Mẹ ơi, con xin lỗi!

(Dân trí) - Nếu là một con chiên, con sẽ thật lòng xưng tội. Nếu đứng trước Phật lúc này, con sẽ cúi đấu sám hối. Tự vấn lòng mình, ước gì con có thể nói được một lời: Con xin lỗi mẹ, mẹ chồng của con.

Mới cách đây vài tiếng đồng hồ thôi, nó đã cảm thấy thoải mái biết bao khi cùng hội “bà tám” ở cơ quan lập chủ đề nói xấu mẹ chồng. Nào là nỗi niềm vất vả của cô con dâu lo chuyện bếp núc, dọn rửa ngày Tết, chuyện biếu xén họ hàng nhà nội, chuyện mẹ chồng “lắm nhời” thích soi mói chỉnh con dâu từ nồi cơm, cái bát, chuyện mẹ chồng “nhường” cho con gian bếp một mình xoay sở trong khi nhà có bao nhiêu là khách… Nó đã trút hết tất cả những buồn phiền, bực bội nó có từ mẹ chồng.

 

Nhớ lại ngày yêu nhau, nó đã rất tự tin mà khẳng định với chồng rằng: “Em yêu anh là yêu cả gia đình nhà anh, bố mẹ anh cũng chính là bố mẹ em”. Nhưng nó đã báo đền công ơn người đã sinh thành ra chồng nó thế nào? Mẹ đẻ mắng cả ngày chắc gì nó để bụng lấy một giây. Vậy mà mẹ chồng có vài câu chỉ bảo nhẹ nhàng nó đã mặt nặng, mày nhẹ cả ngày. Tết nhất biếu mẹ mình chẳng lăn tăn, đưa cho mẹ chồng chút ít đã đắn đo tính toán.

 

Bà ngoại ra trông cháu, có khi đồ đạc bừa bộn nó cũng cười hề hề cho qua. Chồng có ý kiến nó cãi: “Mẹ ra giúp vợ chồng mình trông cháu, chứ không phải là osin cho nhà anh”. Mẹ chồng ra, cháu có quấy khóc chưa kịp dọn dẹp đã bị con dâu kết tội là: “vẽ việc ra cho con dâu làm”.

 

Bà ngoại yêu và cưng chiều cháu, nó tự hào với xóm giềng: Bà yêu cháu lắm. Bà nội quấn quýt với cháu  thì bị con dâu cho là: “Ly gián hai mẹ con”.

 

Tiền của chồng nó làm ra, nó quản từng đồng, sợ anh vác của về nhà cho mẹ. Trong khi nó vẫn chẳng ngần ngại biếu bố mẹ mình khi tiền học của em, khi tiền hiếu hỉ…

 

Nó chất vấn lòng mình khi nghe tiếng mẹ ôn tồn với con trai: “Con xem tuần này bớt công bớt việc đưa vợ đi khám sức khỏe tổng thể đi. Mẹ thấy nó càng ngày càng gầy mà sốt ruột quá”. Nó nghe mà mắt rơm rớm nước. Vậy mà nó đã nghĩ mẹ chồng nàng dâu “khác máu tanh lòng”…

 

“Mà mẹ thấy con cũng nên thay đổi quan điểm đi, thời buổi này đâu phải như ngày xưa mà cho rằng đàn ông không phải nhúng tay vào việc nhà cửa bếp núc. Mẹ ra giúp vợ chồng mày cũng chỉ được dăm ba ngày thôi. Quan trọng là vợ chồng biết chia sẻ với nhau…”. Vậy mà nó đã nghĩ mẹ cưng chiều con trai của mẹ, không muốn con sờ vào những việc vặt vãnh của phụ nữ, rằng chính mẹ là người đã tác động lên cái tính gia trưởng của chồng nó, khiến anh ấy không biết động tay đến việc nhà…

 

“Mẹ biết mấy ngày Tết vừa rồi về quê, nó có phần ấm ức với mẹ, vì mẹ giao cho nó toàn quyền trong gian bếp, lo chuyện tiếp khách ngày Tết. Không phải mẹ không thương nó, nhưng con là con cả, lại là trưởng họ, mẹ muốn nó làm quen dần với vai trò của một người dâu trưởng, phải biết tiếp khách khứa, họ hàng nội ngoại khi nhà có công chuyện”. Chao ôi, vậy mà nó đã nghĩ mẹ muốn thử thách con dâu. Mẹ muốn nó phải chịu nỗi vất vả làm dâu như mẹ ngày xưa. Mẹ muốn giao phó toàn bộ cho nó để thảnh thơi đi du xuân, chúc tụng.

 

Đường vào nhà chỉ còn mấy bước chân mà sao nặng trịch. Nó không đủ can đảm nhìn thẳng vào mắt mẹ. Nó không đủ kiềm chế để như không nghe thấy gì, để khỏi rơi nước mắt. Nó không đủ dũng cảm để thú nhận với mẹ tất cả những suy nghĩ của nó với mẹ. Nhưng tự đáy lòng mình nó muốn nói: “Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi”.

 

Lan Tường