Một lần trót “cãi” mẹ chồng
Vì Lam đi đám hiếu bị tắc đường về muộn mà mẹ chồng cáu gắt. Lần đầu tiên (sau gần 6 tháng đón bà ở quê lên chăm cháu) không giữ được bình tĩnh, Lam bảo mẹ: “Đường sá đông đúc lắm. Mẹ cứ ở nhà suốt, đã không biết còn cứ hay nói”…
Từ hồi có con, vợ chồng Lam đành mời mẹ chồng ở dưới quê lên trông cháu giúp. Mẹ chồng Lam tuy hay nói vào - nói ra nhưng chăm chỉ, hết lòng vì con, vì cháu. Xác định cố chiều mẹ chồng, không muốn mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu rạn nứt như nhiều tình cảnh đã đọc trên báo, mẹ chồng bảo sao, Lam đều nghe. Chỉ có lần này, Lam xin mẹ chồng đi đám hiếu phụ huynh một người bạn cũ ở ngoại thành, về tắc đường, lại bị va chạm với một xe máy đi ngược chiều nên Lam bị ngã, xây xát nhẹ ở chân. Sẵn bực tức trong người, lại phải nghe thêm mấy lời khó chịu từ mẹ chồng nên Lam mới có cách hành xử bột phát. Dù đã tìm cách xin lỗi nhưng mẹ chồng Lam nhất định không nghe.
Cũng vì một lần “quá lời”, Tuyến (quận 3, TPHCM) đang khó tìm cách lấy lại tình cảm của mẹ chồng. Trong số hai nàng dâu, Tuyến được mẹ chồng quý mến hơn và được khen “biết điều, lễ phép”. Tuy nhiên, một lần vô tình chứng kiến con dâu xưng “mày - tao” với chồng khi cãi vã, mẹ chồng mắng Tuyến là “vô học”. Trong cơn lửa giận đùng đùng, Tuyến “phản pháo”. Hậu quả, cô lĩnh đủ một cái tát của chồng và những lời đay nghiến của mẹ chồng.
Tất cả những gì là ấn tượng đẹp trong mắt mẹ chồng của Tuyến đều bị phủ nhận. Mẹ chồng nói thẳng vào mặt Tuyến là “ăn ở hai lòng” và “ngoan hiền giả tạo”, biết thế trước đây bà không để con trai mình lấy cô. Buồn hơn khi gặp ai, Tuyến cũng bị mẹ chồng “kể xấu”, bị nói là “đạo đức giả”, rằng: “Tôi có mắt như không mới rước nó về làm dâu”. Vì chuyện này, vợ chồng Tuyến “lục đục” suốt, đến mức suýt phải ra tòa ly hôn.
Tương tự Tuyến, trong lúc tâm trạng không vui, lại phải nghe mẹ chồng “càm ràm”, Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) tìm cách “bật lại”. Trước kia, Linh luôn được mẹ chồng khen “ngoan, hiền” vì cô xác định rõ “dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nhường mẹ chồng”. Ngay cả những khó chịu về mẹ chồng, cô cũng quyết không kể với ai, dù là chia sẻ trên diễn đàn hay trên mạng vì sợ thông tin bất lợi sẽ đến tai gia đình chồng.
Nhưng một lần, do bố mẹ đẻ Linh cho hai vợ chồng một mảnh đất trong khi cô muốn xây nhà hết thì mẹ chồng muốn bán một nửa, còn một nửa thì xây. Linh bực bội bảo: “Mảnh đất đó là của nhà con, mẹ đừng tham gia”, trước mặt người giúp việc khiến mẹ chồng tự ái. Sau lần đó, bà không còn muốn trò chuyện cùng con dâu. Giáp mặt nhau, mẹ chồng Linh cũng coi cô như người dưng khiến Linh sợ. Cô tìm cách xin lỗi nhưng mẹ chồng vẫn chưa nguôi ngoai.
Tránh “bão”
Nhiều trường hợp, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu rất tốt đẹp. Nhưng chỉ vì một va chạm nhỏ, tình cảm rạn nứt, rất khó hàn gắn như lúc ban đầu. Có thể do mẹ chồng thấy thất vọng về con dâu và ngược lại.
Không ít nàng dâu “hô” khẩu hiệu “một điều nhịn mẹ chồng là chín điều lành”. Nhưng khi không giữ được bình tĩnh, mâu thuẫn có thể xảy ra. Nàng dâu ngoan hiền ngày nào trong mắt mẹ chồng trở nên “hư hỏng”, “hay cãi”… Đó là điều khiến nhà chồng khó chấp nhận. Chưa kể, có nhiều người “cố nhịn”, đến khi bùng phát thì lôi đủ chuyện xấu từ A đến Z của nhà chồng (tích tụ từ năm ngoái) vào để nói cho “hả dạ”. Đến khi “tỉnh táo” thì mối thiện cảm đã đứt.
Để tránh bất đồng với mẹ chồng là điều không tưởng. Ngay cả khi chung sống với bố mẹ đẻ, con cái còn không tránh được những chuyện căng thẳng. Có điều, nếu bị bố mẹ đẻ giận, sẽ được bỏ qua ngay; còn với mẹ chồng, nó có thể tạo thành “vết nhơ”, rất lâu cũng không gột rửa được.
Khi có bất hòa, con dâu cần lựa chọn ngôn ngữ để nói. Cũng một ý ấy nhưng nếu khéo diễn đạt, mẹ chồng có thể hiểu mà không mất lòng. Tiếp đến là không nên dồn nén ấm ức rồi “tuôn” ra một lúc. Nếu muốn có ý kiến, có thể trao đổi ngay với mẹ chồng. Chuyện bực bội đã qua thì tránh tìm cách khơi lại.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé