Mệt mỏi vì định kiến

(Dân trí) - Không dưới hai lần mẹ chồng dạy em, sinh ra làm kiếp đàn bà là phải chịu khổ nhục, nhận về những vất vả khó nhọc, hi sinh. Anh cũng ngồi ngay đấy âm thầm chẳng ý kiến gì, chỉ khi về đến nhà mới rụt rè: “Anh chẳng bao giờ đồng tình với quan điểm đó”.

  
Mệt mỏi vì định kiến


Em không hiểu do thổ nhưỡng, do long mạch hay do gì mà cứ về quê là em với anh không tài nào cười nói nổi với nhau. Anh lườm: “Sao cứ mê tín đổ thừa như thế, là do con người hết”. Điều này em đồng ý.

 

Nhưng anh bảo có vui nổi không, khi tất cả là em phải làm từ việc nhà cho đến việc họ, gánh vác cả công việc lẫn tài chính, tiền đóng gạo góp, góp công góp sức và em là đàn bà phải có trách nhiệm nặng hơn. Phải thu xếp xin nghỉ mà về lê la ở quê hai ngày cho dân làng nhìn vào. Trong khi đó anh sẽ ngồi ghếch chân, chỉ việc xem ti vi cho giống bố anh, khôn hồn đừng giúp vợ việc gì kẻo mẹ sẽ lườm nguýt, bố thì cười khẩy “mặc váy vào đi con”.

 

Ông vẫn kể công rằng một tay ông nuôi con ăn học, xây nhà, mua sắm vật dụng, bà đã làm được cái gì... Bà vẫn phải im dù nhiều phen ấm ức, vì phụ thuộc mãi nên bà quen chịu chữ nhẫn và muốn con dâu mình cũng phải như thế.

 

Trong khi em khác bà nhiều chứ. Em sống chủ động, có công việc của mình, cũng đầu tắt mặt tối bỏ toàn bộ thời gian riêng tư dành cho bố con anh và tháng nào có giỗ chạp cũng vẫn về góp mặt. Anh hiểu điều đó, anh thương em nhưng cứ về quê là anh lại thể hiện mình là “trụ cột gia đình đích thực”, chỉ ngồi chờ người khác phục vụ. Anh thích nghi nhanh thật đấy, kiểu gì cũng góp vui được và yêu cầu vợ cũng phải thay đổi lập tức, rồi anh trách em cầu toàn.

 

Điều bất công có chọn lọc ấy em không phục hàng bao năm rồi, nhưng anh cứ tỉ tê nịnh nọt kêu là có về mấy đâu, chịu khó tí. Chả mấy khi về thật, nhưng em khó chịu khi kiểu gì em cũng bị nói, bị chê, rồi được nghe kể về các tấm gương con bé nhà kia biết việc đảm đang, con dâu nhà nọ ỷ lại lười biếng không biết điều. Những câu chuyện của họ mang màu sắc chủ quan vô lý, em không tài nào tiêu hóa nổi. Vẫn phải miễn cưỡng ngồi nghe và nghĩ sống sao cho vừa lòng người?

 

Thế nên đừng ngạc nhiên khi em dần muốn thoái thác mỗi khi có việc cần về. Vì ở đó em luôn có cảm giác chồng như không phải chồng mình. Ai nói gì anh cũng gật, kể cả có ông to mồm bảo: “Không đánh được vợ là chưa thể hiện được sức mạnh đàn ông”. Giá em mà là anh em sẽ mạnh miệng hơn: “Nắm đấm chỉ sử dụng khi não bộ đã bị vón thành cục”.

 

Dù gì cũng là việc chung, trách nhiệm của anh cũng phải có trọng lượng một chút. Đằng này anh hất tất cả thành việc của đàn bà, còn anh thì đi câu cá, bẫy chim cùng mấy ông trong xóm, tối uống nước chè bàn chuyện với các cụ và giao lưu phỏm đến tối khuya. Mỗi lúc về quê vợ chồng lại giận nhau, cứ thế vết rạn dần loang lổ, quan hệ gia đình ngày một nặng nề. Em bắt đầu thấy những đổ vỡ, ít nhất là từ niềm tin ở trong tim.

 

TSL