Mẹ chồng quát “thạc sĩ mà phải đi đổ rác à?” khi thấy con trai làm việc nhà giúp vợ
(Dân trí) - Tôi bảo “rác dưới bếp đầy thùng rồi anh đi đổ rác giùm đi”. Không ngờ mẹ chồng vừa nghe xong đã la lên: “Cái gì, đến đổ rác mà con trai tôi cũng phải làm à. Thạc sĩ mà cũng phải đi đổ rác à?”.
Tôi và anh vốn ở gần nhà, có tình cảm với nhau từ thời cuối cấp ba. Sau đó anh đỗ Đại học, còn tôi thì trượt dù học lực khá. Vì gia cảnh khó khăn, mẹ mất, cha đi bước nữa, em thì còn nhỏ nên tôi không thi tiếp mà đi học nghề may. Tôi luôn nghĩ tôi và anh chỉ là thứ rung động tuổi học trò chứ về căn bản là không có gì phù hợp. Thế mà trong suốt mấy năm Đại học anh vẫn kiên trì yêu tôi. Rồi ra trường ổn định công việc là ngay lập tức đưa bố mẹ sang nhà tôi hỏi cưới.
Ai cũng nói rằng tôi ngoài vẻ ngoài có chút xinh đẹp ra thì không có gì bằng anh, cả về gia cảnh, học vấn. Chính vì vậy tôi càng yêu anh nhiều hơn, trân trọng tình cảm anh dành cho tôi nhiều hơn. Trong tình yêu, xinh đẹp, giỏi giang, sang giàu cũng không bằng may mắn. Hình như tôi đã từng nghe những lời như thế và tôi thấy nó đúng.
Sau khi cưới nhau anh đưa tôi lên thành phố, hai vợ chồng thuê nhà trọ mặt đường để tôi có thể mở một tiệm may nhỏ. Anh bảo thời đại này với tấm bằng Đại học cũng không ăn thua, anh muốn học lên Cao học, bằng cấp càng cao càng nhiều cơ hội kiếm tiền. Để có tiền cho anh đi học, chúng tôi bàn bạc tạm thời chưa sinh con, đợi anh học xong, kính tế ổn định rồi mới tính.
Hai năm anh đi học, tiền lương của anh không chi đủ, tôi nhờ tay nghề khéo nên khách đông, cày cục may ngày may đêm để có tiền trang trải cuộc sống. Sống chung rồi tôi mới nhận ra chồng tôi ngoài việc đi làm đi học ra thì không hề biết làm việc nhà. Anh nói từ nhỏ đã được cha mẹ bao bọc chỉ học và chơi, không phải động tay động chân việc gì. Nhờ anh làm gì cũng không nên, cuối cùng tôi vẫn phải làm lại. Anh bảo sau này anh kiếm được nhiều tiền sẽ thuê giúp việc cho tôi đỡ vất vả. Tôi nghĩ, thôi được cái này thì mất cái kia, anh học hành giỏi, không lo sau này khổ, còn việc nhà anh không giúp tôi vẫn đảm đương được.
Anh học xong thì tôi có bầu. Mọi khó khăn cũng dần qua, cuộc sống dần đi vào ổn định. Vì công việc anh hay đi sớm về khuya, tôi dù nghén lên nghén xuống vẫn phải tự một mình xoay xở. Đôi lần tủi thân trách anh, anh nói “anh lo kiếm tiền để còn lo cho con chứ, hay nghỉ việc ở nhà chăm sóc em?”. Câu nói ấy của chồng chỉ càng khiến tôi tủi thân nhiều hơn.
Tôi sinh con, mẹ chồng lên chăm. Hôm trước bà lên, hôm sau bà nói bà già rồi không được khỏe, không thức đêm được. Đêm con quấy khóc, tôi nhờ chồng dậy pha sữa, mẹ chồng bảo “nó đi làm cả ngày không cho nó ngủ tý à?”, chồng nghe mẹ nói vậy chắc thấy có lý nên không dậy.
Một hôm mẹ chồng đi chợ, bà hàng xóm bế cháu sang chơi. Bà bảo hình như mẹ chồng không ưa tôi, nói xấu tôi đủ điều, rằng tôi nhà nghèo, ít học, còn chồng tôi vừa đẹp trai, vừa giỏi giang, nay đã là thạc sĩ, rằng xưa bà không cho anh lấy tôi nhưng không hiểu tôi bỏ bùa mê thuốc lú kiểu gì mà anh mấy năm không dứt ra được nên phải cưới, rằng tôi “mèo mù vớ được cá rán”, chắc tu mấy kiếp kiếp này mới gặp được con bà. Đợt này bà lên chăm cháu cũng luôn thể xem tôi có biết đường ăn ở hay không? Bao nhiêu tủi hờn dồn nén bấy lâu, nay lại nghe được những lời này, dù là từ miệng người khác không biết đúng bao nhiêu phần trăm cũng khiến tôi ức chế.
Chiều hôm ấy chồng đi làm về đúng giờ xe đi gom rác. Tôi bảo “rác dưới bếp đầy thùng rồi anh đi đổ rác giùm đi”. Không ngờ mẹ chồng vừa nghe xong đã la lên: “Cái gì, đến đổ rác mà con trai tôi cũng phải làm à. Thạc sĩ mà cũng phải đi đổ rác à?”. Tôi nói thạc sĩ thì về nhà cũng là chồng, là cha, có luật nào không cho thạc sĩ đi đổ rác? Vậy là mẹ chồng khóc lóc bảo bà sinh con ra, nuôi con lớn khôn chưa bao giờ bắt nó làm gì, vậy mà nay “người ta” sai nó đi đổ rác. Rằng bà bỏ nhà bỏ cửa lên chăm con chăm cháu để nghe con dâu “trả treo”.
Chồng tôi từ hồi nào tới giờ không to tiếng với vợ, tự nhiên nay cũng sửng cồ lên, chắc đã được mẹ mình “tẩy não” từ trước: “Em ăn nói phải ý tứ. Em nên nhớ là mẹ già rồi còn phải lên chăm em đấy, chứ em làm dâu chưa chăm sóc mẹ được ngày nào đâu”. Chưa hết, anh còn nói tôi “quanh năm suốt tháng chỉ cắm mặt vào máy khâu, vào vải vóc, kim chỉ, không chịu đọc sách báo để mở mang tầm hiểu biết, lúc nào đầu óc cũng chỉ nghĩ đến việc cỏn con”.
Tôi nghe xong ức đến trào lệ. Cái bằng thạc sĩ của anh là do tôi cắm mặt vào máy khâu mới có tiền cho anh học. Số tiền chạy việc của anh cũng là do tôi ki cóp mà có. Vậy mà nay vì tôi vừa mới sinh chưa khỏe, chỉ nhờ anh đi đổ túi rác thôi mẹ con anh đã hùa nhau chỉ trích tôi, xem ra quãng đời về sau chắc cũng không mấy nhẹ nhàng sáng sủa.
Người ta thường nói “gái có công, chồng không phụ” nhưng lòng người đúng là không ai lấy thước mà đo. Tôi tưởng chồng tôi đã lựa chọn tôi nghĩa là anh yêu cả những thứ thuộc về tôi, nhưng nay trong mỗi lời anh nói cũng đã toát lên sự coi thường vợ. Tự nhiên tôi cảm thấy lo lắng về tương lai, cảm giác những niềm vui sẽ dần ít lại, thay vào đó là những bất ổn, hoang mang.
Dạo này tôi luôn cảm thấy ức chế vô cùng, cảm giác không muốn nói năng gì, và luôn trong tâm trạng sẵn sàng nổi cáu. Ngay cả những lúc con khóc quấy tôi cũng không muốn dỗ chỉ muốn đánh nó, bần thần xong lại thấy mình thật là một người mẹ độc ác, lại ôm con khóc. Có phải tôi đã mắc chứng trầm cảm như người ta vẫn nói hay không?
G. L