Nhân ngày Lễ Vu Lan:

Mẹ là cơm nguội đến khi đói lòng?

Lam Trần

(Dân trí) - Mẹ chỉ có hai người con, coi trai cả đã lấy vợ, sinh con, còn con gái tốt nghiệp đại học thì vào Nam làm việc cùng người yêu. Chồng đã mất cách đây chục năm, giờ mẹ chỉ lấy con cháu làm niềm vui sống.

Mẹ là cơm nguội đến khi đói lòng? - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Gia sản lớn nhất là mảnh đất rộng sát nhà, mẹ cũng bán đi cho con trai tiền mua chung cư, cho con gái chút vốn lận lưng.

Từ ngày con dâu hoài thai cháu nội, lòng mẹ vui lắm, mẹ chuẩn bị mọi thứ để con dâu dưỡng thai. Lúc con dâu bầu bảy tháng, mẹ đã khăn gói lên thành phố ở cùng vợ chồng con trai để chăm sóc bà bầu những tháng cuối kỳ, tiện ở lại chăm đẻ, rồi chăm cháu luôn. Hai con vốn bận bịu công việc, có mẹ lên đỡ đần việc nhà cửa, cơm nước thì rất mừng.

Sau bao ngày trông ngóng, cháu trai cũng ra đời. Mẹ thỏa sức bế ẵm, chăm sóc. Con dâu còn trẻ, vụng về, nên mẹ làm hết từ việc nhà đến nấu cơm bà đẻ, tắm trẻ, đêm cháu khóc bà cũng bế cho con dâu ngủ.

Sau ba tháng cữ, tình hình vẫn vậy, mỗi đêm bà vẫn thức ít nhất 1-2 tiếng để trông cháu. Nhiều khi đau lưng, mỏi vai gáy, thiếu ngủ nhưng mẹ vẫn không dám than nhiều, sợ con cái lo lắng hoặc cho rằng bà làm mình làm mẩy. Các con vì vậy cứ tưởng mẹ là “siêu nhân”, mặc nhiên mọi việc là phần mẹ.

Sáu tháng, con dâu đi làm lại rất yên tâm vì đã có mẹ chồng vừa tháo vát việc nhà, vừa khéo chăm cháu. Mẹ tặc lưỡi: “Chỉ cần cháu đích tôn khoẻ mạnh bụ bẫm, con cái đi làm về vui vẻ, có mệt tí cũng chẳng sao”.

Sau hơn hai năm sống ở chung cư cùng các con, mẹ đã quen với nếp sống trên này. Sáng dậy sớm đi tập thể dục với với các bà bạn. Rồi ghé qua chợ trước khi về nhà tiếp tục vòng quay việc nhà và trông cháu. Tuy làm việc luôn tay luôn chân nhưng được ở cạnh con cháu nên tinh thần mẹ rất phấn chấn. Mẹ cứ mong được ở cùng con lâu dài, đến khi con dâu sinh cháu thứ hai và lâu hơn thế nữa, mà chưa dám nói ra, bấm bụng chờ con mở lời.

Thế nhưng khi cháu đến tuổi đi học, con dâu bóng gió hỏi “Mẹ có nhớ nhà, nhớ bà con hàng xóm ở quê không. Bin sắp đi nhà trẻ, chắc bọn con cũng nên đưa mẹ về quê nghỉ ngơi sau thời gian vất vả chăm cháu”.

Mẹ im lặng một hồi rồi nói: “Mẹ không thấy vất vả lắm đâu, mẹ muốn ở với cu Bin thêm ít lâu chứ xa cháu bà nhớ lắm”. Con dâu định nói thêm gì đó nhưng con trai nháy mắt bảo thôi.

Đêm đó mẹ nghe thấy tiếng cự cãi lớn từ phòng các con. Giọng con dâu bực bội: “Em không thể ở cùng mẹ chồng mãi được, dù sao vẫn không thoải mái”. Giọng con trai trầm hơn nhưng đầy tức giận: “Lúc cần thì em đòi đón mẹ lên ngay, giờ con lớn rồi thì lại muốn mẹ về nhanh, sao em không biết thương mẹ ở một mình dưới đó cô đơn”. Mẹ mừng thầm con trai mẹ trưởng thành, biết nghĩ cho mẹ. Mẹ giả vờ như không nghe gì.

Nhưng mẹ không thể giả vờ không thấy cảnh hai con mặt nặng, mày nhẹ với nhau, cháu thì khóc lóc mè nheo vì bố mẹ không chơi cùng. Cuối cùng mẹ quyết định về quê. Con trai không đồng ý nhưng mẹ vẫn đòi về. Mẹ không muốn mình ảnh hưởng đến hạnh phúc của các con.

Về quê được vài tháng, mới dần ổn định nhịp sống một chút thì con dâu lại gọi điện ngọt nhạt nhờ mẹ lên trông cháu vì dịch dã phức tạp không dám cho đi học nữa. Mẹ nằm nghĩ ứa nước mắt, chả lẽ mẹ chỉ là “người giúp việc” lúc cần kíp mới được con đón chào, như “cơm nguội đến khi đói lòng”.

Nhưng con đã nói vậy, làm sao mẹ từ chối được. Hôm sau mẹ lại tất tưởi lên thành phố, không quên gói ghém bao nhiêu quà quê cho con cháu. Mẹ không biết đến lúc nào thì con sẽ lại mời mẹ về quê, nhưng thôi được tháng nào thì hay tháng ấy vậy.