“Nem chay”

Hiện tượng ngoại tình kiểu mới tập trung ở giới văn phòng, công sở. "Đương sự" thường hẹn hò vào giờ cơm trưa, uống cà phê để chia sẻ buồn vui và dừng lại ở những cử chỉ âu yếm. Nhưng sự đời không đơn giản chỉ có thế.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm - GĐ công ty tư vấn Hồn Việt, hiện tượng ngoại tình công sở, "nem-chả" chay đang nổi lên như một căn bệnh của cuộc sống hiện đại, hầu hết xuất phát từ nhu cầu được giãi bày, chia sẻ, tôn trọng... của người vợ hoặc chồng khi gia đình xảy ra khó khăn, mâu thuẫn. Họ đã tìm đến đồng nghiệp và sự đồng cảm đã dần kéo hai người lại gần nhau.

 

Mang nỗi khổ có một người chồng thích nhậu nhẹt, ham chơi hơn ham việc, bị cơ quan khiển trách thường xuyên và suýt mất việc nên chị Quỳnh Trang - biên tập viên một nhà xuất bản, thỉnh thoảng lại buồn ra mặt và thở dài trong lúc làm việc.

 

Biểu hiện đó đã khiến anh bạn đồng nghiệp Ngọc Hùng chú ý và muốn chia sẻ với người đồng nghiệp tốt bụng, dễ mến. Có lần chị Trang vừa dứt tiếng thở dài thì anh lên tiếng: "Nếu có chuyện buồn thì em nên nói ra để bạn bè chia sẻ cho nhẹ nhõm, để trong lòng càng nghĩ ngợi nhiều hơn".

 

Chị Quỳnh Trang đã tin tưởng chia sẻ nỗi lòng. Tâm sự của chị được anh Hùng nghe với thái độ chăm chú, thông cảm khiến chị, cảm kích trước lời động viên ân cần ấy, cũng cảm thấy nỗi buồn vơi đi nhiều. Vì vậy, sau khi được anh Hùng động viên và hứa sẵn sàng làm "chuyên viên tâm lý" giúp chị cảm hoá, thay đổi chồng tốt hơn, chị thật sự biết ơn anh. Từ đó chị Quỳnh Trang và anh Hùng thường xuyên đi ăn trưa, để chị "báo cáo" diễn biến của tiến trình "tầm sư trị chồng".

 

Sau gần hai tháng, những tiếng thở dài của chị biếng mất và chị phát hiện niềm vui trở lại với mình không phải là sự thay đổi của chồng, mà là nhờ những buổi trò chuyện với anh Hùng. Khi chị nhận ra điều này thì lằn ranh tình đồng nghiệp giữa chị và anh Hùng đã bị phá vỡ, thay vào đó là nỗi nhớ nhung của những đôi tình nhân. Và kết cuộc anh chị chính thức đã trở thành "người tình ban trưa" của nhau, với các buổi trưa hẹn hò ở quán cà phê quen thuộc ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q1.

 

Không mất đến hai tháng mới nhận ra trạng thái tình cảm của mình, chị Minh Thuý - Kế toán một công ty nước ngoài, chỉ sau 4 lần đi ăn trưa đã "tình trong như đã" với anh Hoàng Long - công tác tại một trung tâm tin học.

 

Nguyên do là chị đã không còn tình yêu với chồng - GĐ của một công ty, sau khi phát hiện anh ngoại tình với cô thư ký. Nhưng chị không ly hôn vì chồng không bỏ bê chị, các con còn nhỏ và điều quan trọng là chị không muốn ở tuổi 42 phải bắt đầu lại mọi thứ.

 

Một tuần 3 buổi trưa, vào ngày chẵn, chị và anh Long hẹn hò ở quán cà phê ở đường Tú Xương, Q.3. Đó là nơi có khoảng không gian ấm cúng, lãng mạn. Hai giờ ngắn ngủi bên nhau, anh chị không nói về gia đình, chẳng bàn về công việc và cũng không có những lời thề thốt yêu đương mặn nồng - mà chỉ là những câu chuyện phiếm trên trời dưới đất và một vòng tay ôm, cử chỉ vuốt ve triu mến chị đã không tìm thấy ở người bạn đời.

 

Chị Huyền Nga nhân viên PR một công ty quảng cáo, cũng "ăn nem"... chay với một đồng nghiệp chung phòng cách đây nửa năm vì chán ông chồng khó tính, nguyên tắc, khô khan. Cả hai đi làm tối mới về nên hầu như các buổi trưa chị đều dành khoảng "giao lưu ngắn ngủi" với đồng nghiệp.

 

Chị tự nhủ: "Nếu không có sự thoả mái, thư giãn với người tình thì khi về nhà chị sẽ không nhường nhịn được tính độc đoán, khó khăn của chồng và sẽ chia tay sớm hơn. Không vược quá giới hạn thì cũng chẳng có lỗi với chồng".

 

Đùa với lửa

 

Lời bào chữa của chị Huyền Nga cũng là suy nghĩ của nhiều người mới bắt đầu "nem chay", và các chị hoàn toàn không nghĩ hành vi này là ngoại tình. Chị Thuý đã khẳn định khi một người bạn phản đối mối tình ngoài luồng của mình:

 

"Đó không phải ngoại tình, chỉ đơn thuần là hai người hợp nhau có thể chia sẻ vui buồn. Chỉ là thể hiện tình cảm hơn bạn bè, đồng nghiệp và có hơn chút khi có vài động tác nắm tay, ve vuốt, nhưng có mất mát ảnh hưởng gì đâu. Quan trọng là bản lĩnh của mỗi người đừng để vượt qua giới hạn".

 

Chính vì quan niệm này các chị không nhận ra nguy cơ đổ vỡ gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Tâm, các chị đang đùa với lửa vì từ người tình ban trưa đến người tình ban... đêm là khoảng cách rất mong manh.

 

Trước đây, khi thật sự bước vào cuộc chơi, chị Quỳnh Trang vẫn nghĩ sẽ giữ được khoảng cách với anh Hùng. Nhưng chính bản thân chị cũng không kiểm soát nổi, chứ đừng nói đến bạn tình. Nếu xuất phát điểm chỉ là sự an ủi bằng lời của anh Hùng dành cho chị, thì sau đó "độ nóng" lớn dần với sự đồng cảm của hai người; nắm tay dựa vai rồi những nụ hôn nồng cháy.

 

Đến cấp độ này, từ địa chỉ quán kem cà phê, họ đã tiến đến mướn phòng ở quận Bình Thạnh cho kín đáo, rộng rãi hơn để dễ bề tâm sự. Trước sự ân cần nồng nhiệt của "ân nhân", chị Trang không cưỡng lại được, khoảng cách mong manh ấy đã bị san bằng, sau 4 tháng hai người cặp kè với nhau.

 

Một phút hối hận chị Trang tìm cách thoái thác không đi với anh Hùng. Nhưng khi anh năn nỉ, thuyết phục, nói không thể sống thiếu chị, chị lại mềm lòng. Đến nay chị cũng chưa dứt được, dù rất sợ chồng biết, con hay sẽ nhục gia đình. Vậy là chị luôn sống trong tâm trạng phập phồng, dằn vặt.

 

Cũng như chị Trang, chị Huyền Nga khi đã ngã vào vòng tay người tình mới bừng tỉnh nhận ra lỗi của mình. Sự tin tưởng tuyệt đối của chồng làm chị ray rứt, mang mặc cảm là mình lừa đảo, tội lỗi. Dù bạn tình hứa cắt đứt và quên mọi chuyện (anh Long cũng sợ vợ phát hiện), nhưng chị cũng mang nỗi ám ảnh một ngày chồng chị biết sự thật, gia đình sẽ tan nát.

 

Bi kịch hơn là chị Thuý, chồng chị khi nghe một người bà con kể nhiều lần thấy chị cặp kè với 1 người đàn ông vào quán cà phê, theo dõi và bắt quả tang hai người đang... má kề má. Mặc chị Thuý nhận lỗi, thề là chưa vượt rào và biện cả lý do anh từng ngoại tình, chồng chị vẫn không tha thứ: "Cô và thằng đó làm gì chỉ có trời mới biết, không thằng đàn ông nào chịu vợ cắm sừng đâu!".

 

Anh chị đã xin ly hôn. Chia tay với chồng là điều chị từng nghĩ đến, nhưng chị bị chồng bỏ là cú sốc khiến chị suy sụp tinh thần khi gánh thêm vết đen: Ngoại tình.

 

Để tránh bi kịch xuất phát từ chuyện ăn "tình ban trưa", bà Nguyễn Thị Tâm khuyên: "Sai lầm đầu tiên là gốc rễ dẫn đến bi kịch gia đình trong vấn đề này là quan niệm ngây thơ của chị: "Ăn nem chay" sẽ không gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Các chị nghĩ chỉ tìm người làm phao cứu sinh để an ủi, chia sẻ, nâng đỡ tinh thần sẽ không đi quá giới hạn. Nhưng "đối tác" không như vậy! Họ luôn muốn khám phá, đã được phép đi đến B,C thì họ phải đi đến Z. Một khi đã có tình cảm với nhau thì chuyện vượt quá giới hạn là điều khó tránh khỏi.

 

Trong mối quan hệ này, người thiệt thòi nhiều nhất vẫn là phụ nữ và họ dễ bị stress vì phải sống 2 mặt: Vừa lo chồng phát hiện, vừa mang tội lỗi. Các chị lưu ý, dù ăn nem chay hay mặn, nếu bị chồng phát hiện sẽ rất khó được tha thứ. Sĩ diện, lòng tự tôn và cả sự... ích kỷ của đàn ông rất cao, khiến họ rất khó chấp nhận bị vợ cắm sừng".

 

Cũng theo bà Tâm, cách đề phòng tốt nhất là tránh để gia đình có mâu thuẫn, rạn nứt. Để làm được điều đó, vợ chồng phải đặt nặng giá trị gia đình, lấy tình thương yêu làm nền tảng và luôn quan tâm, chăm sóc nhau để người thứ ba không có cơ hội chen vào.

 

Theo Phụ Nữ TP.HCM