Mẹ ơi, mẹ cứ để nhà con tập làm người lớn!

(Dân trí) - Hễ cứ có mẹ là anh ấy đùn đẩy mọi việc cho mẹ từ cái bát ăn xong vứt chổng chơ trên bàn, quần áo đi làm về vứt tứ tung trong phòng. Với mẹ, anh ấy vẫn là cậu con trai út bé bỏng như ngày nào.

Mẹ ơi, mẹ cứ để nhà con tập làm người lớn!


Khi yêu anh con đã nhận ra nhược điểm này của anh-biếng làm việc nhà và rất bừa bộn. Anh cũng vô tư kể với con, hồi còn ở nhà với bố mẹ, chẳng bao giờ anh phải mó tới việc nhà vì từ nấu cơm, rửa bát, giặt giũ đến những việc cần các con giúp đỡ như lau trần nhà cuối năm để chuẩn bị đón tết mẹ cũng làm hết. Khi học đại học trên Hà Nội thì ở cùng anh trai chị dâu, lại có người giúp việc nên anh cũng “không có cơ hội mà thể hiện mình”.

 

Con yêu sự chân thành và tốt bụng của anh nên con chấp nhận điều đó và tự nhủ mình sẽ cố gắng giúp anh tiến bộ để anh biết chia sẻ với vợ hơn. Với bao nhiêu nỗ lực, con đã làm anh thay đổi nhiều. Hồi con mang bầu cu Tũn, có sáng chủ nhật anh dậy từ sớm mở nhạc rồi lau nhà từ tầng 5 xuống tầng 1, vừa làm vừa hát, nhìn chồng con thấy thật hạnh phúc và tự hào vì mình đã làm được một điều thật ý nghĩa-là giúp anh biết gắn bó hơn với tổ ấm của chính mình.

 

Đã hơn một năm nay kể từ khi con sinh cháu, mẹ lên ở với chúng con, anh lại như “ngựa quen đường cũ”, mọi việc nhà anh đùn hết cho mẹ, thậm chí cả những việc tối thiểu nhất liên quan đến cá nhân anh.

 

Sáng thứ 7 không phải đi làm nên anh thường dậy muộn, ăn sáng xong anh lại diễn điệp khúc “mặc kệ bát đũa nồi niêu”, vỏ gói mỳ tôm anh cũng xả ngay xuống nền bếp để kiến nó bò vào… Con nhắc anh là nên rửa luôn, nếu bận thì bảo vợ giúp nhưng anh bảo “bận gì đâu, có mẹ rồi cứ để mẹ làm cho”; rồi mẹ lại lọm cọm đi rửa bát cho anh.

 

Con không lăn tăn tị nạnh nhưng đó không phải là lần 1, lần 2 mà đã trở thành thói quen của anh. Có hôm mẹ về quê, anh ăn trưa xong bát đũa lại để chềnh hềnh trên bàn ăn đến tận chiều tối luôn.

 

Anh đi làm về, quần áo, cà vạt và cả đôi tất bốc mùi anh vất chổng chơ trên giường, mẹ lại làm nhiệm vụ thu dọn cho anh. Thậm chí nhiều hôm tắm xong quần áo anh cũng chẳng cho vào máy giặt mà hôm thì vất trên sàn nhà tắm, hôm thì vất dưới chân máy giặt, thắt lưng da cũng chẳng thèm bỏ ra có lần cho vào máy giặt quay luôn.

 

Thi thoảng con gọi anh phơi giúp quần áo thì chỉ mấy phút sau con đã thấy tiếng mắc áo leng keng trên tầng thượng trong khi anh vẫn thản nhiên ngồi lướt web. Mẹ thương anh đi làm về mệt rồi lại âm thầm giúp anh…

 

Tháng trước, mẹ về quê mấy ngày chăm dì Lan ốm, con phải gửi thằng bé nhà bác hàng xóm trông giúp, anh về nhà sớm hơn con nhưng cũng chẳng biết làm gì ngoài cắm giúp con cái nồi cơm điện, thức ăn có rồi anh cũng chẳng nấu. Mưa to hắt ướt hết cả quần áo phơi trên tầng thượng anh cũng chẳng để ý mà cất. Con lên phòng lại gặp cảnh tượng thiếu ngăn nắp quen thuộc: áo sơ mi anh vắt trên ghế, tất văng trên sàn nhà, bàn làm việc thì nào là giấy tờ lộn xộn, cả cốc trà đã thiu cũng chẳng đổ đi.

 

Lúc hai vợ chồng gần gũi tình cảm, con có tâm sự với anh, anh cũng nghe ra và có dấu hiệu tích cực được vài hôm, nhưng mẹ không ủng hộ con mà cứ tạo điều kiện cho anh phát huy thói xấu của mình.

 

Có hôm con tổng vệ sinh nhà cửa, con bảo anh cùng tham gia, thì mẹ gàn ngay: thôi để đó mẹ làm cho, anh làm không bằng mẹ làm cố, từ bé đến giờ đã phải lau nhà cho mẹ bao giờ đâu, rồi mẹ tỏ ra không vui, mẹ bảo, “Việc này là của phụ nữ, đàn ông thì làm việc lớn, không làm thì để mẹ làm. Ngày xưa chẳng bao giờ mẹ sai bố mày làm việc nhà bao giờ.”

 

Mẹ vẫn bảo là con út nên anh được chiều từ bé, thậm chí 4 tuổi vẫn ti mẹ, lớn lên cũng hay nhõng nhẽo mẹ. Giờ mẹ vẫn coi anh ấy bé bỏng như ngày nào. Khi con muốn tâm sự với mẹ về anh để giúp anh tiến bộ hơn mẹ lại đỡ lời: “Thằng này nhiều lúc vẫn trẻ con lắm”. Mẹ ơi, giờ anh ấy đã là người đàn ông trưởng thành, là bố của cu Tũn, là trụ cột gia đình, mẹ đừng chiều anh ấy như vậy nữa. Con không muốn sau này cu Tũn học theo thói quen của bố.

 

Mẹ cứ để cho nhà con tập làm người lớn mẹ nhé!

 

N.M