Mẹo sửa thói xấu cho con

Cu Bốp (1 tuổi) nhà Linh có tài ăn vạ. Cu cậu bò tới đòi con dao gọt hoa quả chuôi vàng. Bà nội giằng lấy dao, mang xuống bếp cất là Bốp gào khóc, giãy ngửa, ưỡn người lên dù đang được mẹ bế trên tay.

 
Mẹo sửa thói xấu cho con  - 1


Lúc ấy, Linh nhanh chóng đặt con ngồi xuống đất, nhắc: “Mẹ ngủ đây, khi nào khóc xong thì gọi mẹ nhé”. Sau đó, Linh làm ngơ, nhắm mắt lại và quay lưng đi vờ như không quan tâm. Bốp thấy mẹ thế, càng gào to hơn. Tuy nhiên, một lúc sau thì cu con tự động nín. Từ đó, hễ con dở bài “ăn vạ” là Linh sử dụng ngay kế: “Mẹ buồn ngủ quá. Khóc xong thì gọi mẹ đưa đi chơi nhé”.

 

Đánh lạc hướng bằng trò tìm đồ vật

 

Bé Cây (11 tháng) nhặt được hạt bưởi, hạt na hay cái tăm rơi trên sàn nhà là lập tức bỏ vào miệng. Lúc ấy, nếu bị người lớn giật mất là cu cậu khóc thét. Để lấy bỏ đồ vật nguy hiểm cho con theo cách tâm lý, Huyền (mẹ bé Cây) mỗi lần thấy con sờ được một hạt na là chạy tới: “Hạt na à? Cho mẹ”. Huyền xòe tay ra, Cây thích thú bỏ hạt vào tay mẹ. Rất nhanh chóng, Huyền nắm chặt hạt na, khum cả hai tay xuống sàn và đố: “Hạt na đâu rồi?”. Khi Cây chạm vào tay nào, Huyền liền mở bàn tay ấy ra và đọc kết quả: “Có” - “Không có”.

 

Chơi một lát, Huyền bất ngờ chỉ tay ra cửa: “Có con gì kìa?”. Cây quay người nhìn theo tay mẹ, Huyền liền giấu hạt na đi. Khi Cây tiếp tục đòi mở tay mẹ tìm hạt, cô lắc đầu: “Mất rồi”, rồi xòe hai tay để cu cậu thấy “không có”. Nhờ thế, Cây không khóc đòi nữa.

 

Đi xem con “gâu gâu”

 

Bé Cò (10 tháng) rất thích nước. Được thả vào chậu nước tắm là cu cậu “sướng mê”, tha hồ giãy đạp. Khổ nhất là lúc tắm xong, nếu bị mẹ (hay bà giúp việc) bế thốc lên, quấn vào khăn là Cò giãy giụa hờn dỗi.

 

Biết Cò thích “con gâu gâu” nhà bác hàng xóm nên mỗi lần tắm xong, mẹ lại gọi bố: “Bố ơi, đi xem con gâu gâu à? Không chờ Cò à?”. Nghe thấy “gâu gâu”, Cò ngước ngay lên nhìn mẹ, mẹ choàng khăn tắm và giục: “Nhanh, xem con gâu” thế là cu cậu ngoan ngoãn đứng lên mà không tốn một giọt nước mắt nào.

 

“Mẹ tin con”

 

Gia Minh (4 tuổi rưỡi) rất thích ăn vụng bánh mẹ cất trong ngăn kéo. Một lần, biết con vừa xem phim hoạt hình, vừa sột soạt lấy bánh ăn, Hoài (mẹ Gia Minh) giả vờ như không hay. Đợi con ăn xong, Hoài mới mở ngăn kéo, lấy bánh kẹo: “Minh rửa tay mẹ cho ăn kẹo này. Nãy mẹ ở dưới bếp, Minh có ăn kẹo không nhỉ?”, cu Minh lém lỉnh: “Con có ăn gì đâu”. Hoài tiếp tục: “Ủa lạ thế, mẹ có 10 cái bánh, sao giờ chỉ còn 9 cái nhỉ. Mất đâu 1 cái rồi. Minh đã nói là không ăn thì mẹ rất tin con”.

 

Lén thấy bé Minh căng thẳng, Hoài nói tiếp: “Con nhớ lại xem từ nãy đến giờ đã ăn cái nào chưa? Để mẹ còn gọi điện hỏi bố. Nhỡ bố không ăn mà đổ oan cho bố thì tội lắm. Sao có cái vỏ bánh ở đây nhỉ? Bố hư thế, ăn xong còn không chịu bỏ vỏ vào thùng rác. Con nghĩ xem nên phạt bố thế nào? Hay để bố ngủ một mình, hai mẹ con mình về ông bà ngoại. Bố hư thế, mẹ chẳng muốn chơi với bố đâu”. Nghe mẹ nói vậy, Minh có vẻ áy náy nên tự giác: “Là con ăn đấy”. Nhân cơ hội đó, Hoài dặn luôn: “Lần sau con muốn ăn thì nói với mẹ. Mẹ không mắng hay phạt con đâu”.

 

“Con ngủ ở đây nhé”

 

Tin (2 tuổi) rất thích chơi chung với em họ Kumi. Mỗi lần Yến (mẹ Tin) đưa con sang nhà Kumi là một lần cô phát mệt vì giục về là Tin khóc. Càng kéo tay con thì con càng giãy đạp chống đối. Kể cả khi thấy mẹ cầm chìa khóa, đội mũ bảo hiểm, tra chìa khóa xe vào ổ, Tin cũng tỉnh bơ, còn vẫy tay “bai bai” mẹ.

 

Hiểu tâm lý con, Yến vờ dặn dò: “Con ngủ ở đây với em Kumi nhé. Mẹ về một mình vậy. Mai bố sẽ mang quần áo và đồ chơi sang cho con”. Cùng lúc, Yến làm ra vẻ buồn bã: “Mẹ nhớ Tin ghê nhưng biết làm sao, Tin thích ở đây mà. Thế mẹ về nhé”. Thấy mẹ “sụt sịt” buồn bã, Tin nhanh nhảu bám chân mẹ, “bai bai” em Kumi để về nhà.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm