Muộn duyên, lấy phải chồng “bất lực”
Sau một thời kén cá chọn canh, Hằng cũng lấy được chồng. Ở cái tuổi 32 tưởng không còn hy vọng gì, việc cô có một chàng trai 35 chịu lấy làm vợ, có cưới xin đàng hoàng thực sự là niềm vui cho gia đình và bạn bè.
Một lần có ông thầy phán: Cô này bị người âm theo, mà “ma” lại là người Tầu nên khó cắt lắm. Phải tốn gần 20 triệu hai mẹ con mới “tống” được vong “Tầu” ra khỏi cuộc đời cô con gái yêu. Thực hư không rõ nhưng vài tháng sau Phong xuất hiện và sau đó một đám cưới nhanh chóng được tiến hành.
Phong là một viên chức ngoại tỉnh, công việc ổn định nhưng với đồng lương công chức có nằm mơ đến cuối đời anh cũng không thể mua nổi căn nhà. Thương con, bố mẹ Hằng cho vợ chồng cô ở căn phòng 20 m2 chung với ông bà tại phố Vĩnh Tuy. Chật chội một chút nhưng căn nhà đã có tiếng cười, không còn nặng nề, căng thẳng như cái thời trong nhà có “bom nổ chậm”.
Khác với mong đợi về một cái kết có hậu của một cuộc tình muộn mằn, từ ngày có chồng, Hằng ngày càng gầy mòn. Cuộc sống lứa đôi không đem lại cho cô hạnh phúc. Mắt Hằng nổi nhiều quầng thâm, gò má như cao hơn. Cô mất hẳn vẻ vô tư của cô gái muộn chồng, hay làm ra vẻ vô tư lúc trước. Mẹ gặng hỏi, Hằng quấy quá cho qua chuyện khiến bà rất băn khoăn, không hiểu mô tê ra sao nữa. Còn Phong vẫn như xưa. Anh ta vẫn ngày ngày đến công sở, về nhà cơm nước đã có bà nhạc lo, chỉ hơi nhíu mày khó chịu mỗi khi ai giục hỏi chuyện con cái. Những lúc như vậy, Hằng nén tiếng thở dài, quay đi lau vội giọt nước mắt đắng cay chỉ cô mới biết.
Bốn năm sau ngày có chồng, chưa được hưởng niềm vui làm mẹ, Hằng đột ngột xin chuyển công tác vào phía nam. Quyết định của cô khiến cho gia đình, đồng nghiệp vô cùng bất ngờ. Biết chuyện, Phong chỉ lặng lẽ ngồi hút thuốc. Không buồn, không vui, cứ như đã đoán trước được tất cả.
Tình cờ đọc được nhật ký của Hằng để quên trong đống quần áo thời còn ế chồng, bà mẹ như chết lặng. Hoá ra cô con gái suốt 4 năm qua đã phải chịu đựng nỗi cô đơn ghê gớm. Lấy nhau rồi cô mới phát hiện Phong không hề có khả năng làm chồng. Đêm đầu tiên nghĩ chồng mệt sau lễ cưới, cô ngoan ngoãn ôm chồng và ngủ... chay. Nhưng rồi liên tiếp những ngày sau đó, anh tìm mọi cách thoái thác, lẩn trốn vợ. Cực chẳng đã Hằng thẳng thắn tra khảo hay anh có người nào khác, anh không yêu cô. Đến nước ấy, Phong đành thú nhận, anh bất lực. Chưa một lần trong đời anh có ham muốn đàn bà vì không thể... Anh xin Hằng đừng bỏ anh vì danh dự, vì cuộc sống và thật tội nghiệp khi Phong quỳ xuống và nói: Em bỏ thì anh sẽ chết, chết vì xấu hổ, vì không biết sống ở đâu.
Hằng đã nhân hậu không bỏ Phong nhưng trong lòng cô như chết từng khúc một. Ôm nỗi đớn đau một mình, nhiều đêm khát khao của người đàn bà trong cô trỗi dậy, những lúc như thế cô chỉ muốn bóp chết cái hình hài đàn ông đang vô tư ngủ như chưa bao giờ biết đến nỗi đau của cô. Và cô cười khùng khục trong đêm như một kẻ điên. Bất lực làm Hằng thành người vô cảm lúc nào không biết, cô như chai sạn lại.
Mẹ cô bỗng nấc lên khi đọc đến đoạn cũng vì thương bố mẹ mà Hằng giấu nhẹm chuyện bất hạnh của đời mình. Mong ước của người đàn bà gần 40 tuổi là bố mẹ cô hãy cho Phong ở lại. Bởi trong chuyện này anh có lỗi với cô nhưng anh thật đáng thương. Anh không còn sự lựa chọn nào khác.
Như một câu chuyện khó tin, gần 1500 ngày, tiếng là có chồng nhưng Hằng vẫn còn con gái. Ở chân trời xa, hy vọng cô sẽ tìm được một hơi ấm mới, dù biết điều ấy thật mong manh và khó khăn.
Theo ĐS&PL