Mệt mỏi như làm vợ bị chê
Vừa về đến nhà, bác hàng xóm đã nhanh mồm: “Sướng thế, hôm nay cả hai vợ chồng được về cùng nhau nhé. Bin đi trẻ hai tháng rồi nhỉ, ngoan không? Dạo này có vẻ sọp đi nhiều đấy”.
Nhờ sữa mẹ tốt và bà chăm bẵm kỹ nên bé Bin trông mập, đáng yêu. Khi con được 2 tuổi, vợ chồng chị Hương cho con đi nhà trẻ, bà nội về quê, thi thoảng mới lên thăm cháu. Mặc dù rất ngoan, chịu ăn, nhưng đến độ tuổi này, bé Bin không mập lên nữa mà phát triển về chiều cao. Cân nặng của bé vẫn vậy nhưng trông “nhẳng” hơn do dài người ra. Điều quan trọng là con khỏe mạnh, hơn nữa, sức khỏe của con vẫn ở kênh A.
Chồng chị Hương, một phần xót con, cũng có thể anh thấy vợ không được chu đáo như mẹ nên tiện thể… chê vợ ngay trước mặt hàng xóm. Anh nói để thỏa cái suy nghĩ của mình bấy lâu nay mà không màng tới cảm giác của vợ. Chị Hương vẫn biết rằng, mình không thể làm được như mẹ chồng vì chị vừa đi làm, vừa chăm sóc con, lại hàng tá việc nhà không tên. Trong khi bà ở nhà cả ngày, lại còn được chị thường xuyên phụ giúp. Có thể, chồng chị sẽ không được ăn những món ngon và cầu kỳ như mẹ vẫn nấu, có thể nhà cửa sẽ không sạch sẽ ngăn nắp như trước, có thể con anh gầy đi chút… nhưng đó không phải là lỗi của chị.
Chị đã phải cố gắng rất nhiều để có thể làm tốt nhiều việc trong một lúc. Thế nhưng, dường như chồng chị Hương không thấy được những điểm tốt của vợ, anh “hồn nhiên” chê bai vợ mà không màng tới cảm giác nghèn nghẹn cứ dâng đầy trong cổ họng chị. Bao cảm giác vui tươi, hứng khởi bay đi đâu hết, chị Hương lùi lũi vào nhà, cả mấy hôm sau, chị vẫn không tài nào vui lên được. Chị buồn về sự vô tâm của chồng, và trách anh không biết giữ thể diện cho vợ..
Chị Hạnh ở Cầu Noi, Từ Liêm, Hà Nội được mọi người cho là “tốt số” khi lấy được ông chồng đẹp trai, có học, trông hiền lành. Thực ra, chị yêu và lấy anh vì thấy anh vui vẻ, thoải mái. Hồi yêu anh, chị thấy được là chính mình, chị có thể hồn nhiên khóc, cười, và sống thật với tính cách, tình cảm của mình. Nhưng kết hôn rồi, mọi tính nết xấu đẹp của mỗi người mới “phô” ra. Anh Hùng, chồng chị có tính thích… chê vợ. Căng thẳng nhất là trong các bữa ăn. Anh Hùng thích ăn ngon, cầu kì, vị phải phù hợp và phải ‘giống như mẹ anh vẫn làm”.
Chả thế mà, bữa nào anh cũng điệp khúc: “Sao thịt kho màu nhạt quá, sao canh nêm không đủ độ, sao cứ mấy món này lặp đi lặp lại, gà không “xịn” – lần sau đừng mua, cá này sao thịt không săn, không thơm…”. Nhiều hôm, anh không chê, nhưng dùng đũa gẩy gẩy vài miếng rồi.. ăn cơm chan nước mắm. “Như vậy, cũng đủ để bữa ăn thêm ngột ngạt. Những miếng cơm trong mồm cứ trệu trạo, đắng nghét”, chị Hạnh chia sẻ. Càng ngày chị Hạnh càng thấy rằng chồng mình ích kỷ, vô tâm. Anh chỉ biết ăn ngon, nhà sạch, con ngoan mà không quan tâm, đoái hoài đến nỗi nhọc nhằn của vợ.
Phụ nữ dễ “hi sinh” sự nghiệp vì gia đình
Một nghiên cứu mới đây cho rằng, phụ nữ có lẽ dễ từ bỏ những công việc tham vọng hoặc phải chấp nhận những vị trí ít đòi hỏi khắt khe hơn nếu chồng họ không chia sẻ việc chăm sóc con cái. Theo kết quả nghiên cứu, các ông chồng dễ trở thành trụ cột trong gia đình do phụ nữ bị áp đặt làm việc nhà nhiều hơn. Đấy là vì họ vẫn có khả năng làm phần lớn các việc vặt trong nhà và đặt công việc chăm sóc con cái lên hàng đầu. Trong khi đó các ông chồng vẫn ngồi “vắt chân” – ngay cả khi thời gian làm việc của họ cũng chỉ giống như các bà vợ.
Youngjoo Cha - một nhà xã hội học đến từ trường ĐH Cornell, nhận thấy: “Khi việc chăm sóc con cái dẫn đến xung đột giữa công việc và gia đình thì các cặp vợ chồng thường giải quyết xung đột theo cách là ưu tiên sự nghiệp của ông chồng”.
Phụ nữ ai cũng thương chồng, thương con và muốn hàng ngày gia đình mình có những bữa ăn ngon miệng nhất. Tuy vậy, chồng con vui còn mình phải chịu đựng thì không nên, cả nhà đều vui mới đúng. Rất nhiều người hy sinh hoàn toàn cho chồng con, đến một ngày giật mình tự hỏi: “Vậy còn mình thì sao?”, và đây là tình trạng hầu hết phụ nữ Việt Nam chúng ta đã và đang vướng phải.
Chị Tuyết, một phụ nữ khá xinh đẹp và thành đạt tiết lộ bí quyết: Chị em hãy để chồng hiểu nỗ lực của mình và không để anh ấy đòi hỏi quá đáng. Nếu không thì phụ nữ chúng ta đang khuyến khích tính gia trưởng, ích kỷ của đàn ông mà thôi. Khi một trong hai người chịu đựng người kia thì không còn hạnh phúc nữa. Thông thường không biết thì mới hay chê, nếu ông chồng nào hay chê bai vợ, hãy kéo các ông ấy vào làm cùng hoặc phân công cho anh ta những việc mà bạn làm khiến anh ta không hài lòng. Khi đó, anh ấy muốn chê cũng đành… chịu.
Theo Gia đình & Trẻ em