Mệt mỏi khi chồng không đồng thuận

(Dân trí) - Không ít phụ nữ khi bước chân về nhà chồng xác định, “ải song thân” không phải vấn đề đối với họ, miễn họ có được sự đồng thuận từ chồng. Đáng buồn là không phải lúc nào cái điều kiện tiên quyết ấy cũng được đáp ứng...

 
Mệt mỏi khi chồng không đồng thuận - 1


Có đến cả tuần nay Thu lặng lẽ đi về như cái bóng, chẳng buồn nói với chồng một câu. Cứ nhìn thấy “cái bản mặt” ấy là cô lại chán ngắt, tâm trạng nặng nề y như cái mớ trách nhiệm đang đè trên vai cô vậy.

 

Thu kết hôn đã 3 năm và sinh được một cậu con trai kháu khỉnh - kết tinh tình yêu của ông chồng kỹ sư và cô vợ trẻ trung xinh đẹp làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài. Hải, chồng Thu, cũng là tuýp đàn ông yêu vợ thương con, phải mỗi cái tội nhất nhất nghe lời mẹ.

 

Thu biết, sinh ra là con trai duy nhất trong gia đình, anh được nhận sự chăm sóc đặc biệt và nhiều “đặc quyền” dành cho con một từ tấm bé. Một trong những đặc quyền ấy là đi đâu cũng có mẹ, làm gì cũng có mẹ. Cũng bởi thế, ngay cả khi đã trưởng thành, có công việc, đi tìm hiểu yêu đương, anh vẫn không thoát ra được cái bóng chở che của mẹ. Mọi việc lớn nhỏ Hải đều “tâu” với mẹ và nghe lời mẹ quyết, ngay cả khi đã cưới Thu, đã gánh trên vai trọng trách với một gia đình riêng bé nhỏ.

 

Thu nể phục mẹ chồng khoản học rộng. Nhưng điều đó đâu có nghĩa là bà luôn đúng. Thu mệt mỏi khi mẹ can thiệp vào mọi chuyện lớn nhỏ trong gia đình của cô, “chỉ đạo” vợ chồng cô theo mong muốn của bà. Đặc biệt, bà can thiệp quá “thô bạo” vào việc nuôi dạy cháu.

 

Sức chịu đựng vượt quá giới hạn khi con trai đến tuổi đi học mầm non. Thu muốn cho con học trường tư để con được đối xử nhẹ nhàng hơn, cũng tiện gửi con luôn thứ Bảy để vợ chồng cô có thể yên tâm đi làm, song mẹ chồng thì nhất nhất chỉ đạo cháu nội phải học trường công, bởi ở đó “người ta rèn cho vào kỷ luật”.

 

Chiều lòng mẹ chồng, và cũng một phần vì Hải muốn theo ý mẹ, Thu đành xin cho con đi học trường công. Nhưng học được vài buổi thằng bé có dấu hiệu sợ trường. Nhìn con ôm chặt lấy chân mẹ trước cổng lớp, lăn lết cả ra đất, gào khóc van xin mẹ cho về, Thu xót con khôn tả. Hỏi ra mới biết cụ cậu bị cô mắng, phạt đứng góc lớp vì không biết nghe lời.

 

Bàn với chồng chuyển trường cho con, Thu chỉ nhận được sự ừ hữ của Hải. Cực chẳng đã, cô đành tự thưa chuyện với mẹ chồng về ý định cho con sang học trường tư. Bà gạt phắt đi, cho rằng Thu nuông chiều con quá. Hải ngày trước cũng được bà nuôi dạy theo “quân luật” mới nên người đấy thôi.

 

Thu vẫn nghĩ bố mẹ chồng không phải vấn đề lớn đối với cô, chỉ cần cô nhận được sự cảm thông, đồng thuận từ chồng. Tiếc rằng Hải cũng cho rằng mẹ anh nói đúng và không đứng về phía vợ. Ức chế, Thu căng thẳng với chồng: “Anh lên hai hay lên ba mà cái gì cũng phải theo ý mẹ? Mẹ anh có phải là thánh đâu!”. Trước thái độ của vợ, Hải đanh lại: “Tùy em. Em cứ cho con sang trường tư thì đi mà lo hết!”.

 

Từ hôm Thu chuyển trường cho con, Hải không cùng gánh nhiệm vụ đưa đón con đi học với vợ nữa. Tiền học cho con anh cũng không đưa. Tính tự ái khiến Thu bất cần. “Không có anh tôi vẫn lo cho con tốt”. Song quả thực nhiều lúc, Thu buồn và thất vọng kinh khủng. Một mình cô đẻ đứa con đó ra sao?

 

Khéo léo lôi kéo chồng 

 

Thực ra có một điều người làm vợ như Thu chưa hiểu. Tâm lý những người con trai, lại là con một, luôn rất yêu thương, tới mức tôn thờ mẹ. Người mẹ có con trai duy nhất cũng thường dành rất nhiều tình cảm cho con, luôn muốn có mặt trong cuộc sống của con. Với họ, đứa con ấy dường như chưa bao giờ lớn.

 

Làm vợ một người con trai như thế, làm dâu trong một gia đình như thế, bạn cần phải khéo léo hơn mới mong có được sự đồng thuận từ phía chồng.

 

Một nguyên tắc quan trọng là không bao giờ được nói xấu, chỉ trích mẹ anh ấy. Cho dù bạn không đồng quan điểm với bà, vẫn nên nhỏ nhẹ thừa nhận với chồng một điểm nào đó rằng bà đã đúng. Kế đó bạn đưa ra phương án của mình, “em nghĩ cách này sẽ hợp lý hơn, phù hợp với điều kiện của vợ chồng mình hơn…”. Hãy phân tích cho chồng hiểu cái hay từ phương án của bạn, cho anh ấy thấy rằng ý của mẹ không tồi, nhưng ý của vợ quả thực có nhiều ưu điểm vượt trội.

 

Ví như trường hợp của Thu. Lẽ ra cô không nên chỉ trích chồng là “trẻ lên ba”, không nên bài xích mẹ chồng. Thay vào đó ôn tồn phân tích cho chồng hiểu, con nhỏ chưa bao giờ đi học nên rất khó quen với “kỷ luật thép”, nên cho con làm quen với việc đi học trong môi trường nhẹ nhàng trước, khi con lớn và “bản lĩnh” hơn sẽ cho con vào trường công. Hơn nữa, học trường tư sẽ thuận lợi hơn cho lịch làm việc của cả vợ lẫn chồng…

 

Đàn ông ưa ngọt và cũng rất biết lý lẽ. Không ông nào nỡ phản đối người vợ biết ứng xử hợp cả lý lẫn tình.   

 

Huyền Anh