Nghe “nội tướng” nói chuyện ngày Tết

Không kể việc dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, nấu nướng… riêng các thủ tục đã thấy rườm rà. Có nghe mới thấy… Tết dễ sợ!

 
Nghe “nội tướng” nói chuyện ngày Tết - 1


Một chị kể chuyện, mẹ chị rất bài bản trong việc cúng Tết. Dù bây giờ đã giản lược đi ít nhiều nhưng cũng phải đủ lễ bộ từ cúng đưa ông Táo đến rước ông bà. Bắt đầu rước ông bà về nhà là phải “cơm bưng nước rót” ngày ba bữa hầu các cụ.

 

Nếu ngày trước, bữa sáng mời các cụ cũng đầy đủ các thứ thì bây giờ đơn giản chỉ là các món điểm tâm nhẹ, chủ yếu là bữa trưa và bữa chiều. Tối mùng Một dứt khoát phải cúng chè mời các cụ quây quần với con cháu… Bởi những tập tục thành thói quen đó, gần như ba ngày Tết mẹ chị chẳng đi đâu ra khỏi nhà, quanh quẩn ở bếp, nấu nướng, bày, dọn, cúng… Nếu bà có đi đâu thì phải cắt cử người ở nhà lo việc dọn cỗ bàn mời ông bà. Mãi đến mùng ba cúng đưa xong, mẹ chị mới rảnh rang được.

 

Nếu cách đây khoảng 20 năm, Tết là cả một vấn đề với người phụ nữ, nhiều thứ phải lo toan, thì bây giờ cũng vậy, nói đến Tết, người ta liền nghĩ ngay đến vai trò nội tướng. Và như thế, Tết chưa bao giờ nhẹ nhàng với người phụ nữ. Tuy nhiên, không ít người quan niệm giờ đây chẳng cần phải sắm sửa Tết nhiều, ăn không bao nhiêu, bỏ phí…

 

Nhớ lại ngày xưa một chút, nhiều người vẫn còn mường tượng được không khí ngày cuối năm, người mẹ tất bật trong bếp với bao thứ việc. Chộn rộn từ đầu tháng chạp từ việc chọn từng miếng măng khô cho đến mua trước các thứ dự trữ cho Tết. Giữa tháng chạp nơi ngồi của mẹ luôn là trong bếp. Hết xâm gừng, bí đến cắt khoai lang, cà chua, thơm… Hình ảnh thân thương ngày Tết luôn là bếp than lửa nhỏ, bên trên có chảo mứt ngập đường, mẹ ngồi với cây đũa dài trở qua, trở lại cho đến khi mứt thật khô. Làm đâu chỉ để ăn! Bà con, xóm giềng, cả năm có chút bánh mứt qua lại, công nhiều hơn của. Vậy mà vui!

 

Hết món ngọt rồi đến món mặn. Nồi măng là chủ lực. Đưa ông Táo về trời xong mẹ bỏ măng ra ngâm rồi xả, luộc… bao công phu dồn hết vào đó. Mẹ còn chuẩn bị lá chuối gói bánh tét, chả lụa, giò thủ… Trong khi mẹ tất bật trong bếp thì cha lo dọn dẹp nhà cửa, trang trí ban thờ. Chân đèn, lư nhang… đem đi đánh bóng từ giữa tháng chạp. Rồi cha phụ mẹ gói bánh tét. Nổi lửa, bắc nồi… Ấm cúng ngày cuối năm là lúc này đây, quanh nồi bánh tét, cha mẹ, con cái ngồi chờ trời sáng, bao chuyện trên trời dưới biển hay ho nhất được tranh nhau kể. Cha nhân cơ hội này làm thêm vài “bài” về đạo đức, mẹ thì kể chuyện đời xửa, đời xưa…

 

Chiều ba mươi Tết mọi thứ đều chỉn chu. Trên ban thờ, bình bông lay-ơn hay bông huệ thật tươi, dưa hấu, bánh chưng, mâm ngũ quả, hương trầm thơm ngát, ấm cúng làm sao! Anh em đi học, đi làm xa tụ về, ra, vô, lên, xuống, ngó chỗ này, nhìn chỗ kia, ngồi lại cùng nhau bàn chuyện thế sự, hay làm ván tiến lên chờ… Tết! Mẹ lúc này đã rời gian bếp có nồi nào nồi nấy tú ụ thịt thà để bắt tay qua công đoạn khác là cùng các chị em gái chuẩn bị áo quần ngày mai đi Tết…

 

Thời gian dần trôi, Tết ngày càng đơn giản. Nồi măng của người mẹ ngày càng rút lại, hơn nửa ký măng giờ còn 1, 2 lạng vẫn ăn không hết. Thịt kho tàu chào thua, thịt thưng, rô-ti.. chút xíu gọi là cho thơm cửa nhà gợi không khí Tết… Rồi ngày càng giản lược đến mức hết còn muốn nấu nướng gì nữa vì nấu ra có ai ăn đâu. Ra siêu thị, loáng một cái khuân về tống hết vào tủ lạnh, xử lý dần.

 

Có người cho rằng,Tết ngày xưa vui và ấm cúng là do nhà con đông, quanh năm ăn uống tằn tiện, ngày Tết phải có gì rôm rả. Khách khứa đến thăm nhau cũng mời ngồi lại dùng cơm, bạn bè con cái đi chơi đã đời kéo về nhà tìm cái gì bỏ bụng… Giờ đây, những món Tết ngày nào chả ăn, vả lại, thời buổi giữ eo, ai cũng sợ mập, cholesteron, thịt mỡ, dưa hành là kẻ thù! Nhà nào còn cha mẹ thì còn thấy Tết, các gia đình trung niên còn chú trọng đến Tết, chứ với gia đình trẻ, Tết cũng như ngày thường, ra chợ hay siêu thị loáng cái là có đủ các loại ngọt mặn.

 

Và cứ như thế, Tết ngày càng rút gọn. Với bọn trẻ thì chủ yếu đi chơi, gặp đâu ăn đấy. Bà mẹ ở nhà cũng chuẩn bị ít thôi chút măng hầm, ít thịt thưng… thêm rau sống, bánh tráng là đủ!

 

Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng, dù ăn không bao nhiêu nhưng cũng ráng làm cho con cái biết không khí Tết. Xưa bày nay bắt chước, mình không bày lấy gì con cái làm theo, riết rồi Tết ta thành Tết Tây à?

 

Vậy là, các bà nội trợ chặc lưỡi, thôi thì, có mấy ngày Tết, cũng bày biện chút đỉnh gọi là cho có Tết. Vậy là đi chợ mua sắm. Các bà không mua thì thôi, mua là cứ mua… say!

 

Mới thấy, Tết cho dù có đơn giản đến đâu, vai trò của người phụ nữ vẫn là lo toan, tính toán sao đó cho vừa gọn, tiết kiệm mà vẫn đảm bảo gia đình có đầy đủ không khí. Tài “thao lược”, cách “bày binh bố trận” sao cho đủ, “binh lính” đánh cho hết, cho sạch… chính là đây!

 

Theo Tâm An

PNO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm