Nàng dâu bế con về ngoại phải xin phép: "Làm dâu chứ làm osin đâu mà xin"

Hải Đường

(Dân trí) - Đó là ý kiến của không ít người vợ trẻ ngày nay trước yêu cầu chưa từng hết tranh cãi quanh việc nàng dâu ở nhà chồng, muốn bế con về ngoại chơi phải "xin" bố mẹ chồng, họ có đồng ý mới được đi.

Nàng dâu bế con về ngoại phải xin phép: Làm dâu chứ làm osin đâu mà xin - 1

Ảnh minh họa: Getty Images.

Những ý kiến gay gắt được dấy lên sau khi cư dân mạng đọc tâm sự của một ông chồng, kể về người vợ "ương ngạnh" của mình, bế con về ngoại chỉ "thông báo" chứ không "xin phép" mẹ chồng, đã vậy còn nhất định không xin lỗi.

Người chồng viết:

Tôi và vợ tôi lấy nhau đã được hơn 1 năm, con gái của chúng tôi cũng đã được 5 tháng rồi. Gia đình tôi vốn là gia đình có nề nếp gia phong, không quá cứng nhắc nhưng trên bảo dưới phải nghe không được cãi lời. Tôi là con một nên vợ chồng lấy nhau thì xác định sẽ ở với bố mẹ.

Ngày tôi và vợ tôi còn yêu nhau, đến nhà cô ấy chơi tôi thấy nề nếp sinh hoạt và cách ứng xử của mọi người với nhau trong gia đình khác hẳn nhà tôi. Người nhà cô ấy khá thoải mái, người nhỏ có thể trêu đùa người lớn, hầu như không có khoảng cách nào. So với hai bên gia đình, phong cách sống hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy nên sau khi về nhà tôi làm dâu, có nhiều chuyện vợ tôi gần như không thích ứng được. Cô ấy cũng cố gắng thay đổi theo nề nếp nhà chồng, nhưng có nhiều việc cô ấy vẫn cho rằng không cần thiết. Chính vì lẽ đó vợ tôi hay bị mẹ chồng phiền trách, giáo huấn.

Hôm kia, vợ tôi có báo tôi: "Cuối tuần em đưa con về nhà ngoại chơi, tầm thứ 3 em về nhé". Tôi cũng đã dặn dò vợ tôi kỹ càng, em cứ về đi nhưng trước khi đi nhớ xin phép bố mẹ đã nhé.

Chẳng hiểu sao sáng nay khi tôi đang ở cơ quan thì mẹ tôi gọi điện "Nhà này rốt cuộc có ai coi ông bà già này ra gì nữa không?", rồi cúp máy ngang. Tôi đoán có chuyện không hay nên đã gọi điện hỏi vợ.

- Em về ngoại không xin phép bố mẹ à?

- Em bảo rồi.

- Sao mẹ bảo em không xin phép?

- Ô hay, sáng em bảo mẹ "Nay được nghỉ con đưa cháu về ông bà ngoại chơi mẹ nhé" rồi còn gì?

- Nhưng bà nói bà còn chưa đồng ý đã đi rồi, là em nói cho có chứ đâu phải xin phép.

- Em về nhà bố mẹ em mà cũng phải được bố mẹ chồng cho đi mới được đi à, anh lắm chuyện vừa thôi chứ. Em chỉ thông báo cho ông bà biết thôi, không phải là xin phép.

Vợ tôi trả lời kiểu đó khiến tôi càng bực mình hơn, cũng hiểu được vì sao bố mẹ tôi lại giận đến thế. Tôi bảo với vợ em về làm dâu nhà anh hơn một năm rồi, ít ra mấy thứ này em cũng phải hiểu, nhập gia tùy tục em phải làm theo chứ.

Vợ tôi không để tôi nói hết câu đã nói lại ngay "bảo thủ và gia trưởng y hệt bố mẹ anh". Cô ấy cho rằng thông báo với mẹ chồng chính là tôn trọng bà rồi. Cô ấy không phải là trẻ con mà đi chơi cũng phải cho phép mới được đi.

Mấy hôm nay mẹ tôi luôn nói vợ tôi không có phép tắc vì "thuyền theo lái, gái theo chồng. Trong nhà có bố mẹ chồng mà đi đâu làm gì cũng tự tung tự tác" còn nói tôi có một việc đơn giản như vậy mà không biết "dạy vợ". Vợ tôi thì bảo cô ấy là người trưởng thành rồi, có thể quyết định mọi việc mà không cần sự đồng ý hay cho phép của ai hết.

Trong chuyện này ai là người sai đây? Nhiều khi tôi cũng không biết mình nên đứng về phía ai? Không biết do vợ tôi quá ương ngạnh hay do bố mẹ tôi quá nghiêm khắc với cô ấy nữa?

Nhiều người cho rằng sống trong gia đình nhà chồng "nề nếp" kiểu này quả là quá mệt mỏi. Gia đình "có nề nếp gia phong, không quá cứng nhắc" nhưng "trên bảo dưới phải nghe không được cãi lời", như thế gọi là "không quá cứng nhắc mà chỉ cứng đơ luôn". Kiểu đòi hỏi này không còn phù hợp với thời đại mới.

Cư dân mạng nhận định gia đình anh chồng là kiểu nề nếp học đòi trưởng giả, theo mô hình bố mẹ độc tài, thiếu tôn trọng người dưới, thiếu tôn trọng con cái, thích tham gia điều khiển một cách vô lý. Nói về cách tổ chức gia đình, như gia đình người vợ sẽ mang lại cho các thành viên cảm giác dễ chịu, gần gũi hơn, khi các thành viên thoải mái với nhau, thậm chí có thể trêu đùa nhau, không hề giữ khoảng cách. Cô vợ từ nhỏ đến lớn sống trong môi trường như vậy, đến lúc tới gia đình chồng như thế, không thích nghi được cũng là điều dễ hiểu.

Thực tế, để có mối quan hệ gia đình hài hòa, mỗi bên đều cần phải có nỗ lực điều chỉnh để phù hợp với nhau, dựa trên sự chân thành muốn mở lòng yêu thương nhau như một gia đình.

Sống chung với bố mẹ chồng, đi đâu thông báo với mọi người trong nhà một tiếng để không ai phải lo lắng là chuyện rất nên làm, nhưng "xin phép",  chờ nhận được sự đồng ý mới được đi thì không cần thiết, bởi họ là người đã trưởng thành, cũng đã làm cha mẹ, đủ khả năng chịu trách nhiệm về mọi chuyện, không phải đứa trẻ lên ba, cũng không phải người đang chịu quản thúc để mà đi đâu cũng phải chờ xin phép.

Ở địa vị của anh chồng, tốt nhất nên từ từ công tác tư tưởng cho bố mẹ bớt đi sự cứng nhắc, không nên căng thẳng với vợ vì cô ấy thực chất không sai, chỉ là hơi thẳng thắn và nguyên tắc trong ứng xử. Nếu anh chồng và bố mẹ chồng còn giữ khư khư quan điểm gò bó của mình, gia đình dễ dẫn đến ngày đổ vỡ.