Mỗi tháng Chạp về

Lê Giang

(Dân trí) - "Cuối năm rồi, đôi tuần nữa là tết, năm nay lại covid thế này... ", câu nói không rõ là buồn vui, thở than hay mong ngóng của bác bảo vệ chung cư khiến lòng tôi sững lại.

Mỗi tháng Chạp về - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Một năm khởi đầu bằng mùa xuân và kết thúc bằng một mùa đông tê tái. Năm nào cũng thế, một vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại như một chiếc đồng hồ mỗi ngày chỉ chạy hết từng ấy con số là hết một vòng tròn. Vậy mà sao cứ mỗi tháng Chạp về, lòng lại mông lung một nỗi niềm khó hiểu.

Tháng Chạp đã về nơi mé cửa trong cái rét tái tê. Không gian vì thế như trầm mặc hơn, cây cối như khẳng khiu hơn, và con người cũng trở nên co ro khép mình trong những tấm áo choàng dày cộp.

Nhưng không phải vì thế mà không có những vội vã tất bật bởi bao việc chưa kịp làm, bao dự định còn dang dở, bao lời hứa còn chưa thực hiện được.

Mỗi tháng Chạp về là khoảng thời gian những người xa quê nhớ nhà nhiều nhất. Nhớ là bởi những ngóng mong tết sẽ được về nhà, sẽ được sum vầy bên cha mẹ, anh em, bà con lối xóm. Nhớ là bởi khao khát được hưởng không khí đoàn viên bên mâm cơm gia đình để nhìn thời gian như trôi chậm lại, mặc kệ những bon chen tất bật phía sau lưng. Tiền bạc, hư vinh lúc này cũng chẳng còn quan trọng nữa. Năm nay lại một cái Tết buồn vì dịch bệnh đang nhăm nhe quay lại, trong cuộc chiến này, sẽ có những người không thể về quê, sẽ có những ông bố bà mẹ mong con, nỗi nhớ dài thêm trong miền ký ức.

Tôi lại nhớ Mỗi tháng Chạp về, mẹ lựa những ngày hiếm hoi có nắng mang lúa nếp ra phơi. Cha bắt đầu ngắm nghía bụi dong sau vườn năm nay có nhiều lá đẹp? Đàn gà mẹ chăm có kịp lớn để đón các con về ăn tết? Luống xà lách, rau cải mẹ trồng đang độ lớn xanh tươi.

Mỗi tháng Chạp về, mấy anh chị em tôi lại thường nhắn hỏi han nhau: "Ngày mấy anh về? Em thì ngày mấy?". Lớn rồi mỗi đứa mỗi phương. Công việc, gia đình, con cái và trăm nỗi lo toan cứ cuốn mỗi người theo dòng thời gian bất tận. Mỗi năm, chỉ đợi tết để có dịp gặp nhau.

Đôi khi tôi vẫn cứ có một ước mơ hết sức viển vông ấy là quay lại thời còn bé dại, khi mẹ cha còn trẻ, và anh chị em tôi còn chí chóe dưới một mái nhà. Cái thời mà những nỗi lo toan của người lớn khi tháng Chạp về chẳng đủ để chạm tới những tâm hồn ngây dại.

Thời đó còn đói nghèo, cơm chưa đủ no, quần áo còn chưa đủ ấm. Nhưng với những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới" nào bận tâm đói khổ là gì. Chúng tôi chỉ háo hức mỗi tháng Chạp về để mẹ dẫn ra chợ mua cho mỗi đứa một manh áo mới, để đi xem nhà người ta mổ thịt lớn rồi chia nhau, để có bánh, có giò và được dăm ba nghìn tiền mừng tuổi.

Giờ trưởng thành rồi, đã trải qua đủ thiếu thốn để biết hiện tại bây giờ dù vẫn lắm nỗi lo toan nhưng đủ đầy hơn xưa gấp bội. Nhưng sao mỗi cuối năm về vẫn thấy có gì như thiếu. Thiếu những vô tư hồn nhiên, thiếu những chờ mong trong nỗi háo hức tột cùng với tết.

Tết giờ vẫn mong, vẫn vui, nhưng là mong chờ mừng vui theo lối khác, ấy là được về nhà. Về nhà, về với mẹ cha, về với quen thuộc sum vầy, với ấm êm bình dị. Về với mảnh sân rộng, mảnh vườn xanh ngát rau dưa. Về với tiếng gà gáy mỗi sáng mai, tiếng bò kêu trong chuồng mỗi khi nhớ bạn. Về nhà, về với mình của những tháng năm xưa.

Mỗi tháng Chạp về, lòng không dưng như một nốt trầm trong khúc nhạc. Nỗi lo lắng hiện tại hòa quyện với những kí ức hoài niệm xa xưa. Lại đếm tuần, đếm ngày, lại chộn rộn đặt vé tàu vé xe, tranh thủ những cuối tuần ít ỏi còn lại đi sắm cho con manh áo mới.

Tháng Chạp rồi, chẳng mấy chốc nữa là tết, là năm hết xuân sang. Nhìn đi thì lâu mà nhìn lại sao quá nhanh. Mới tóc xanh non trên đầu nay đã lấm tấm vài sợi bạc. Đi qua tháng năm với đủ đầy những hội ngộ, chia li, khổ đau, hạnh phúc. Mỗi năm mới về lòng chỉ mong cầu hai chữ "An yên".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm