Mẹ chồng thích “nổ”
Không ít các ông bà muốn được “oai”, muốn được người xung quanh khen ngợi và ngưỡng mộ nên có tính như thế.
Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn tâm niệm “tốt xấu gì cũng là bố mẹ chồng mình” nên không muốn nói xấu các cụ. Vì không ở chung nên Ngân bảo: “Cứ nhịn cho qua chuyện thôi”. Mẹ chồng Ngân thỉnh thoảng đến thăm cháu, mua cho cháu ít quà nhưng “cho 1 lại kể đến 10”. Thành thử, Ngân thấy khó chịu và ấm ức.
Hôm mẹ chồng Ngân đến, cho cu Tý 10 nghìn đồng để mua bimbim. Thế mà ra hàng bimbim, bà kể là: “Tháng nào cũng mất cho nó 500 nghìn tiền bimbim”. Ngân nghe thấy vậy cũng chỉ biết thế thôi, chứ không lẽ cô lại “đôi co” với mẹ chồng hay đi thanh minh khắp lượt vì mấy đồng quà của bà cho cháu.
Lần khác, nhà Ngân lắp mới tủ bếp. Lúc xong xuôi, có chị nhà bên sang ngắm nghía rồi khen: “Bà nội cu Tý chiều con dâu ghê. Cho cả tiền sắm tủ bếp mới”. Ngân ngỡ ngàng không hiểu thì chị hàng xóm giải thích: “Hôm trước mẹ chồng em sang nhà chị chơi kể thế mà”. Ngân hỏi chồng thì anh xã bảo: “Có vay của mẹ đồng nào đâu. Thôi mẹ kể lể gì thì kệ mẹ. Người già mà”. Thú thật, lúc sắm tủ bếp, Ngân được mẹ chồng cho bộ đĩa mới ở nhà bà không dùng đến. Vậy mà bà lại đi kể với người ngoài là cho con dâu tiền đóng tủ bếp. Có khi ấm ức, Ngân nghĩ: “Hay lần sau mẹ mua gì cho cu Tý cũng không nhận nữa. Để đỡ tức khi nghe bà kể công”.
Đừng vội căng thẳng
Có mẹ chồng thích kể sai sự thật như Ngân sẽ không tránh khỏi ấm ức. Tuy nhiên không ít các ông bà muốn được “oai”, muốn được người xung quanh khen ngợi và ngưỡng mộ nên có tính như thế, chứ chưa hẳn mẹ chồng đã có ý hạ thấp hay coi thường con dâu. Ở vào hoàn cảnh này, con dâu có thể thủ thỉ: “Mẹ ơi, chị Nhàn hàng xóm nhà mình bảo là mẹ kể với chị ấy, mẹ cho cu Tý mỗi tháng 500 nghìn đồng mua bimbim”. Sau đó, xem xét thái độ và phản ứng của mẹ chồng. Phần lớn mẹ chồng sẽ chối nhưng cũng đừng “cố sống cố chết” để “lật tẩy” mẹ chồng. Các cụ rất sợ bị bẽ mặt trước con cháu. Cũng không nên kể với người khác là “mẹ chồng nói điêu” để tránh “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu cần thanh minh chỉ nên nhẹ nhàng: “Chắc mẹ em nhầm” hoặc “chắc chị nghe nhầm”...
Nếu chỉ là những lời “nổ” thông thường của mẹ chồng thì bỏ qua được nên bỏ qua. Suy cho cùng mẹ chồng cũng chỉ muốn được “vẻ vang” hơn trước mặt người khác thôi. Nhưng nếu khó chịu, có thể tâm sự với chồng để nhờ giúp đỡ. Hoặc mỗi khi được mẹ chồng cho cái gì thì nên có chồng làm chứng, tránh trường hợp bà cho ít nhưng lại bảo cho nhiều rồi sinh cãi cọ, xung đột sau đó.
Theo Ngọc Bình
Mẹ&Bé