Ngày hôm qua

(Dân trí) - Mấy hôm nay tâm trạng của tôi không được tốt, cô bạn thân bảo: “Nghe tớ, cậu thử cắt tóc ngắn đi. Cắt tóc xong tâm trạng sẽ khác ngay. Những lúc buồn quá tớ vẫn thường làm thế”.

Tôi cũng thấy nhiều bạn gái mỗi khi có chuyện gì buồn thường hay thay đổi kiểu tóc. Nhưng tôi chưa bao giờ thử, nguyên nhân do tôi thích tóc dài, để thẳng. Nhưng hôm nay nghe bạn nói, tôi cũng quyết định thử một lần xem sao.

Và chính nhờ đi cắt tóc mà tôi gặp lại chị. Dễ phải mười mấy năm rồi chứ có ít ỏi gì đâu. Chị tuy đẹp hơn, nhìn sang trọng hơn, nhưng gương mặt ấy, tôi không bao giờ quên được. Thoạt đầu khi tôi gọi chị, chị không nhận ra tôi, Có lẽ vì do ngày chị đi tôi còn nhỏ và giờ đã thay đổi quá nhiều. Đến khi tôi nói tên tuổi quê quán thì chị ôm chầm lấy tôi rồi hai chị em vui quá mà bật khóc.

Xưa, nhà chị ở cạnh nhà tôi, chị hơn tôi 10 tuổi. Ngày nhỏ, chị hay dùng xe đạp đưa tôi đi học. Những buổi chiều tôi hay lẽo đẽo theo chị đi chăn trâu, đi bắt cua, mò ốc. Chị thương tôi như em gái, có cái gì ăn chị cũng để phần cho, có cái dây buộc tóc hay chiếc vòng tay đẹp, chị cũng nhường cho. Cũng như phần lớn những cô gái ở nông thôn khác, buông bút xuống là chị lấy chồng.

Nhà chồng chị ở xã bên, không xa nhưng cũng chẳng gần với một đứa trẻ tám, chín tuổi như tôi. Mỗi lần biết chị về thăm nhà, tôi đều mừng rỡ chạy sang. Và tôi nhận thấy chị ít cười hơn trước. Chị chỉ ngồi im nghe tôi mồm mép tép nhảy kể những chuyện linh tinh, rồi thỉnh thoảng thì thầm: “Chị nhớ Bống lắm”. Có những lần chị về, tôi thấy tay và mặt chị có những vết bầm tím, tôi hỏi, chị bảo chị bị ngã. Nghe vậy, mẹ chị cứ ngồi khóc. Tôi nghĩ, chỉ là ngã thôi mà , tôi cũng ngã trầy da xước thịt suốt có sao đâu.

Một hôm, tôi thấy chị về xách theo cả túi quần áo, tôi lân la hỏi, chị bảo chị về không đi nữa.Tôi mừng rỡ ôm lấy cánh tay chị: “Thật nhé, chị đừng đi lấy chồng nữa nhé” . Chị cười như mếu, cốc mạnh lên đầu tôi một cái rõ đau.

Ngày hôm qua - 1

Nhưng tôi không biết từ bữa đó đến tận mười mấy năm sau mới gặp lại chị. Sáng hôm ấy, tôi sang nhà không thấy chị đâu, chỉ thấy mẹ chị đang ngồi khóc. Mấy bà hàng xóm đang ở đó, có cả mẹ tôi. Về nhà tôi nghe mẹ nói với cha: “ Cái Ngân nó đi rồi, nó bảo nó đi lên thành phố xin việc làm, chứ không thể sống mòn chết mòn ở đây được. Khổ thân con bé, đúng là phụ nữ lấy chồng như đánh bạc. Xinh đẹp, hiền ngoan mà không may mắn thì cũng vứt”. Hóa ra là chị lấy chồng khổ quá. Chẳng biết ngày yêu đương tán tỉnh anh ta thế nào mà chị yêu, lấy về rồi mới lộ diện ra không có tài chỉ có tật: bài bạc, rượu chè, lại thêm thói vũ phu. Mỗi lần hắn thua bạc, chị nói gì hắn cũng không thấy lọt tai, làm gì hắn cũng không thấy vừa mắt. Mỗi lần hắn say rượu, chị nói gì hắn cũng cho là “con này bố láo dạy đời ông”. Thế là đấm, là đá, là giật tóc. Đỉnh điểm vừa rồi là hắn đánh chị đến sấy thai. Chị đòi li hôn, hắn không chịu, bảo đời hắn không lấy hai vợ. Cuối cùng chị quyết định viết đơn li hôn gửi chính quyền rồi khăn gói trốn đi. Nghe chuyện chị, lần đầu tiên tôi biết khóc vì nỗi đau của một người khác.

Suốt buổi hôm ấy, chị kể tôi nghe những tháng ngày chị mới đặt chân lên thành phố làm thuê làm mướn. Bắt đầu là học việc ở một quán cắt tóc, làm thợ phụ, thợ chính rồi tích cóp được một ít tiền, mở tiệm nhỏ, rồi tiệm to. Giờ thì salon tóc của chị đã rất nổi tiếng ở thành phố này. Chị cho tôi xem ảnh hai cô con gái của chị, xinh và giống mẹ như đúc. May mắn thay, chồng chị bây giờ là người hiểu biết và rộng lượng. Anh đến với chị cũng bởi thương cô gái quê khốn khổ và nghị lực.

Tôi hỏi chị: “Thế hôm chị quyết định rời nhà đi, chị nghĩ gì thế?”. Chị bảo, lúc đó chị chỉ nghĩ: “Mình được sinh ra không phải để người ta hành hạ, chà đạp như thế. Chị đã không thể bảo vệ con thì chỉ có cách tự cứu lấy mình. Thế là chị đi thôi.”

“Thế là chị đi thôi”, câu nói nhẹ tựa như gió mà tôi biết gói ghém trong đó là bao nhiêu nỗi cơ hàn, khổ cực. Bao nhiêu nước mắt hờn giận, là nỗi đau tê tái khi nhìn giọt máu của mình ra đi khi chưa rõ hình hài. Phải mạnh mẽ lắm, chị mới có thể là chị của ngày hôm nay.

Chị hỏi tôi: “Tóc em dài, đẹp thế này sao lại cắt đi?”. Tôi nói tôi có vài chuyện buồn, muốn thay đổi một chút, muốn làm mới mình một chút, để mỗi lần soi vào gương không thấy mình là người của ngày hôm qua nữa. Chị nhìn tôi một lúc rồi bảo: “ Dù em có cắt tóc ngắn đi, có cạo trọc cả đầu đi, có thay đổi diện mạo đi mà suy nghĩ của em không thay đổi, hành động ý chí của em không thay đổi thì cũng thế thôi. Làm người, điều quan trọng nhất là cho mình một con đường sống. Sai lầm không ai muốn, rủi ro không ai mong, những nó đã đến, nghĩa là đã xảy ra rồi, muốn thay đổi cũng không được. Chúng ta chỉ có thể nhìn vào những sai lầm mà cẩn trọng hơn, nhìn vào những đớn đau mà mạnh mẽ hơn, chứ không phải để hối tiếc, để ủ rũ tự giày vò mình. Hãy tập buông bỏ đi, em nhé”.

Nghe lời chị, tôi không cắt tóc nữa, hai chị em bịn rịn chia tay nhau rồi hẹn ngày tái ngộ. Trên đường về, tôi ghé qua trường mầm non đón con. Con xin mua bim bim, tôi dừng lại mua cho con một gói. Con tôi bảo: “Mẹ mua thêm một gói cho bạn Bông nữa”. Tôi thắc mắc: “Tối qua con bảo Bông đánh con, con giận không thèm chơi với Bông nữa cơ mà?”. Con gái tôi chu môi: “ Đấy là hôm qua chứ. Hôm nay đi học con chơi lại với bạn ý rồi”. Nghe xong, muốn thơm lên môi con một cái. Con nói đúng, ai thèm bận tâm để ý chuyện của ngày hôm qua chứ, quan trọng là hôm nay vui rồi. Có lẽ mình cũng nên học sự bao dung của con trẻ, bao dung với người khác và bao dung với cả chính mình.

Tự nhủ, sẽ cố gắng không để hôm nay buồn vì những chuyện của ngày hôm qua nữa. Bởi vì ngày hôm qua - nó qua rồi.

Lê Giang