Mới tí tuổi đã cào nát mặt nhau: Các con chúng ta đang làm gì vậy?

Huyền Anh

(Dân trí) - Nhìn mặt bé lớp 8 chi chít vết cào sâu rướm máu, nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi con cái chúng ta hàng ngày đang tiếp cận những gì, được giáo dục ra sao? Chúng đang làm gì vậy?

Hai nữ sinh lớp 8 và lớp 9 mâu thuẫn, "đàn chị" lớp 9 cào nát mặt em, chuyện xảy ra tại Nghệ An. Nhìn mặt bé lớp 8 chi chít vết cào sâu rướm máu, nhiều người sẽ phải đặt câu hỏi con cái chúng ta hàng ngày đang tiếp cận những gì, được giáo dục ra sao? Chúng đang làm gì vậy?

Mới tí tuổi đã cào nát mặt nhau: Các con chúng ta đang làm gì vậy? - 1

Khuôn mặt của nữ sinh lớp 8 bị bạn học lớp 9 cào chi chít vết xước

Bản chất con người ai cũng có những lúc giận dữ, hung hăng, và phản ứng lại với những nhân tố gây ra cho mình các cảm xúc tiêu cực. Đó là cách chúng ta xoa dịu tâm trạng của mình, để tìm lại trạng thái cân bằng tốt hơn.

Một đứa trẻ mới sinh biết la khóc inh ỏi nếu mong muốn của nó không được bố mẹ hiểu và đáp ứng. Trẻ ở tuổi mẫu giáo sẽ giành giật, đẩy bạn nếu phải lao vào tranh với bạn đồ chơi. Người trưởng thành khi tâm trạng giận dữ có thể to tiếng, thậm chí gây gổ xô xát, nhưng khác biệt giữa người được giáo dục, có tính thiện, có nhận thức đầy đủ để làm chủ hành vi chính là biết giữ mình cư xử trong giới hạn.

Cào nát mặt bạn học, không phải một vết xước mà là chi chít vết sâu rướm máu thì không còn là sự bùng nổ nhất thời của cảm xúc giận dữ nữa rồi, không còn trong giới hạn nữa rồi, đó là sự cố tình ác ý, nhẫn tâm và vô cảm trước đau đớn của người khác.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi, biết chủ ý đánh vào mặt bạn gái gây ra những tổn thương sâu có thể vĩnh viễn không xóa được, ra đòn với bạn học như đòn thù như vậy, ở tuổi trăng náu (chứ chưa được đến trăng tròn), những đứa trẻ như vậy đang được dạy dỗ ra sao? Trong đầu chúng nghĩ gì?

Các nghiên cứu về giáo dục con người cho thấy ngay từ 3-5 tuổi trẻ đã hình thành đến 70% nhân cách, 30% còn lại là sự bồi đắp mỗi ngày trong cuộc sống sau này. Nên dạy trẻ, nếu đợi đến lúc chúng lớn, "biết nghĩ" mới dạy, thì đã là quá muộn. Một đứa trẻ cư xử hung hăng, đánh bạn, bắt nạt bạn, khó kiểm soát hành vi mỗi khi cáu giận nếu không được người lớn (cha mẹ, gia đình, thầy cô, nhà trường) bản ban, phân tích, chỉ ra cho chúng việc gây tổn thương cho thân thể người khác là xấu, là không được phép từ lúc còn nhỏ, thì từ dễ cáu giận, hung hăng, xử lý sự việc bằng bạo lực lúc nhỏ có thể trở thành tính côn đồ, độc ác khi chúng trưởng thành.

Bao nhiêu người trong chúng ta dám khẳng định đã tìm hiểu và tìm hiểu đến cùng để can thiệp nếu cần thiết khi thấy con đi học về xuất hiện trên người những vết bầm tím, xước xát, hay vội cho qua và nghĩ "ôi dào, chuyện trẻ con ấy mà"? Bao nhiêu người trong chúng ta quan tâm ngồi lại với con để chuyện trò khi thấy con có biểu hiện chán nản, ghét đến trường, mâu thuẫn với bạn, hay chúng ta sẽ vội nghĩ "chuyện của bọn trẻ, để cho chúng tự giải quyết"? Bao nhiêu người trong chúng ta thấy con mình bắt nạt bạn sẽ coi đó là việc cần giúp con uốn sửa, thay vì nghĩ rằng "thật tốt khi nó như vậy vì chẳng ai bắt nạt được nó ở trường"?

Đồng ý là con cái cần được trao cho không gian để tập lớn, tập trưởng thành, nhưng điều đó không có nghĩa là buông bỏ chúng hoàn toàn, phó mặc cho chúng phát triển theo môi trường xã hội mà nhiều khi, chính cha mẹ còn không nắm được con mình đang giao du trong môi trường xã hội như thế nào.

Lại thêm một lần nữa, người lớn chúng ta cần phải nhắc nhở nhau rằng, bên cạnh vai trò giáo dục của thầy cô, nhà trường, sự quan tâm sát sao của chúng ta đến chính con cái chúng ta mới là điều quan trọng.

Đừng đợi đến khi trẻ phạm lỗi to rồi mới phạt, đừng đợi đến khi chúng gây hậu quả nghiêm trọng mới giật mình. Ở bên chúng mỗi ngày, trò chuyện và làm bạn với chúng, dạy chúng bằng gương sống tử tế của cha mẹ, bằng chỉ dẫn tỉ mỉ từ những vấp váp nhỏ nhất, có vậy chúng ta mới không còn phải một ngày rơi vào cảnh sốc và băn khoăn: "Các con chúng ta đang làm cái quái gì vậy!".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm