Mẹ chồng - nàng dâu: Sao đổi ngôi
Hà vừa mới lấy chồng, nhưng không có vẻ e thẹn hay sợ sệt của một cô dâu mới. Buổi sáng tỉnh dậy, mẹ chồng đã nấu bữa sáng xong xuôi. Chiều đi làm về, cơm nước cũng đã được mẹ chuẩn bị tươm tất.
Thứ Bảy, Chủ nhật, hai vợ chồng ríu rít dắt nhau đi ăn tiệm, mua cho mẹ một đồ ăn nhanh nào đó. Bạn bè Hà đến chơi, chào mẹ một câu qua loa rồi kéo nhau lên tuốt phòng Hà, giở đồ ăn, nói cười rôm rả.
Khi tôi thắc mắc, Hà chỉ cười: “Ôi dào, mẹ chồng em là người nhà quê, hiền lắm, lên đây còn sợ con dâu, vô tư đi”.
Nguyên nhân chính của chuyện con dâu lấn át mẹ chồng là vì các cô được làm chủ về mặt kinh tế. Các cô là người kiếm ra tiền, là người độc lập về tài chính, không bị phụ thuộc vào chồng. Thế là như một luật bất thành văn, trong hai người phụ nữ, mẹ chồng thành người đứng thứ hai.
Tôi đã từng nghe một câu chuyện khá đặc biệt về cô con dâu "dằn mặt" mẹ chồng. Nhà chồng có thói quen bỏ giấy vệ sinh vào trong một cái giỏ riêng rồi đi đổ. Thói quen này bắt nguồn từ thời cái nhà vệ sinh chưa hiện đại, hay bị tắc. Cho đến khi công trình phụ đã hiện đại rồi, nhưng bà mẹ chồng tính cổ, cẩn thận, ăn chắc mặc bền vẫn bắt cả nhà theo nếp cũ, nói là để giữ gìn, "của bền tại người". Tuy nhiên, cô con dâu mới về lại không chịu được. Kỳ lạ là không ai nói với ai.
Chỉ có cuộc chiến âm thầm. Cái giỏ cứ biến mất, rồi lại xuất hiện tùy thuộc vào một trong hai người phụ nữ ai ở nhà. Thế rồi, cô con dâu lên cơn nôn ọe, phải đi bệnh viện, nghe đâu bác sĩ nói bị động thai.
Về nhà, mỗi khi vào đến phòng vệ sinh, cô lại xanh xám mặt mày, nói không chịu được sự mất vệ sinh. Bệnh tật cũng từ đó mà ra. Không cẩn thận không giữ được đứa con. Cuối cùng, bà mẹ đành phải chào thua.
Có nhiều trường hợp, cô con dâu đáo để, mưu mẹo, lôi kéo về phe mình nào chồng, nào con. Mẹ lại chỉ có một đứa con trai độc nhất, chỉ có một đứa cháu cưng, chiến tranh với con dâu đồng nghĩa với việc mất tất cả. Nên đành phải chung sống hòa bình. Thậm chí phải lấy lòng con cho nhà cửa ấm êm.
"Mẹ đâu mẹ của riêng anh, mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi" Câu thơ của nữ sỹ Xuân Quỳnh phần nào nói lên được điều: Ai trong lòng cũng có một tình cảm rất thiêng liêng dành cho đấng sinh thành của mình, nhưng sao với mẹ chồng lại không thể?
Ai đã sinh ra cho mình, nuôi dạy người đàn ông để mình yêu và hạnh phúc, là cha của các con yêu quý của mình? Lẽ nào đó không phải là cái ơn trời bể? Đó là chưa kể đến khi nhìn thấy mẹ đau khổ vì chính hạnh phúc của mình, những người con trai có vui vẻ được không?
Hoặc giả có vui vẻ thì những người đàn ông bất hiếu ấy cũng còn đáng trân trọng không? Còn những bà mẹ, sao không nghĩ rằng, cái đích cuối cùng là nhìn thấy các con hạnh phúc. Gia đình các con tan đàn xẻ nghé thì dù có giữ được trái tim con, nhưng là một trái tim đau đớn thì chắc rằng chiến thắng cũng là vô nghĩa. Có những thứ khi được chia sẻ, giá trị nhân lên gấp bội lần. Tình yêu thương cũng vậy.
Theo Khoa học & Đời sống