Ngày sum họp

(Dân trí) - Mỗi khi gió rét mùa đông bỗng hẹn gặp những ánh nắng vàng như mật, tiết trời đổi lại, trong trẻo ấm áp hơn nhiều, thì trong lòng con người lại tưng bừng niềm vui. Dường như xuân đang về, Tết đang đến, gần đâu đấy…

Những năm trước, anh em tôi đều chưa có gia đình. Những ngày giáp Tết là sôi động nhất. Ba anh em gọi điện tới tấp cho nhau bàn bạc xem đã mua những cái gì để người kia mua cái khác góp sắm Tết với Bố Bầm, rối rít họp bàn xem đi chơi ở đâu, tổ chức những gì, bắt đầu như thế nào…

 

Thế rồi lần lượt xuân qua, chị em tôi cũng qua sông làm dâu nhà người. Kiến giải nhất phận, mỗi người một mái ấm riêng cần vun đắp, lo toan.

 

Ngày sum họp - 1
 

 Giáp Tết, tôi tíu tít gọi điện về cho Bầm hỏi xem sắm Tết nhiều chưa, rồi thông báo: "Anh nhà con nói năm nay dâu mới phải đi chào khắp lượt họ hàng, đông quá, nên mùng ba, Bầm hoá vàng chúng con mới về được, chẳng thể đến nhà ông bà nội gặp gỡ đầu xuân vào mùng 1 như mọi năm". Bầm "Ừ" khẽ khàng, phảng phất chút buồn.  

 

Liên lạc với anh cả tôi mới hay, anh năm nay phải trực đến mùng 3 Tết, nên cũng đành lỗi hẹn, chẳng thể về góp vui.

 

Chị hai tôi lại sắp "vỡ chum" đến nơi, đi lại khó khăn, giờ tôi mà không về nữa chắc bố Bầm chẳng còn chút gì gọi là Tết. Tôi đâm áy náy, không yên.

 

Liền gọi về cho Bầm hỏi han: "Năm nay Bầm nấu bánh Chưng không?". "Có chứ!". Tôi buột miệng: "Có ai về đâu Bầm nấu làm gì cho mệt!". Tôi biết có lẽ Bầm rơm rớm nước mắt khi nói: "Ừ nhỉ?". Tôi vô tình chạm vào nỗi buồn của Bầm rồi.

 

Ngày trước tôi và chị gái đều yêu, rồi lấy người ở khá gần, chỉ cách hơn chục cây. Bầm mừng hớn hở, ra vào lẩm bẩm: "Lấy gần vừa chẳng mất giỗ, không mất Tết, tất nhiên là chẳng mất con". Vậy mà chưa được một cái Tết, cả hai chàng rể đều "quắp" con Bầm đi, còn định hết Tết mới cho về. Bầm không buồn sao được.

 

Ngày Tết chủ yếu để gia đình sum họp, giờ mỗi người li tán một phương, mâm cơm bị chia năm sẻ bảy như thế đâu thể gọi là Tết, đâu thể gọi đó là gia đình, tổ ấm. Tôi đem chuyện thủ thỉ với chồng rồi rủ rê: "Chúng mình đi thăm hỏi và chúc Tết họ hàng những nơi chính vào sáng mùng 1, sau đó chiều về bên Ngoại là phải phép nhất, trưa mùng hai quay về, qua thăm hỏi hàng xóm thân cận cũng tốt". Anh thấy hợp lý nên xuôi xuôi, cười đồng tình.

 

Thế rồi vợ chồng tôi về thăm Bố Bầm, gửi biếu quà Tết. Trong nhà Bầm đang hối hả tất bật thu dọn nhà cửa, cọ rửa nồi, chuẩn bị gói bánh Chưng, dù đã biết tin chẳng đứa nào về. Tôi cũng chực khóc khi nhìn thấy Bầm xúc động, mắt long lanh ầng ậc nước lúc nghe vợ chồng tôi thông báo chiều mùng 1 sẽ về ăn Tết cùng. Vừa lúc thấy anh rể gọi điện: "Anh trai anh tiện có chuyến xe nên sẽ rước bà bầu về tận quê ngoại ăn Tết vào trưa mùng 1, cả nhà cứ yên tâm, Bố Bầm sẽ không phải lẻ loi đâu".  

 

Bố tôi cười vang: "Gia đình ta lại đông đủ lạ thường, do còn thêm vài nhân khẩu so với các năm, có thế chứ! Đã là truyền thống thì không được để nó mai một đi. Anh trưởng chúng mày cũng thu xếp được rồi. Mùng 1, cả chị dâu và con Ỉn cùng về sau đó sẽ quay lại cơ quan trực Tết tiếp".

 

Tôi còn nhớ rõ gương mặt ông xã khi ấy, rạng rỡ quay sang nhìn tôi rồi lắp bắp, mấp máy môi: "Anh cũng biết gia đình mình rất chan hòa, đầm ấm nhưng cũng chưa mường tượng được đến đây. Anh sẽ là một con chiên ngoan đạo trong "thánh đường" kiểu mẫu này!". Tôi nắm tay anh, một mùa xuân hạnh phúc lại về!  

 

TSL