Mẹ làm ra Tết

(Dân trí) - Những ngày cuối cùng của năm, ai cũng sống trong không khí hối hả, ngược xuôi, cố cho hết những lo toan cuối cùng để năm mới thực sự là một khởi đầu mới.

Giữa bao bộn bề, chạnh lòng nhớ mẹ, nhớ những ngày xưa khi còn trong vòng tay mẹ. Tết là điều kỳ diệu được đón chờ, bởi Tết thỏa mãn tất cả những mong ước ngây ngô của đám trẻ con như không phải đi học, được mua cho quần áo mới, được bố mẹ đưa đi chơi, đi thăm thú họ hàng. Chẳng đứa nào biết, với mẹ, Tết là lo toan.

Mẹ làm ra Tết




Cả năm làm việc vất vả nuôi các con ăn học, mẹ có thói quen dành dụm, mua sắm đồ Tết từ rất sớm. Trước đó cả tháng mẹ đã mua kẹo bánh cất vào cái thùng bằng gỗ trong góc nhà. Mẹ bảo để dành đến Tết đem ra đãi khách. Nhưng hai anh em thèm quá, cứ thậm thà thậm thụt, chốc nhát lại chạy ra cái thùng, mở nắp, lúc thì nhón miếng mứt, khi thì cái kẹo. Cứ hít hà mãi cái mùi mứt thơm, vừa dẻo vừa ngọt, nghĩ đến nước miếng đã chảy lòng ròng quanh miệng. Tết càng đến gần, bên cạnh những miến, những măng, những thứ đồ khô mẹ mua thêm chất vào thùng, thì gói bánh kẹo càng lúc càng vơi. Chẳng có năm nào sáng mùng 1 mở ra mà chỗ bánh kẹo không vợi đi quá nửa. Mẹ khi ấy sẽ cười đến nhăn cả khóe mắt: “Nhà có hai con chuột đầu đen to quá, ăn hết cả bánh kẹo của tôi…”. Hai anh em lại nhìn nhau tủm tỉm, rồi đủng đỉnh lỉnh đi chỗ khác dù biết rằng chẳng đời nào mẹ mắng.

Khoảng 2 tháng trước Tết, mẹ sẽ vác ở đâu về cho hai anh em mấy cuộn len to. Từ hôm ấy, cứ tối đến, khi đã xong hết việc nhà, mẹ lôi len ra đan. Bàn tay mẹ thoăn thoắt, đôi kim đan cứ nhảy múa theo từng nhịp. Con em có thể ngồi nhìn mẹ miệt mài như vậy cả tối không biết chán, còn thằng anh thiếu kiên nhẫn chốc nhát lại chạy vào hỏi “mẹ xong chưa, mẹ xong chưa?”. “Vào đây mẹ ướm xem, sắp có áo mới rồi. Gớm, anh cả năm nay dài quá nhỉ”. Câu nói ấy, mẹ nói hết năm này đến năm khác. Giờ trưởng thành, sinh con rồi mới hiểu, trong câu nói của mẹ ngày ấy chứa ẩn nhiều nỗi tự hào. Mọi bà mẹ đều tự hào, hạnh phúc nhìn con cái lớn khôn, đứa con là thành quả từ biết bao nhọc nhằn, chắt chiu nuôi nấng của mẹ.

Từ 23 tháng Chạp là trong nhà đã vui như Tết về. Sáng mẹ dậy rất sớm, làm gà, nhặt rau, hì hụi cả buổi để có lễ thắp hương tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời. Những ngày cuối cùng của năm, tấm áo mới mẹ đan cũng đã xong. Hai anh em hồ hởi mặc vào trước ánh mắt vui tươi phảng phất mệt mỏi của mẹ.

Bây giờ chẳng ai còn đan áo nữa. Đồ dùng lúc nào cũng sẵn, siêu thị ngay cạnh nhà, dịch vụ hàng Tết chào đến tận nơi, không còn cảnh chắt chiu sắm sửa như mẹ ngày xưa. Dạo qua siêu thị một vòng là đã có tất cả, thấy cái Tết trở nên thiếu ý nghĩa và quá vội vàng.

Mẹ vẫn theo nếp cũ, sắm sanh từ rất sớm, như thể sợ nếu không làm vậy, Tết không thể thấm dần. Con gái bận bịu lu bù việc cơ quan chẳng có thời gian chăm sóc cho cái tổ ấm riêng ngày đầu xuân, mẹ điện thoại bảo để mẹ mua giùm cho cái này, cái nọ. Mẹ nhắc con nhớ một năm lại sắp đi qua. Bất chợt nhận ra, không phải Tết tự về, chính mẹ là người mang Tết đến.

Huyền Anh