Mẹ kế

(Dân trí) - Nhìn thằng bé nằm im trên giường bệnh, toàn thân nóng bừng, khắp người nổi đầy những nốt đỏ li ti, chị rơi nước mắt.

Đầu giờ chiều, nhà trường gọi điện đến báo nó bị ốm, không học được. Chị vội xin phép cơ quan, phóng xe máy đến trường đón nó về. Toàn thân nó nóng bừng, trên người thấy có nhiều nốt phát ban, chị vội đưa nó đến bệnh viện.

 

Nhìn cảnh chị chăm sóc và lo lắng cho nó trong bệnh viện, những ai không biết vẫn tưởng chị là mẹ đẻ. Thực ra chị chỉ là một người mẹ kế.

 

Những ngày đầu về làm dâu, làm mẹ kế của một thằng bé đã 13 tuổi là những ngày đầy khó khăn, vất vả đối với chị. Chị cố tạo ra một bầu không khí vui vẻ, gần gũi và cởi mở giữa hai dì con nhưng dường như nó càng xa cách chị.

 

Hỏi chồng, chị đi chợ, làm những món ăn mà hằng ngày nó vẫn rất thích. Ăn xong, chị vui vẻ hỏi "con có thích không?", nó chỉ lạnh lùng đáp "có ạ" rồi nhanh chóng về phòng, đóng chặt cửa.

 

Biết chị buồn, chồng chị nhanh ý an ủi: "Phải có thời gian cho con thích ứng, dần dần giáo dục nó em ạ". Chị lại nguôi ngoai.

 

Có lần, vô tình chị nghe được câu chuyên giữa nó và một đứa bạn hàng xóm. Thằng kia hỏi nó: "Dì cậu như thế nào?". Nó đáp lại rất lạnh lùng: "Cũng bình thường". Rồi nó bày tỏ suy nghĩ về mẹ kế theo ý của nó: Độc ác, ích kỷ, lại tham lam nữa.

 

Đêm đó chị thầm khóc. Sao lại bất công với chị như thế? Chị hạ quyết tâm phải thay đổi suy nghĩ của nó về chị bằng chính tình yêu thương.

 

Ai cũng nói chị dại. Có người ác mồm còn nói chị ngu: "Mới 27 tuổi đầu sao lại đâm đầu vào một người đàn ông đã ly dị vợ, lại còn phải nuôi một thằng bé đã 13 tuổi". Nhưng chị và anh rất yêu, hòa hợp và hiểu nhau. Người đàn ông như anh chẳng lẽ không được quyền hưởng hạnh phúc? Yêu anh, chị sẽ bù đắp cho anh và dành cho con anh tình thương yêu từ đáy lòng của chị. Nhưng… Với thằng bé chẳng hề đơn giản chút nào.  

 

Từ ngày bố mẹ bỏ nhau, nó vốn mải chơi và lơ đễnh. Những lần đôn đốc nó học bài, chị nhẹ nhàng nhắc nhở nó đừng quá ham chơi mà quên bài vở, nó lại bặm bạu, miễn cưỡng ngồi vào bàn học. Có lần thấy nó quá mải mê chơi game, chị nhắc nó đến giờ học bài, nó còn nổi khùng lên với chị. Tức quá, chị mắng nó vài câu, nó khóc. Chị hỏi nó có phải nó ghét chị lắm không, chị đã làm gì sai đến mức nó đối xử với chị như vậy. Thằng bé tức tưởi dốc hết những suy nghĩ của mình. 

 

Trước đây, nó cũng chăm học và vui vẻ lắm. Từ ngày bố mẹ không còn ở với nhau, nó cảm thấy rất xấu hổ và mặc cảm với bạn bè. Nó sinh lười và học kém. Học bài không hiểu nên nó càng sợ và chán học. Nó không thích bố lấy vợ mới vì như vậy bố sẽ không còn yêu thương nó nữa. Nó cũng lo sợ chị sẽ đối xử tệ với nó như trong nhiều phim nó được xem trên ti vi. Từ ngày về làm "mẹ" nó tới giờ, bây giờ chị mới thấy nó nói nhiều với chị như vậy. Chị khóc theo khi lắng nghe những suy nghĩ thực của nó. Chị nắm bàn tay còn dính đầy nước mắt của nó, lắng nghe tiếng lí nhí trong miệng thằng bé: "Con xin lỗi dì".

 

Từ lần đó, nó đã xoá đi bức tường ngăn cách giữa nó với chị. Lòng chị trở nên nhẹ nhõm và vui vẻ hơn. Gánh nặng trong lòng bấy lâu nay cũng đỡ phần nào. Chồng chị cảm thấy vui, yên tâm hơn và càng yêu chị hơn.

 

Chị kể cho nó nghe những câu chuyện về con gà, con chó… ở quê chị. Nó lắng nghe một cách rất thích thú. Một ngày nào đó, chị sẽ đưa nó về quê chị chơi để nó được chạy trên con đê làng, thả diều cùng mấy đứa trẻ đồng trang lứa. Chị muốn giúp nó lấy lại tuổi thơ trong sáng đã bị bỏ qua.

 

Chị giúp nó dần khắc phục được tính nhút nhát. Chị bày cho nó cách hoà đồng cùng các bạn trong lớp như thế nào. Tưởng tượng ra cảnh ở lớp nó chỉ thơ thẩn một mình trong  giờ ra chơi trong khi các bạn khác tụm năm tụm ba chơi trò này trò kia, chị càng thương nó.

 

Chị lắng nghe tất cả những gì nó nói. Ngay cả những điều thắc mắc về giới tính, về những điều tế nhị ở lứa tuổi vị thành niên nó cũng hỏi chị. Cách nhìn nhận và ứng xử với bạn bè, nhất là đối với bạn gái thế nào cho phải cũng đều là chị nói cho nó hiểu. Kỳ lạ, chị thấy mình như một người mẹ, đôi lúc lại như một người bạn thân thiết của nó vậy.

 

Chị vẫn mắng nó vì tội bừa bãi, chậm chạp trong cách chào hỏi hoặc ăn uống không biết để phần ai. Từ trước tới giờ cái gì ngon, bố đều dành cho nó cả. Nhà có hai bố con nên nó sinh ra tính ích kỷ. Song chị lại nhẹ nhàng chỉ cho nó thấy những cái sai của mình.

 

Ngày sinh nhật nó, hiểu mong muốn của nó, chị dành cho nó một bất ngờ đầy hạnh phúc. Chị mời mẹ đẻ nó đến cùng vui cùng. Hai bà mẹ bận rộn chuẩn bị chu đáo cho buổi sinh nhật, hạnh phúc của nó như được nhân đôi. Chị nhận thấy hình như chưa bao giờ nó vui như hôm ấy. Còn chồng chị, anh nhìn chị bằng ánh mắt đầy biết ơn và hãnh diện.

 

Dù có cao thượng đến mức nào, chị vẫn là một người đàn bà, biết ghen tuông và có những ích kỷ của riêng mình. Chị cũng không hiểu tại sao mình lại có thể mời "tình địch" tới nhà, nhưng nhìn thằng bé tràn đầy hạnh phúc, nhìn chồng chan chứa yêu thương, chị cũng thấy vui vui. Chị cười ghé vào tai chồng: "Cũng ghen đấy!".

 

Những ngày anh đi công tác, buổi sáng chị đưa nó tới trường. Mới tới ngã ba, còn cách trường nó một đoạn, nó đã đòi xuống đi bộ. Nó nói sợ chị đi làm muộn, nó đi tiếp đến trường được rồi". Nhưng chị hiểu, nó vẫn còn ngại, ngại sợ gặp bạn bè trong lớp, ngại chúng sẽ trêu nó. Không những không buồn, chị còn mỉm cười thầm nghĩ: "Đúng là trẻ con". Chị vẫn còn khoảng thời gian dài phía trước ủng hộ mình.

 

Cũng may nó chỉ bị dị ứng do thời tiết chuyển mùa nên hôm sau đã ra viện được. Có lẽ nó đã dần hiểu được tình cảm của chị dành cho nó là tình thương yêu chân thành xuất phát từ đáy lòng. Làm một bà mẹ kế tốt cũng không phải quá khó khăn như lúc đầu chị nghĩ. Chỉ khó với những ai không có một trái tim nhân hậu, lòng bao dung và sự vị tha.

 

Trước đây khi chưa cưới, chị vẫn lo sợ nó sẽ hỗn láo với chị, nhưng giờ, nhớ lại những gì chồng chị đã nói: "Nếu không yêu thương và không giáo dục thì bất kể đứa trẻ nào cũng sẽ hư, ngay cả với bố mẹ đẻ của mình" chị thấy thật đúng. Và chị thấm thía câu nói: "Muốn người khác đối xử tốt với mình, trước tiên hãy đối xử tốt với người ấy".

 

Bằng Lăng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm