Mẹ hãi hùng mỗi khi nhớ lại con sinh non ở tuần 26

Một người phụ nữ trẻ đã ngất lên ngất xuống khi hay tin đứa con đẻ non tháng của mình đã vĩnh viễn rời xa thế gian này sau những ngày nằm trong lồng kính. Vừa chứng kiến cảnh tượng ấy ở bệnh viện khi đến thăm người thân vào sáng nay, Hồng bất giác nhớ về quãng thời gian ấy...

Vừa mới hết thai kỳ tháng thứ 6, chuyển sang tháng thứ 7, cơ thể hồng đã phù lên, mấy đồng nghiệp nhắc nhở cô phải cẩn thận với triệu chứng này. Hồng mang chuyện ra hỏi mẹ chồng thì mẹ chồng lại cho rằng, phụ nữ bầu thường tăng cân nhanh nên mặt nở ra, mũi phình to... là lẽ thường tình. Bà còn ra sức trấn an: “ngày xưa mẹ chửa chồng con còn to hơn nhiều. nên con cứ yên tâm tẩm bổ cho cháu mẹ khỏe, đừng có lo xấu gì cả!”. Thấy mẹ chồng nói vậy, Hồng cũng thêm phần yên tâm.

Thật không ngờ, Hồng bị tiền sản giật, phụ nữ chửa bị phù người thì không hiếm nhưng ở Hồng còn có thêm hiện tượng đi tiểu ra đạm. Dù mới chỉ ở tháng thứ 7 nhưng bác sĩ đã chỉ định cô phải mổ lấy con ra ngay, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng đứa trẻ. thế là bé Sơ-ri chào đời khi mới 7 tháng tuổi, nặng hơn 1kg. Con bé không tự thở được nên phải cần đến máy thở, phổi cũng chưa phát triển đầy đủ. Bé cũng không ăn uống gì được vì cơ thể nhỏ bé vẫn chưa sẵn sàng. mắt chưa mở.

Hồng không thể tin được những gì đã xảy ra khi nhìn xuống cái bụng đã từng mang thai của mình rồi lại nhìn đứa bé đang nằm trong chiếc hộp kính đặt trước mặt. Thế giới của Hồng như ngừng lại khi cô nhìn vào đốm sống màu hồng bé tí xíu đó, thật đẹp nhưng cũng thật mong manh. Cơ thể bé nhỏ của con bị bủa vây bởi các ống dẫn, dây điện và máy móc hỗ trợ. Cho đến bây giờ, hồng vẫn không thể quên được cảm giác ấy - một cảm giác thật xót xa.

Những ngày sau đó, con của Hồng được chăm sóc trong phòng sơ sinh đặc biệt, nơi có những chiếc lồng kính để nuôi dưỡng trẻ sinh non. hàng ngày, hồng đều đặn qua căn phòng ấy, nhìn qua ô cửa kính, chứng kiến cảnh bác sĩ đang chăm sóc cho con mình mà cô trào nước mắt. Cô muốn được ôm lấy Sơ-ri, được ầu ơ hát ru con, được thay tã cho con dù việc đó từ trước đến giờ cô chưa một lần thực hiện. Cô tưởng tượng ra cảnh chắc cô sẽ lúng túng khi cuốn tã cho bé Sơ-ri nhưng mọi việc đều chỉ diễn ra trong suy nghĩ của cô mà thôi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hồng đã sốt cả đêm vì sữa về. nơi bầu ngực của cô, hai bầu sữa đang căng lên khi những giọt sữa non đầu tiên đã về mà bé Sơ-ri vẫn chưa thể tự bú được. Cô miên man nửa mê, nửa tỉnh, vừa đau vết mổ vừa đau tức ngực. nó hệt như cảm giác bất lực của cô khi nhìn qua căn phòng toàn kính trắng nơi bé Sơ-ri đang nằm.

Rồi Hồng cũng được ra viện, về nhà còn bé Sơ-ri vẫn phải nuôi trong lồng kính ở bệnh viện. Vì sức khỏe của Hồng không cho phép nên chồng cô cũng không cho cô hằng ngày vào viện thăm con, chỉ mình anh vào với Sơ-ri. Vì thế, Hồng càng sốt ruột. Cô lo lắng không biết con bé có thể khỏe mạnh về nhà với cô không, sau này, liệu con có bị dị tật gì không? Cô cảm thấy cô đơn trong căn nhà của mình khi mà mẹ từ viện trở về “tay trắng”, không có con về cùng.

Chiếc gối này, cái nôi này, cả những con thú bông nữa... tất cả đều trở nên vô nghĩa nếu không có Sơ-ri. Hồng đóng cửa không muốn nói chuyện với bất cứ ai. Điện thoại có nhiều cuộc gọi lỡ, cô không nghe máy. Hằng ngày, câu nói duy nhất Hồng cất tiếng đó là khi chồng cô trở về nhà: “Con thế nào rồi anh?”.

Sau 60 ngày ở bệnh viện, bé Sơ-ri được đón về nhà. Hồng cảm thấy mình như chết đi sống lại khi lần đầu tiên được ôm con vào lòng. Cuộc đời như có phép lạ vậy! Tạo hóa ban cho Hồng một thiên thần nhỏ và cũng muốn thử thách “tinh thần thép” của người mẹ trẻ. Hồng ôm con vào lòng và âu yếm: “Cảm ơn con đã đến bên mẹ!”.

Theo Hải Yến
Phụ Nữ Việt Nam