này không đúng và chỉ có thể làm tình hình trở lên xấu đi.

Cách ứng xử thông minh nhất là bình tĩnh xem lại mối quan hệ của mình và tìm cách làm mới, tăng sự hấp dẫn trong hôn nhân.

“Nhiều người phụ nữ bỏ bê chăm sóc bản thân, tính cách cau có, khó chịu thường chì chiết, cằn nhằn chồng. Điều này kéo dài lâu sẽ dẫn đến sự nhàm chán trong hôn nhân. Người đàn ông sẽ bị dễ bị hấp dẫn bởi một người phụ nữ khác mới mẻ bên ngoài. Chúng ta hay lên án kẻ thứ 3 phá hoại hạnh phúc thế nhưng trong nhiều trường hợp nguyên nhân từ sự đổ vỡ trước hết bắt nguồn từ chính sự rạn nứt, thiếu chia sẻ đồng cảm trong cuộc sống gia đình”, ông Hòa nói.

Phản ứng của dư luận khi có xu hướng bảo vệ người thứ ba là do cách ứng xử của người vợ/chồng chưa phù hợp.

Chuyên gia cũng cho hay, trong nhiều trường hợp thay vì lên án, dư luận lại có xu hướng bảo vệ người thứ 3 là do cách ứng xử của người vợ hoặc chồng chưa phù hợp: “Đừng nghĩ cứ đánh ghen bằng bạo lực, bêu rếu bịa đặt người khác là cách tốt để giải quyết chuyện ngoại tình. Làm như thế chúng ta chỉ càng biến mình trở lên xấu xí và càng đẩy đối phương tìm đến một người khác một cách nhanh chóng hơn”.

Hà Trang thực hiện

H.A