“Miếng ăn nhớ lâu, cơ cầu nhớ mãi”
(Dân trí) - Sóng chưa khi nào lắng trong ngôi nhà ba thế hệ, hai cặp vợ chồng trẻ với đôi bạn già cùng chú em chưa vợ. Chính tình yêu của ông bà Thành dành cho các con đã khiến ba anh em trai trở nên xung đột và mâu thuẫn kéo dài.
Sinh ba người con trai ở xã hội 30 năm trước, ông bà Thành không mấy khó khăn trong việc lo cho con miếng ăn chỗ ở. Thậm chí người ta cố xây được ngôi nhà mái bằng đã là to lắm, thì ông bà Thành xây luôn ngôi nhà ba tầng hoành tráng. Hàng xóm nhỏ to: “Làm cái nghề cướp ngày thì mấy chẳng giàu”. Nhiều người không hiểu cái nghề “cướp ngày” là nghề gì, hỏi ra mới biết trước kia ông Thành đã có thâm niên mấy chục năm làm nghề địa chính huyện.
Được cái ba con trai của ông bà rất biết nghe lời bố mẹ, chẳng thế mà hai anh lớn lấy vợ đều do bà Thành chọn con dâu. Sắp tới đây anh út cũng chuẩn bị cưới. Bà Thành đã ngắm được mối, đó là cô con gái duy nhất của ông chủ tịch xã gần nhà. Tất nhiên anh cũng ưng ý vì quá vâng lời mẹ. Chính vì vậy ông bà rất thương và dành nhiều quan tâm, cả về tinh thần lẫn vật chất cho anh út.
Bà Thành tuyên bố với hai vợ chồng anh lớn: “Sau khi thằng út lấy vợ, chúng tôi sẽ ở với vợ chồng nó. Đứa nào phụng dưỡng bố mẹ già thì sẽ được ngôi nhà này, còn các anh tự lo liệu, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm...”.
Không ai dám hé răng nửa lời, vì trước kia ông bà đã tốn khá nhiều tiền lo công việc cho hai anh lớn. Thậm chí vợ anh cả khi bước chân về nhà chồng mới chỉ là một cán bộ hợp đồng, nhưng sau mấy tháng ông Thành đã lo cho chị một xuất biên chế trên sở. Cũng mất không ít tiền. Chú út thì thông minh hơn, ranh khôn hơn nên tự lo được việc.
Không hiểu sao vợ chồng nhà anh cả và anh hai, dù cố gắng đến mấy cũng không lấy được lòng ông bà Thành. Vợ chồng anh hai làm nghề thị trường đi suốt ngày, bị ông bà quy cho là vô trách nhiệm, không quan tâm đến bố mẹ, rồi phó thác con cái cho ông bà.
Cuộc sống chung nhiều khi bằng mặt nhưng không bằng lòng, thường xuyên xảy ra tranh luận, mạnh mẽ hơn một chút lại thành cãi nhau. Bố mẹ, anh em trong nhà không tìm được tiếng nói chung. Không khí ngôi nhà trở nên ảm đạm và không ai muốn nói với ai điều gì. Anh em tự dưng xa cách, ganh tị lẫn nhau.
Không chịu được cảnh đó, chị Hà, cô con dâu thứ bật dậy đòi chia đất: “Nhà có ba con trai, bố mẹ cứ chia làm ba thì mới công bằng”. Nói đến đây bà Thành lớn tiếng: “Đồ mất dạy, chúng tôi vẫn sống sờ sờ đã chết đâu mà chị đòi chia đất với cát”. Trong cơn nóng bà Thành đã đuổi con dâu ra khỏi nhà. Giời không chịu đất, đất cũng không chịu giời. Thế là vợ chồng chị Hà cùng hai đứa con dọn ra ngoài ở.
Chị Thu dâu trưởng không dám nói nửa lời. Anh chị chỉ là cán bộ bình thường, lương ba cọc ba đồng nuôi con chẳng đủ huống chi là dọn ra ngoài. Kinh tế không có nên đành phải nhịn. Thấy vậy bà Thành răn đe: “Đứa nào láo tôi tổng cổ”. Chị ngậm bồ hòn làm ngọt, dù rất khó chịu nhưng vẫn phải cố chấp nhận.
Vợ chồng chị Hà từ ngày dọn ra ngoài ở tuy có vất vả hơn nhưng lại thoải mái, tự do tự tại. Còn vợ chồng chị Thu dường như bị dồn vào chân tường từ ngày cô con dâu út về nhà. Nhìn cách đối xử, quan tâm của ông bà Thành với vợ chú út, chị Thu chạnh lòng. Cộng thêm tính cách kiêu kì, thiếu tôn trọng người khác của em dâu làm chị khó chịu. Cùng đi làm, cùng có con nhỏ, nhưng về đến nhà chị như vắt chân lên cổ, hết lau dọn nhà cửa lại đến cơm nước. Mâm cơm ăn xong cũng đến tay chị dọn, dâu út cứ ung dung trên phòng xem tivi và chơi với con. Nhiều khi chuyện trẻ con lại thành ra chuyện người lớn. Thương vợ vất vả lại nhẫn nhịn, anh Trung chồng chị Thu đã lên tiếng: “Chúng con sẽ dọn ra ngoài”. Ông bà Thành quát: “Đã có chân đi thì đừng bao giờ quay trở về”.
Kể từ đó ngôi nhà ba tầng to vật vã không còn đông đúc và cũng bớt sự ồn ào. Thay vào đó là những lần bà Thành ngồi khóc một mình vì tủi thân, vì nhớ con cháu. Bởi cô con dâu út của bà không giống chị Hà, lại hoàn toàn khác chị Thu. Cô ta quen được nuông chiều, thích chủ nghĩa cá nhân, muốn làm gì thì làm. Mẹ chồng nói một câu, nếu không được hơn thì cô cũng phải cãi trả một câu. Cố chờ con trai lên tiếng bênh vực thì “cá mè một lứa”. Bà Thành như bị viên gạch chỉ rớt xuống đầu. Cuộc sống đúng là không ai nói trước được chữ ngờ, bà suy nghĩ nhiều quá nên bị suy nhược cơ thể.
Bệnh tim tái phát nên bà phải nhập viện, các con cũng có mặt đầy đủ. Nhưng đứa nào có nhà đứa nấy lại về. Chị Hà nói: “Ai được hưởng thì người đó phải có trách nhiệm”. Bà Thành nghẹn ngào, muốn xin các con tha thứ nhưng lại không nói được thành lời. Chị Thu chỉ nói với chồng một câu: “Miếng ăn nhớ lâu, cơ cầu nhớ mãi”.
Trên đường về nhà, anh Trung buồn rầu, cặp mày trùng xuống như đang tự trách mình, trách người. Cả đêm anh không ngủ ngồi ngoài hiên châm hết điếu thuốc này đến điếu khác. Nhìn thấy chồng như vậy tim chị đau như có dao cắt, lòng tự hỏi bỏ qua hay không bỏ qua?
Ngày hôm sau chị đến cơ quan cắt phép để có thời gian vào viện chăm sóc mẹ chồng. Việc làm của chị đã khiến bà Thành rơi nước mắt, những giọt nước mắt ăn năn. Có lẽ sau khi ra viện ông bà Thành sẽ rút ra bài học về cách thương yêu con cháu. Hi vọng mọi mâu thuẫn sẽ được xua tan, thay vào đó là sự đoàn tụ, thương yêu nhau giữa các thành viên trong gia đình.
Lê Quỳnh Anh