Mẹ vợ - con rể

Không ít những tình huống mâu thuẫn, trớ trêu xuất phát từ mẹ vợ - con rể.

 

Chỉ tại cái tính tự ái

 

Hoàng và Liên mặc dù yêu nhau đã lâu nhưng trục trặc mãi mới đi đến hôn nhân chỉ vì vợ anh là con gái độc nhất. Ba Liên đã mất từ khi cô còn bé nên nhà chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Gia đình Liên có ý muốn Hoàng về ở cùng để có thể nhờ cậy lúc ốm đau hay trái gió trở trời. Anh thì chúa ghét cái cảnh ở rể nhưng nhìn Liên khóc lóc, năn nỉ, và tình cảm có với nhau cũng ngót nghét gần 5 năm nên Hoàng đành nhắm mắt đưa chân. Cưới nhau xong, cái cảm giác ở rể vẫn đeo bám anh vào tận trong giấc ngủ.
 
Mẹ vợ - con rể


 

Lần ấy, ông bạn cũ của mẹ vợ anh đến chơi, do không có mẹ ở nhà nên anh lịch sự ra ngồi tiếp. Đang trò chuyện khá rôm rả và vui vẻ, vợ anh từ bếp bưng nước ra mời khách thì thấy anh sa sầm mặt xin phép lên phòng. Không hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng linh tính mách bảo có chuyện không lành, chị cũng nén lòng tiếp khách cho đến khi họ ra về rồi vội lên phòng tìm chồng.

 

Hóa ra, ông bạn cũ vô tình đụng đến “vết thương” đang âm ỉ trong anh bấy lâu. Trong lúc trà dư tửu hậu, ông bạn mẹ vợ anh kể về chuyện vợ chồng con gái ông cũng đang ăn nhờ ở đậu nhà ông với ý chê bai anh con rể mình. Rằng “anh là sướng nhất rồi, chuột sa chĩnh nếp, làm rể giám đốc Hương là quá sướng. Cơ ngơi có sẵn chỉ lo làm ăn chứ lương nhà nước ba cọc ba đồng thì đến đời nào mới mua được nhà”. Nghe khách nói, mặt anh nóng ran mà cơn giận trong lòng bốc lên ngùn ngụt.

 

Thực ra lời ông khách nói chỉ như cơn gió làm thổi bùng ngọn lửa bấy lâu nay luôn cháy âm ỉ trong lòng. Anh ầm ĩ với vợ: “Không biết mẹ em nói gì với người ta không mà ông ta lại nói như thế với tôi. Tôi giống như một con chó bấy lâu nay luồn cúi trong nhà cô. Còn bây giờ thì tôi không chịu được nữa…”. Rồi Hoàng một mực đòi thuê nhà dọn ra ở riêng. Mặc dù vợ năn nỉ hết lời và mẹ vợ giải thích Hoàng mới chịu ở lại nhưng lòng tự ái không biết khi nào mới hết.

 

Từ chuyện nhỏ thành chuyện lớn

 

Khác với chuyện của Hoàng, câu chuyện nhà Trang cũng vì tính tự ái mà ra. Nhưng lần này lòng tự ái không phải xuất phát từ chồng mà là từ mẹ của Trang. Chồng Trang vốn là con một lại là “độc đinh” ba đời trong họ nên được cưng chiều từ nhỏ. Lại thêm tính thật thà lại không khéo ăn nói nên rất dễ mất lòng người khác. Lúc mới lấy nhau, gia đình hai bên đều ở tỉnh nên vợ chồng Trang thuê nhà tại thành phố. Khi Trang có thai, mọi việc lớn nhỏ trong nhà do chồng phụ, từ nấu ăn, đến rửa chén. Đến kỳ sinh con, mẹ cô ở quê lên phụ giúp chăm nuôi cháu trong những ngày Trang ở cữ.

 

Từ khi mẹ vợ lên, chồng Trang đâm ra lười biếng và ỷ lại. Tất cả mọi việc đều giao phó cho mẹ vợ mà lại không khéo ăn nói, làm bà tự ái. Đỉnh điểm của sự việc khi con Trang được hơn 4 tháng. Lần ấy, bé đã biết lật khá cứng, mọi hôm bé tự lật không sao, nhưng hôm đó lại xảy ra việc mà đến giờ đã gần nửa năm mà mẹ vợ vẫn không quên mỗi khi nhắc lại. Bữa đó Trang đang trong nhà vệ sinh, bà ngoại đang lui cui ở bếp, bé lật nhưng không may lại nằm sát mép tấm nệm nên bị té xuống nền gạch. May mắn bé không bị thương tích gì nặng nhưng lại bị sưng ở đầu. Chồng Trang về nghe chuyện xót con, bụng chẳng nghĩ - vô tình thốt ra câu nói trong vô thức: “Ở nhà chăm con mà cũng không xong”. Mẹ vợ vốn tính tự ái cao cứ nghĩ là nói bà nên bà tự ái nói: “Con nghỉ ở nhà một ngày vừa trông con vừa làm việc nhà thử xem như thế nào”, rồi đùng đùng giận dỗi đòi về quê. Hối hận vì lỡ miệng, vợ chồng năn nỉ mấy ngày mẹ vợ mới hết giận và chịu ở lại.

 

Thiết nghĩ dù là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu hay mẹ vợ - con rể thì cũng là những mối quan hệ trong nội bộ gia đình. Sẽ đẹp hơn nếu mỗi người biết hạn chế cái tôi, lòng tự ái cá nhân để cho tình cảm gia đình ngày thêm gắn bó.

 

Theo Bảo Châu

Thanh Niên