Mẹ tôi là nông dân
Hồi nhỏ, tôi đã rất buồn khi đọc bài văn nói về những đứa con luôn xấu hổ vì có mẹ là nhà nông, là lao công lương ba cọc ba đồng! Còn tôi, ngay từ lúc bé, đã luôn miệng tự hào “Mẹ con là nông dân” khi cô giáo hay ai đó hỏi.
Tôi tự hào về mẹ của mình. dù người không được học hành đầy đủ, cũng chẳng phải công nhân viên chức Nhà nước, không trẻ, đẹp bằng mẹ của nhiều đứa bạn trong lớp... nhưng mẹ chính là bà tiên gõ chiếc đũa thần vào cuộc đời bất hạnh của tôi!
Tôi sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm nên gia đình, họ hàng ai nấy đều vui mừng. Oái oăm thay, cơn sốt viêm não Nhật Bản khi mới lên hai để lại di chứng nặng nề khiến tôi không đi đứng được. Lúc ấy, tôi còn quá nhỏ để nhớ điều gì đó nhưng chắc chắn người đau khổ nhất khi đó chính là mẹ - người rứt ruột sinh ra tôi.
Theo lời nói “Mẹ mày vất vả vì mày lắm...” của những cô bác hàng xóm, tôi tìm về miền ký ức khuất xa, nằm ngoài tiềm thức của đứa trẻ thơ ngày ấy...
... Mấy năm sau ngày tôi đổ bệnh, bố còm cõi bế tôi đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác tìm thầy, tìm thuốc. Không tính được số lần hai bố con ngược xuôi ra thủ đô điều trị, chỉ biết rằng gia đình tôi gần như kiệt quệ. Tiền tàu xe, tiền khám, tiền thuốc, tiền những đợt chạy điện, chiếu xạ trị cho tôi ngoài Hà Nội đều trông cậy vào tiền bán những thúng lúa, mớ khoai, gánh rau mẹ gửi ra. Mẹ chăm sóc ông nội, chị Mai và em gái tôi mắc bệnh tim bẩm sinh, rồi còn nuôi bầy heo, đàn gà để bố bớt đi những giọt mồ hôi lo toan khi đang cố gắng chạy chữa cho con.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mẹ quán xuyến mọi việc, thay cả phần bố ở nhà. Gia đình người ta “chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa” chứ nhà mình, bố đi vắng, mẹ phải làm tất cả. Cày, bừa, gieo, cấy, cuốc xới, vun trồng, tưới tiêu, bón thúc... cho đến thu hoạch, phơi phóng đều một tay mẹ đảm đương mà không một tiếng than trách. Cứ nghĩ đến là con không cầm được nước mắt...
... Rồi tôi đến tuổi đi học, mẹ cùng bố thay nhau chở con gái tới trường, quyết không để con thua bạn kém bè. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ chầm chậm dắt chiếc xe đạp cũ kỹ trên con đường làng toàn sỏi đá, gật đầu khen ngợi khi tôi ngồi đằng sau ríu rít kể chuyện hôm nay được điểm 10, cô giáo biểu dương con chăm chỉ, ngoan ngoãn.
Năm lên lớp 7, tôi phải nghỉ học để phẫu thuật chân trong chương trình nhân đạo do Mỹ hợp tác. Dù được hỗ trợ tiền mổ nhưng mẹ vẫn phải chạy đôn chạy đáo lo tiền ăn, ở cho hai bố con trong bệnh viện gần một năm trời... Thỉnh thoảng, mẹ lại xuống thăm tôi, mang theo bao nhiêu là quà, khi thì củ sắn, khi thì mớ khoai…
Mẹ cùng bố tập cho tôi bước đi trên đôi chân giả và cặp nạng gỗ. Mẹ cười ra nước mắt, hạnh phúc khi thấy tôi tập tễnh những bước chân đầu tiên, dần rời bỏ chiếc xe lăn quen thuộc, tự đi trên chính đôi chân của mình, dù khi ấy tôi tập tễnh, yếu ớt, xiêu vẹo.
Tuy không chạy nhảy được như các bạn, bước đi cũng chưa thẳng nhưng tôi luôn vui sống, tự tin và phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập. Nụ cười của mẹ là động lực giúp tôi vượt qua tất cả khó khăn.
Trong lòng tôi, nghề làm ruộng cao quý biết bao! Cao quý vì mẹ của tôi đã và đang làm công việc ấy, vì mẹ nuôi tôi nhờ đồng lúa, nương ngô.
Theo Người Lao Động