Mở tiệc ăn mừng sau khi ly hôn: Phụ nữ bỏ chồng đâu cứ phải buồn bã

Theo các chuyên gia, việc đối diện với ly hôn ra sao sẽ tùy thuộc vào bản lĩnh của từng người.

Mở tiệc ăn mừng sau khi ly hôn: Phụ nữ bỏ chồng đâu cứ phải buồn bã - 1

Ảnh minh họa

 

Câu chuyện mở tiệc ăn mừng sau ly hôn

Cộng đồng mạng những ngày này xôn xao về tiệc ăn mừng ly hôn chồng thành công của một cô gái đến từ Thái Nguyên. Trái ngược với tâm trạng buồn bã, hụt hẫng thông thường của phụ nữ khi ly hôn, ở đây cô gái đã có một bữa tiệc hoành tráng với sự tham gia của đông đảo bạn bè thân thiết. Ai nấy đều phấn khởi, vui vẻ.

"Chưa bao giờ lại nghĩ có cái sự kiện như này. Không nghĩ ngày này của mình lại là ngày vui của mọi người. Cảm ơn mọi người luôn bên cạnh và tổ chức cho em. Kể từ ngày hôm nay tất cả cho qua, giờ mới sáng mắt", cô gái chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Lý do ly hôn chồng được cô chia sẻ là vì anh ta phản bội. Trong khi đang có vợ, chồng cô vẫn thoải mái đi cùng người phụ nữ khác.

Những hình ảnh bữa tiệc được chia sẻ đã thu hút rất nhiều lượt xem, bình luận. Nhiều người gửi lời chúc mừng tới chủ nhân bữa tiệc và cho rằng cô quá mạnh mẽ, can đảm, dám "quẳng gánh lo đi mà sống". Song cũng không ít người phản đối nói rằng việc ly hôn chồng không hay ho gì mà tổ chức hẳn một bữa tiệc hoành tráng như vậy. Có những người cho rằng, phụ nữ ly hôn nên buồn mới phải?

Trên thực tế, việc mở tiệc ăn mừng hậu ly hôn không phải là điều gì mới. Đặc biệt ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhiều đôi vợ chồng đã quyết định chia tay thay vì hai bên đều phải ôm hận. Họ chấm dứt cuộc hôn nhân của mình trong vui vẻ giống như khi họ mới bắt đầu bằng bữa tiệc ly hôn. Các cặp vợ chồng tại Nhật Bản ngày càng có xu hướng tổ chức lễ ly hôn long trọng với đầy đủ nhẫn cưới, khách mời và tiệc mừng giống như họ tổ chức đám cưới. Ở Hà Lan còn có cả một chuỗi khách sạn mang tên Khách sạn ly dị để các cặp đôi kết thúc cuộc hôn nhân của mình trong vui vẻ.

Từ cách ứng xử của nhiều cặp sau khi ly hôn hiện nay cho thấy, ly hôn không phải là đau khổ mà chỉ là hạnh phúc không thể hàn gắn, níu kéo nữa thì người trong cuộc phải quyết định buông tay để cho nhau cơ hội mới.

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, trong đời sống vợ chồng khó có gia đình nào không xảy ra cãi cọ, mâu thuẫn. Dù vậy, chẳng cặp vợ chồng nào mong muốn ly hôn, chia đôi con đường hạnh phúc đã chọn. Việc giải thoát cho nhau sẽ là cách tốt nhất khi cả hai đã cạn tình, cạn nghĩa. Hoặc họ nhận ra sự bất công khủng khiếp khi bắt con cái cũng phải hít thở bầu không khí gia đình ngột ngạt… và để cả hai có thể tìm được cuộc sống mới hạnh phúc.

Còn việc đối diện với ly hôn ra sao sẽ tùy thuộc vào bản lĩnh của từng người phụ nữ. Có người khóc lóc, suy sụp vì vốn đã quá quen cuộc sống hôn nhân đó giờ phải định hướng lại từ đầu. Nhưng cũng có người sẽ thấy vui vẻ khi giải thoát được cuộc hôn nhân vốn được họ coi là "địa ngục". Đâu phải li hôn phải buồn bã mới là đúng. Nếu đã cân nhắc mọi vẻ, bất kể ai cũng nên nhớ rằng đừng bao giờ buồn bã vì những điều đã cũ ấy.

Chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, chẳng có lý do gì mà đàn bà không được vui vẻ sau ly hôn cả. Đàn ông ly hôn xong vẫn lấy vợ, vẫn có tổ ấm mới thì sao phụ nữ lại cứ phải một mình chấp nhận nỗi đau, cô đơn.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới "đường ai, nấy đi"

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, nguyên nhân hàng đầu trong các vụ ly hôn thường là từ việc cặp bồ, ngoại tình. Nguyên nhân thứ hai là do bạo lực gia đình. Có những ông chồng thiếu trách nhiệm, đánh đập, rượu chè, bê tha, còn người phụ nữ giám sát chặt chẽ quá cũng làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình. Và có một số xuất phát từ những mâu thuẫn khác như mẹ chồng nàng dâu.

Thường sau ly hôn, nếu là vội vàng ly hôn vì sự sĩ diện hay do cái "tôi", người trong cuộc thường sẽ nhìn lại quá trình chung sống rồi tiếc nuối, ân hận với những tổn thương, nhận ra vai trò của người còn lại mà cảm thấy hụt hẫng, dằn vặt… Nhưng nếu quyết định ly hôn là đúng đắn dù có nhìn nhận lại, người trong cuộc có tiếc nuối nhưng sẽ cảm thấy tiếc nuối quãng thời gian chung sống là lãng phí.

Ở mỗi cuộc ly hôn, người phụ nữ thường phải chịu tổn thương hơn rất nhiều so với nam giới. Có người ám ảnh, cay đắng cả đời không dám bước thêm hạnh phúc mới, không thể tìm lại hạnh phúc lần nữa. Ngoài những tổn thương, mất niềm tin, bị xúc phạm, khó khăn khi phải bươn chải nuôi con, phụ nữ còn phải vượt qua rất nhiều định kiến của xã hội đối với một người đàn bà ly hôn. Dù thế nào, đừng bao giờ mất đi niềm tin vào tình yêu bởi điều đó chỉ khiến chính bản thân phụ nữ bế tắc trong mọi mối quan hệ.

Các chuyên gia cho rằng, nhiều cặp vợ chồng hiện nay chỉ một thời gian ngắn sau kết hôn đã ly hôn. Những cuộc "ly hôn xanh" này thường kéo theo những ảnh hưởng tai hại tới cả gia đình, đến cả những đứa con. Bởi vậy, để có được hạnh phúc lâu bền không nên đốt cháy giai đoạn tiền hôn nhân. Cần có thời gian nhìn nhận được con người đó thuộc kiểu người nào, không phải để xem có giống mình không, mà xem người đó có thể sống hòa hợp với mình không?

Hơn nữa, vợ chồng cần học tập để hiểu hôn nhân là chuyện nghiêm túc. Bản thân mỗi người hãy tự điều chỉnh mình để tương đồng với nửa kia của mình. Và chuyện ly hôn giờ không phải là xấu nhưng nếu có ly hôn thì các cặp vợ chồng cũng phải cân nhắc, suy xét thật kĩ trước khi quyết định, đừng tưởng cứ chia tay là có được cuộc sống hạnh phúc với người khác.

Theo Hà My

Gia đình và Xã hội