“Mua vải bán áo”

(Dân trí) - Nhà thím Đạm hiếm hoi, được mỗi mụn con gái. Con bé xinh xắn lại ngoan ngoãn, thậm chí nghe lời bố mẹ mà yêu con bà bạn ngày trước làm cùng xí nghiệp với mẹ, nay rút về làm kinh doanh do sẵn địa thế nhà hai mặt tiền, ngay ngoài mặt phố lớn.

 
“Mua vải bán áo” - 1


Thím Đạm ưng cũng bởi bà bạn đánh tiếng xa gần là sẽ để lại cái nhà ấy cho cậu út. Ông bà đang ở với cậu cả, nơi họ đã sắm sửa một cơ ngơi khang trang cùng dàn máy vi tính có đến năm mươi cái kết nối mạng để làm dịch vụ Internet, chơi Game, ngay gần trường cấp ba.

 

Cậu út thông minh, tháo vát, hiện kinh doanh điện thoại và bán các đồ đầu đĩa, băng hình, khách ra vào nườm nượp, bán đắt như tôm tươi. Thấy gia cảnh thế cha mẹ nào mà không yên tâm gửi gắm con gái. Thế là thím về nhỏ to khuyên lơn, nói tốt cho gia đình bên ấy, nào là qu‎ý người, nào là tình cảm. Cô con gái hiền lành chưa yêu ai, nghe mẹ nói thế cũng xuôi xuôi và thế là đám cưới được tiến hành.

 

Độ hai tháng sau thì nó nghe chồng nên từ bỏ nơi mà lương chẳng đủ sống về phụ việc bán hàng có ích hơn, rồi còn sinh con đẻ cái. Mọi việc thật tốt đẹp, cho đến lúc đứa con trai của họ được bảy tháng. Sáng hôm ấy khi nó bế con đến gửi thì thím Đạm thấy mặt con bé khang khác. Gặng hỏi mãi nó mới kể.

 

Thì ra căn nhà mà bố mẹ chồng ở cùng anh chồng chỉ là căn nhà thuê, thậm chí năm mươi cái máy tính nối mạng cũng là được đầu tư từ tiền vay của ngân hàng bốn trăm triệu đồng. Giờ đã đến kỳ đáo hạn mà việc kinh doanh thì vẫn ỳ trệ, hàng tháng thu nhập chỉ đủ trả tiền điện với tiền mạng do khu vực này đã có quá nhiều quán mở ra, cạnh tranh không lại. Ông bà bên ấy đang tính phải bán cái nhà hai mặt phố để trả nợ.

 

Thím Đạm giãy nảy, lo lắng, vậy thì hai đứa sẽ ở đâu? Rồi làm gì để sống? Việc buôn bán ở đó đang quen khách, thuận buồm xuôi gió. Giờ con bé có xin được việc làm thì còn thằng chồng, nó vốn chẳng có bằng cấp, chỉ biết bám vào cái “mặt tiền” của bố mẹ. Lòng thím rối tinh rối mù, còn con bé vẫn khóc lóc: “Bốn tháng nay chúng con đều phải đưa mẹ chồng ba triệu mỗi tháng và coi là khoản thuê chỗ bán hàng, tiền đó nhằm hỗ trợ anh cả trong việc trả lãi”.

 

Một tuần sau ông bà thông gia vác bộ mặt thiểu não đến nhà chú thím Đạm để bàn chuyện, rào trước đón sau mãi họ cũng nói ra ý định của mình, rằng việc làm ăn của thằng anh thua lỗ, đành phải bán nhà lấy một tỷ đồng, nhưng vì bán căn nhà có lộc ấy cho người ngoài thì phí vô cùng nên họ muốn nếu chú thím có tiền thì đưa họ năm trăm triệu, coi như cái nhà chia đôi cho hai anh em. Bản thân thím Đạm cũng nhận thấy bán cái nhà ấy thật tiếc.

 

Chú thím suy nghĩ bạc cả đầu mất hai đêm liền, cũng muốn giúp con lắm, nhưng thím sức khỏe yếu phải nghỉ mất sức, chú thì cũng đã về hưu, đào đâu ra ngần ấy tiền, song giờ chúng chẳng biết bấu víu vào đâu, thím chẳng giúp, để chúng vô công rỗi nghề, suốt ngày “cắn xé” nhau thì bố mẹ nào vui vẻ an hưởng tuổi già cho nổi.

 

Cuối cùng họ tìm đến giải pháp đó là bán căn nhà rộng rãi đang ở, trước chú được cơ quan thanh lý, vô tình nó cũng nằm ngoài mặt đường, tuy không thuộc con phố sầm uất nhưng bán cũng được giá.

 

Họ rao bán năm trăm triệu đồng và ngay lập tức có người đến hỏi, thủ tục sang tên đổi chủ được tiến hành để mau chóng “cẩu” chiếc sổ đỏ của ngôi nhà hai mặt tiền ra kẻo ngân hàng đến tịch biên.

 

Vài người nói ra nói vào khuyên chú thím Đạm đừng vội “mua vải, bán áo”. Nhà mình rộng rãi mình ở tội gì phải chen chúc vào năm mươi mét vuông ấy mà vẫn mang tiếng là ở nhờ con rể. Nhưng thương con thì non mọi việc, thím tin mình hết lòng như thế, nó nỡ nào.

 

Khó khăn được giải quyết, căn nhà chuyển sang tên của vợ chồng cô con gái. Ông bà thông gia thanh toán được gánh nặng tâm lý, họ dùng số tiền còn dư mua một mảnh đất trong ngõ nhỏ, vẫn thuê địa điểm cũ để tiếp tục kinh doanh, coi như yên tâm với gia đình anh cả.

 

Nhưng với nhà thím Đạm thì hình như chưa ổn lắm. Sau đó ít lâu khi thằng cháu ngoại của thím Đạm đã sõi, được mẹ nó gửi đi nhà trẻ thì dân quanh đó thấy chú thím bìu ríu nhau chuyển đồ về quê chú Đạm. Họ phân bua, bố mẹ chú đã già như chuối chín cây nên cần người phụng dưỡng sớm hôm. Chẳng ai nói ra nhưng đều ái ngại cho hoàn cảnh ấy, do thường xuyên thấy ông con rể đá thúng đụng nia, làm như bố mẹ vợ đang ăn hại ở nhà mình nên thấy ngứa mắt, ra vào xỏ xiên. Cô con gái chẳng dám phản ứng nửa lời, bố mẹ không muốn làm khó cho các con nên tình nguyện rút lui có trật tự.

 

Họ đâu còn chốn nào để về, chỉ còn quê thôi, dù biết rằng ở đó em chú Đạm đã chiếm lĩnh dinh cơ, giờ tay không về, liệu chú thím có thoải mái?
 
Triệu San