Góc tâm hồn

Mùa cò

(Dân trí) - Nhiều khi tôi giật mình thảng thốt bởi tiếng cò văng vẳng trong đêm. Rồi như một sự đồng điệu không báo trước, lời ru “cái cò đi đón cơn mưa”... vọng về từ nơi nào xa lắc.

 
Mùa cò - 1


Mỗi năm quê tôi thường có hai mùa đánh cò, tầm tháng ba tháng tư ta, ngoảnh đi ngoảnh lại thêm một mùa nữa vào tháng bảy tháng tám. Khi lúa trên đồng chuyển từ màu vàng tươi sang vàng sẫm, người nông dân tất tưởi bước vào mùa thu hoạch, cha tôi lại sốt sắng chuẩn bị cho một mùa đánh cò.

 

Đêm về sáng, trời vẫn mưa rả rích, gió thỉnh thoảng xô vào tấm liếp nghe lành lạnh. Tôi trở dậy vẫn chưa muốn rời khỏi cái chăn ấm áp. Cha tôi ngồi dưới nhà từ lúc nào, ho đằng hoắng rồi bảo: “Ruốc dậy cho cò ăn đi con!”.

 

Ông cụ bước vào bếp lấy hai cái ống tre dài đã sạm đen lại vì khói bếp và bồ hóng. Tôi dụi mắt miễn cưỡng bước xuống giường, ra vại nước túm cổ mớ nhái lẫn cá con đem cho lũ cò mồi. Mấy chú háu ăn cứ chén luôn cả con, nghẹn bứ nơi cổ họng, một lát sau mới trôi xuống bụng được. Ăn xong quẹt mỏ rúc đầu vào cánh rồi thu một chân lại, cứ thế đứng trên cọc tre lim dim ngủ.

 

Cha tôi cẩn thận rút ra từng nắm hom tre cũ, dài khoảng hai gang tay người lớn, nhỏ như chiếc đũa xe đạp, chân hom nhọn hoắt như chông. Ông cụ bắt đầu quấn đều nhựa vào nửa thân hom. Ông bảo thứ hom cũ này ăn nhựa đỡ hơn loại hom mới vót. Chuẩn bị xong xuôi, hai cha con lõm bõm bước đi, hai cái bóng đổ dài trên mặt nước loang loáng trắng. Chị tôi lại xách cái đèn con ra đứng trước cửa, không hiểu vu vơ suy nghĩ điều gì? Hai cái áo mưa cứ va vào nhau loạt xoạt. Ngoảnh lại ánh đèn của chị tôi đã trở nên xa ngái, chúng tôi cũng vừa tiến dần về phía cánh đồng trước mặt.

 

Chúng tôi dừng lại trước một khoảnh ruộng đã gặt xong, cắm hom lên những mô cò đắp vội bằng đất và rạ chiều qua. Hom tre còn được cắm chi chít trên bờ, cò mồi được rải khắp mặt ruộng. Lũ cò máy cho đứng trên cọc tre rồi cắm sâu cọc ấy xuống đất, cách mặt đất khoảng chừng hai mét. Chúng tôi sẽ giật dây cước buộc ở cổ chân chúng mỗi khi có đàn cò nào sắp bay tới. Đàn cò trên trời không thể nào biết được đó là một cái bẫy.

 

Xong xuôi chúng tôi trở về túp lều dựng tạm như kiểu nhà của những người chăn vịt đồng, nhưng được ngụy trang khéo léo bằng những cành cây lòa xòa lá. Những ánh mắt khắc khoải chờ đợi chờ đợi từng đàn cò bay tới. Những đám mây đen nặng nề bò vào từ phía biển, gió mỗi lúc càng thổi mạnh. Cha tôi bảo: “Biển động! Hôm nay cò sẽ bay về nhiều”.

 

Phải thật tinh mắt mới phát hiện ra một đàn cò, khi nó mới chỉ là một điểm đen nhỏ nơi cuối trời xa. Trong chốc lát chúng đã bay tới gần cánh đồng, rồi như mỏi mệt quá bay là là mặt ruộng, cuối cùng sà xuống hẳn. Người ta bổ nháo bổ nhào ra bắt cò, có đợt cha tôi hai tay nắm chắc hai chùm cò, tống đầy vào một cái lồng lớn.

 

Đã quá trưa, chúng tôi lại sắp các thứ đồ lỉnh kỉnh và một lồng cò lớn trở về. Về đến nhà tôi giúp chị vặt lông cò, rồi hai chị em đốt rơm lui cui nướng. Chị tôi cho cò đã nướng vào cái mủng con đậy lá chuối lại đem ra chợ bán.

 

Thường những ngày đánh cò, xế chiều trời vẫn còn mưa rả rích, gió thổi dạt những đám mây đen vào đất liền. Hai chị em tôi ngó lên trời tìm kiếm những đàn cò hình chữ V bay qua nhà và đếm. Dường như thấy xa xôi quá, chị lại vu vơ nhìn những chú cò nậm côi cút bố tôi cắm ngoài sân.

 

Thời gian đằng đẵng trôi qua, cha tôi trở về với cát bụi, chị tôi đi lấy chồng, tôi phiêu bạt nơi phồn hoa đô hội. Cánh cò xưa vẫn mải miết bay trong những giấc mơ. Nhiều lần trở về, trông ra xa những cánh đồng quê thấy vắng dần những con cò lầm lũi kiếm ăn dưới mưa. Lòng không thôi mặc cảm về một thời quá khứ.

 

Đêm này nghe một tiếng cò kêu, bất giác tự hỏi mình cánh cò nào vừa bay qua cánh đồng?

 

Xuyến Chi - Khánh Hồng