Méo mặt nghe thách cưới

(Dân trí) - Nhà có 2 anh em. Tôi đi lấy chồng trước. Anh trai tôi hơn tôi 5 tuổi, học hành không đâu vào đâu, ra trường đi làm lại “trong chán ngoài thèm”, 4 năm làm việc vẫn chưa hết thời gian thử việc do chuyển hết công ty này sang công ty khác.

 
Méo mặt nghe thách cưới - 1


Suốt thời gian ấy anh không tiết kiệm được đồng nào. Giờ anh về thông báo với bố mẹ sẽ cưới vợ. Năm hết tết đến, nếu cưới thì cũng chỉ tổ chức được tháng 10 hoặc tháng 11. Mẹ tôi đi xem mấy ông thầy để chọn ngày lành tháng tốt. 

 

Bố mẹ vắt chân lên cổ chuẩn bị mọi thứ. Trước là chọn ngày sang thăm nhà gái rồi mời họ sang nhà mình cho đúng thủ tục, gọi là dạm ngõ. Mục đích để hỏi nhà gái lễ lạt thách cưới thế nào.

 

Thuê một chuyến xe lên thị xã thăm nhà thông gia, dọc đường bố tôi cứ lo nghĩ mãi không biết trên này thủ tục thế nào, có đơn giản như quê mình không…

 

“Làm gì có chuyện!”

 

Là bác trưởng họ nói thế. “Chẳng gì cũng là ở thành phố, sao đơn giản như quê mình được!”. Y như rằng:

 

“Vợ chồng tôi chỉ có nó là con gái chứ chẳng nhiều nhặn gì. Nuôi cháu khôn lớn, lo cho công việc ổn định, gia đình tôi cũng không yêu cầu gì cao sa, ở đâu âu đấy, chuyện cưới xin phải theo tục làng. Họ như thế nào tôi cũng như thế ấy chứ chẳng dám lấy hơn. Chỉ xin nhà trai ba cái lễ, mỗi lễ gồm một con gà trống thiến, 3 cân gạo nếp và chai rượu nếp cẩm. Đấy là lễ sống. Còn một lễ tiền mặt là phong bì 7 triệu. “Đất lề quê thói”, tôi chẳng dám lấy hơn, nhưng cũng không lấy kém kẻo dân làng họ lại nói con gái tôi “mất giá”. Ngoài ra năm hay bẩy tráp tuỳ ở gia đình”.

 

Sau khi nghe lời thách cưới của ông thông gia, bố tôi chân không đứng vững, nhưng vẫn phải bình tĩnh nhận lời “vâng chúng tôi sẽ lo đủ”.

 

Ở quê tôi lễ lạt đơn giản lắm, con gái lấy chồng làng thì lễ ăn hỏi chỉ có con gà ván xôi, có nhà thay gà bằng thủ lợn rồi tất cả cho vào mâm nhà trai gánh đến nhà gái. Nếu lấy chồng thiên hạ thì có thêm ba cái tráp, một tráp cau, một tráp chè, rượu, thuốc và một tráp hoa quả thật đơn giản nhưng rất lịch sự được che bởi tấm vải đỏ. Ngoài ra không còn bất kì lễ sống hay chín gì. Chính vì thế mà bố tôi “sốc” khi ông thông gia thách cưới.

 

Bố mẹ tôi lại thêm một nỗi lo. Chạy đâu ra chục triệu trước mắt cho ngày ăn hỏi suôn sẻ? Không chỉ riêng gia đình tôi mà không ít gia đình khác lo cưới con cho bằng dân bằng làng, rồi phải gồng mình lên trả nợ. Có người chỉ lo kiếm tiền trả nợ mà gần hết đời vẫn chưa nhẹ nhõm.

 

Vẫn biết phép vua thua lệ làng. Tục lệ, phong tục tập quán là những thứ thiêng liêng, đáng quý, nhưng không nhất thiết phải hoàn toàn áp đặt và buộc mình gắn với nó khi không còn phù hợp. Có những phong tục không phải là bản sắc dân tộc, có những phong tục cổ hủ phải được thay đổi, để sau mỗi lần “có công có việc” mọi người đều được vui vẻ, bớt đi những gánh nặng lo toan.  

 

Bống-XuKa