Ngẫm nghe cái sự trị chồng
Trị chồng không dễ và tất nhiên cũng không có được “công thức chung”, quan trọng là các chị biết lựa chọn đâu là cách phù hợp cho chồng mình.
Xóm Củi, quận 8, TPHCM có chị Năm Thung bán nước giải khát, mà nhiều người còn gọi lén là Năm “chằn tinh”, bởi mức độ hung dữ của chị này. Mấy ông chồng trong khu vực thì sáng say chiều xỉn, bài bạc, đánh vợ đập con, còn anh Lũ chồng chị Năm thì hết mực ngoan hiền. Sáng sáng anh lụi cụi thồ xe chở cả bà vợ mập lẫn xe nước ra đầu đường, sau đó ra nhập bọn với cánh tài xế xe ôm đối diện, tối phụ dọn về, về nhà lại lăn lưng ra dọp dẹp nhà cửa, tiền thì có bao nhiêu đưa hết cho vợ.
Về “bí quyết” của mình, bà vợ đúc kết đơn giản: “Dạy chồng cũng như... dạy thú, nghĩa là phải huấn luyện nghiêm ngặt kể cả bằng… bạo lực (!)”. Nói là làm, trong nhà Năm Thung, vật không thể thiếu là... dụng cụ luyện thú, nghĩa là roi. Có hôm người ta thấy bà vợ rượt đánh ông chồng trối chết chỉ vì tội “không đem được đồng nào về, chắc là đú đởn ăn chơi ở đâu”.
Cách xa hàng trăm cây số nhưng lại cùng “tư tưởng dạy chồng” với bà vợ nói trên là bà Nguyễn Thị Thà, còn gọi là Thà “gấu” ở Gò Đen, Long An. Bà Thà có một phương cách “kịch độc” là... nhốt chồng vào chuồng heo. Chẳng là ông Tam, chồng bà tuy rất “ngoan” nhưng cũng có một tật là mê nhậu nhẹt bù khú với bạn bè. Mà bà thì cực ghét cảnh ông xỉn về nhà sau bữa lúy túy, thế nên bà mới tìm mọi cách để trừng trị cái thói ấy của chồng.
Nhà có cái chuồng heo nhưng đã hết nuôi heo vài tháng nay, bên trong tuy không còn dơ bẩn những cũng rất ngổn ngang, mỗi đêm ông Tam đi nhậu, bà chốt cửa trong, ông về không có lối vào, đành gọi cửa, chỉ chờ có thế, bà túm cổ lôi tuột chồng vào chuồng heo, quẳng cho chiếc chiếu rồi khóa trái cửa nhà trên. Hôm nào quắc cần câu ngủ như chết thì thôi, hôm nào ông còn tỉnh tỉnh thì cơ khổ cho ông, nền đất thì lạnh, muỗi mòng tứ phía...
Dạy chồng bằng mưu
Công việc điều hành khách sạn gia đình quanh năm tất bật, việc nhà khó chu toàn nên chuyện thuê ô sin khá quan trọng để duy trì ổn định trong nhà của chị Lâm Thị Minh Thúy, ngụ Tân Bình, TPHCM. Tuy nhiên, ở thời buổi ô sin có giá, cuộc tìm kiếm osin chiếm mất của chị một thời gian đáng kể.
Thuê người già thì chậm chạp, vụng về, không sạch sẽ, chị chỉ toàn thuê những ô sin còn trẻ, chịu khó. Đến đây thì lại vướng phải… đức ông chồng. Chồng chị vốn có “máu 35”, công việc lại rỗi rãi nên nhiều thời gian ở nhà gạ gẫm ô sin. Có cô thì về mách chị, có cô thì thuận theo, nhưng xui xẻo bị chị bắt được, và hầu hết cuối cùng đều phải “chào bác em đi”.
Mãi mới tìm được một ô sin học hết cấp 2, nói năng lễ độ lại siêng năng, thật thà, yêu trẻ con. Quyết giữ bằng được cô ô sin nọ, chị nghĩ nát nước mới ra cách trị ông chồng. Trả lương cho ô sin kha khá, chị còn hứa “ráng làm đàng hoàng giúp cô, lớn lớn chút nữa cô làm mai cho thằng cháu họ đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc sắp về”. Đồng thời, chị thủ thỉ tâm sự về thói xấu của ông chồng, chuyện cư xử “không đàng hoàng” với các cô ô sin trước đây.
Thế là cô bé 18 tuổi biết chuyện “cách xa ba mét” với ông chủ “nguy hiểm”, thậm chí ông chủ có động tĩnh gì cũng đem “mật báo” bà chủ. Ấy vậy mà ông chồng biết sợ, đi đâu không biết nhưng không dám “làm ẩu” trong nhà, hai năm trôi qua mà cô bé ô sin vẫn trụ vững.
Chị Tuyết Nhung, cán bộ ngành bưu điện thậm chí còn cao tay hơn chị Thúy, biết chồng vẫn cảm động trước cô ô sin vừa dịu dàng lại xinh xắn trong nhà, chị thuê ngay một… tài xế nam còn trẻ, người ngoại tỉnh và tính nết thật thà dù trước giờ chị vẫn tự lái xe đi đây đi đó. Sau đó, tài tình thay, chị làm mai mối để hai trẻ làm quen với nhau. Lúc này, anh chồng đành chịu chết và thầm phục vợ, nên cũng không dám léng phéng gì.
Dạy chồng khó hơn... dạy con?
Đó là chia sẻ thật của khá nhiều bà vợ (tất nhiên là chia sẻ với nhau lúc vắng mặt các ông chồng). Nhiều bà vợ khẳng định, có lẽ câu nói “lạt mềm buộc chặt” của bà, của mẹ ngày xưa giờ đây chỉ còn đúng một phần. Ngày nay, chỉ có “cao tay ấn” và cực kì “lắm chiêu” mới khiến chồng trở nên “ngoan hiền”.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Như là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân cỡ nhỏ trong ngành dịch vụ du lịch tại TPHCM. Chị Nguyệt được bạn bè nể vì không những giỏi làm ăn mà “đối nội” cũng quá chuẩn. Chồng chị chỉ là một công chức bình thường, đi làm thì mẫu mực, về nhà thì thương yêu, chiều chuộng vợ con.
Chị chia sẻ bí quyết của mình, chị tuy bên ngoài chức vụ cao nhưng về nhà nhất nhất chị đều chia sẻ, hỏi ý kiến chồng, đồng thời tôn trọng ý kiến và gia đình chồng. Điều này khiến chồng chị cảm kích và hết lòng với gia đình.
Tuy nhiên, không phải với ông chồng nào cũng có thể “ngoan” nhờ cách đối đãi như thế. Anh Văn Tùng, chồng chị Xoan ở Phú Nhuận, TPHCM thì ngược lại, vợ chiều chồng hết mực, nhưng chồng thì là “chúa” làm vợ buồn. Chị nấu cơm thật ngon, chờ anh về anh, chờ đến tối mịt anh chỉ nhắn một câu: “Anh đi với đối tác, em ăn trước”.
Tối đến chị chờ anh đi ngủ, anh thì còn bận việc trên máy tính, mà thực chất là chat chit, lướt web. Chị giận dỗi, khóc lóc, anh cũng xin lỗi bao lần về cái tội vô tâm, quên sinh nhật vợ, lễ tình nhân, ngày 8/3... Thế rồi một ngày, được người bạn tư vấn, chị quyết định đổi “đối sách”.
Không còn những bữa ăn ngon chờ anh ở nhà. Chị đi làm về, rong ruổi với đám văn phòng chưa chồng ăn uống, cà phê thả cửa. Chị không mua sắm nhiều cho chồng, mà tập trung ăn diện cho mình. Chị cũng không thèm để ý xem anh có nhớ những ngày lễ hay kỉ niệm không, vì những ngày ấy chị cũng bận tụ tập với chúng bạn… Anh dần nhận ra sự thay đổi của vợ, ban đầu là để ý, rồi ngạc nhiên, sau đó là buồn và khó chịu. Anh đã quen với chuyện đi làm về vợ cằn nhằn, vợ chờ cơm. Nay bữa thì chẳng có ai chờ, mà căn vặn thì cũng không.
Rồi anh phải tự lên tiếng, tự giải thích là mình vừa đi đâu, làm sao về trễ, “báo cáo” phần mình để mà có cớ hỏi vợ. Rồi, chịu hết xiết, anh chủ động yêu cầu vợ ngồi lại nói chuyện, việc mà trước giờ chưa từng làm. Kết thúc cuộc “nổi dậy”, chị lại quay về như ban đầu, còn anh thì “ngoan” như hồi mới yêu.
Vậy mới nói, trị chồng không dễ và tất nhiên cũng không có được “công thức chung”, quan trọng là các chị biết lựa chọn đâu là cách phù hợp cho chồng mình. Thế nhưng, cũng phải nhớ rằng, dạy kiểu nào thì dạy đừng để đến cảnh người mất kẻ vào tù, con cái bơ vơ.
Theo Phapluatvn