Mùa phiêu linh

(Dân trí) - Mỗi năm chú Cần về quê hai lần, trong dịp Tết và tháng sáu âm lịch. Khi đã trà dư tửu hậu chú mới xúc động chia sẻ: Những người như chú khi đã thành đạt, đã va chạm với cuộc đời mới hiểu một giá trị đích thực của cuộc đời.

 

Mùa phiêu linh

 

Dù ở đâu và làm gì thì “quê cha đất tổ”, tình quê hương, nghĩa đồng bào vẫn là lời gọi mời thiết tha trong lòng mỗi con dân đất Việt.

 

Chú bảo có sự thành đạt hôm nay là nhờ ơn mưa móc của các cụ, là mạch nguồn văn hóa quê hương. Vì vậy năm nào ngày lễ đại tự và ngày hội làng chú đều phải về thắp nén nhang, vái lạy trước vong linh các cụ đã có công khai hoang lập làng sẽ thấy lòng mình thanh thản.

 

Không giống những làng quê Bắc Bộ, hội làng thường diễn ra vào tháng Giêng, trong tiết Xuân còn miền Trung quê tôi hội làng diễn ra vào mùa Hè cùng với lễ đại tự, nghi lễ thờ cúng thần hoàng và các bậc tiền nhân theo chân chúa Nguyễn vào khai hoang mở cõi từ khi xứ Thuận Hóa vẫn là vùng “ ô châu ác địa”…

 

Ngày còn sống, bà bảo hồi còn đô hộ lễ đại tự to lắm, làng nghèo mấy thì nghèo vẫn phải lo đủ bò, lợn, dê cho lễ tế tam sanh. Đồ lễ cúng được yết từ lúc nửa đêm để ruồi nhặng không làm ô uế. Sáng hôm sau nam phụ lão ấu, không phân biệt sang hèn đều phải có mặt ở sân đình làm lễ. Nghĩ cũng lạ, tất cả chỉ được quy định bởi luật tục trên tinh thần tự nguyện. Dĩ nhiên chẳng có chế tài gì nhưng nhất loạt mọi người dân nghe theo. Họ bảo“tránh việc vua chứ không thua việc làng”… Các cụ làm quan to trong kinh thành Huế dù miệng thét ra lửa, đức cao vọng trọng là thế nhưng đến ngày hội làng phải về từ sớm tinh mơ, khúm núm bước vào gian chính thắp hương, quỳ mọp vái lạy như tế sao.

 

Chính cái vẻ linh thiêng và trang nghiêm ấy nên ban bệ tổ chức tế lễ được bầu chọn cẩn thận nhất là ông hội chủ, người đóng vai trò chủ tế (ngày xưa hội chủ quyền uy không kém gì lý trưởng). Phải là người vừa tài năng, đức độ, am hiểu lễ nghi vừa phải “ sạch” theo đúng nghĩa, từ bản thân đến gia đình, họ tộc, từ cách ăn nói, ứng xử sao cho phải phép không các cụ hiện về quở trách, cả làng mạt vận là chết… Vì lý do đó nên chọn cho được ông hội chủ còn khốn khổ hơn bầu tổng thống, có năm cỗ bàn dọn xong rồi họp mãi cả 2 tiếng đồng hồ không bầu được hội chủ.

 

Dân làng còn lưu truyền câu chuyện bi hài: Hồi ấy cách đây cũng chưa lâu có ông hội chủ, gọi là ông cho oai chứ mới ngoài bốn mươi, còn năng nắn lắm, nhậu xỉn cũng bia ôm bia iếc như ai. Hôm ấy sau khi họp hội đồng chức sắc cùng các vị bô lão quán triệt sâu sắc là, tháng này có lễ đại tự vì vậy tất cả các vị chức sắc trong việc cúng tế phải tuyệt đối sạch sẽ, “chay tịnh” cho xong lễ lược rồi muốn làm gì thì làm… Quán triệt là vậy nhưng khốn nỗi, bà hội mới ba mươi mấy cái xuân xanh, má đỏ hồng hồng lúc nào cũng chực bốc hỏa lại đêm hè nóng nực khó ngủ thì chịu làm sao được… Lúc đầu ông cũng quán triệt ghê lắm nhưng bà phụng phịu giận dỗi ông đành chặc lưỡi “một lần này chắc đêm hôm khuya khoắt thần phật nào biết...”. Hôm vào lễ ông như người mất hồn, mặt xanh như đít nhái, hai tay run lẩy bẩy như bị trúng gió, cố lo cho xong buổi lễ về nhà là nằm vật ra như người mất hồn. Mấy hôm sau con bò mộng hai mươi mấy triệu, bị kẻ trộm bắt mất, công an xã, công an huyện cũng bó tay. Hội làng năm sau ông nằng nặc xin từ chức.

 

Không biết thực hư thế nào chỉ biết bao thế hệ con cháu của làng dù ở nhà hay đi xa ai cũng tâm niệm một điều là cư xử sao cho phải phép, sống nghĩa tình có trước có sau để rồi mỗi lần Tết đến xuân về hay có dịp quây quần bên nhau, ngày hội làng trong cái không khí linh thiêng và thành kính, trong làn hương trầm nghi ngút, khi dàn bát âm tấu lên những khúc nhạc ai thương mới thấy hết những giá trị của văn hóa làng và vì sao nó có sức sống mãnh liệt đến vậy. Những người như chú Cần và biết bao thế hệ con em đi xa vẫn mang theo như là bệ đỡ tinh thần, tiếp thêm sức mạnh và bản lĩnh trong cuộc vật lộn mưu sinh để rồi khi đã mệt nhoài thì quê hương tiếng gọi tha thiết lại là chốn đi về. 

 

Đình Dũng