Mẹ chồng nằm liệt dùng “chiêu độc” trị con dâu bất hiếu
Mẹ tôi năm nay 60 tuổi. Cách đây 5 tháng, bà bị tai biến mạch máu não. Sau một thời gian điều trị, mẹ tôi xuất viện về nhà với di chứng liệt nửa người khiến cuộc sống của bà vô cùng khó khăn, đau đớn.
Bố tôi mất cách đây 3 năm. Mẹ tôi sống cùng con trai, con dâu và 2 đứa cháu nội trong căn nhà mặt phố bố mẹ tôi mua từ ngày ông bà còn trẻ. Em trai và em dâu tôi dùng tầng 1 của ngôi nhà để mở cửa hàng. Công việc kinh doanh rất thuận lợi.
“1 mẹ già bằng 3 người ở”, khi còn khỏe, mẹ tôi hết lòng giúp đỡ con. Bà chăm cháu, đi chợ, nấu cơm, làm hết việc nhà để con trai và con dâu lo làm ăn buôn bán. Tôi lấy chồng cách nhà đẻ gần 30km nên chỉ thỉnh thoảng ghé qua thăm mẹ. Thương mẹ vất vả, nhiều lần tôi khuyên bà nghỉ ngơi nhưng bà gạt đi, coi việc giúp đỡ con cái là niềm vui lớn nhất lúc tuổi già.
Vậy mà khi mẹ tôi bị tai biến, em trai và em dâu tôi rất thờ ơ, đùn đẩy trách nhiệm và không tận tâm chăm mẹ. Suốt thời gian mẹ tôi nằm viện, tôi là người túc trực bên bà, vợ chồng em trai tôi kiếm cớ bận công việc, chỉ ghé qua thăm mẹ vài lần.
Đến khi mẹ tôi ra viện, sau khi bàn bạc, thống nhất với em trai và em dâu, tôi thuê một người giúp việc để chăm bà, trả lương cho họ 5 triệu đồng/ tháng. Trong đó, tôi góp vào 2 triệu đồng/tháng, coi như một phần trách nhiệm của người con.
Mẹ tôi bị liệt nửa người bên trái nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo, minh mẫn. Phải nằm một chỗ, bà rất buồn phiền, đau khổ. Lần nào tôi sang thăm, mẹ tôi cũng khóc. Bà vừa buồn vì bệnh tật, vừa buồn vì cách cư xử của con trai và con dâu.
Từ khi mẹ tôi phải nằm liệt, vợ chồng em trai tôi phó mặc bà cho người giúp việc, có khi cả ngày không hỏi mẹ 1 câu. Vì bà phải vệ sinh trên giường nên em dâu tôi sợ bẩn, không cho cháu nội gần bà. Khi bà đi vệ sinh, ăn uống vương vãi thì em dâu tôi cáu gắt, nói những lời nặng nhẹ khó nghe. Em trai tôi bênh vợ chằm chằm, khi tôi phê phán em dâu, nó gạt đi và nói: “Bà như thế ai mà chịu được, chị sống cùng xem có sợ không?”.
Những ngày người giúp việc nghỉ làm, tôi phải sang chăm mẹ vì em trai, em dâu tôi kiếm cớ bận việc, không chịu thay bỉm và vệ sinh cho bà. Thậm chí có khi 1 giờ chiều, em dâu tôi vẫn chưa cho mẹ ăn trưa. Khi tôi hỏi, em dâu tôi tỉnh bơ đáp: “Em quên mất. Chị đi mua cháo mà đút cho bà”. Tôi giận quá, mắng cho em dâu một trận thì em trai tôi lớn tiếng: “Vợ chồng tôi chỉ có thế thôi. Chị giỏi thì sang chăm bà. Mà chị đưa được bà đi thì càng tốt. Vợ chồng tôi chán lắm rồi”. Càng ngày, thái độ vợ chồng em trai tôi càng ngang ngược khiến tôi ức chế vô cùng.
Thương mẹ, tôi cố gắng thu xếp công việc gia đình, thường xuyên qua lại để bà đỡ tủi. Cũng may chồng tôi là người hiểu biết nên rất thông cảm cho vợ, có thời gian anh còn sang chăm mẹ cùng tôi.
Mới đây, mẹ tôi nghe thấy em dâu tôi nói với chồng: “Không biết bao giờ bà mới chết? Bà chết thì vợ chồng mình mới hết khổ. Nghe nói bệnh này sống rất dai”. Mẹ tôi khóc rất nhiều. Nhưng thay vì suy nghĩ tiêu cực, bà nói: “Đến nước này, mẹ phải trị chúng nó thôi”.
Nói là làm, mẹ nhờ tôi mời luật sư đến nhà, trước mặt vợ chồng tôi và vợ chồng em trai, bà tuyên bố sẽ di chúc toàn bộ tài sản, trong đó có căn nhà đang ở cho tôi. Bà cũng nói rõ lý do bà làm thế. Nghe xong, vợ chồng em trai tôi chết lặng, mặt mũi tái mét, không nói được câu nào.
Di chúc đã được thảo, vị luật sư ra về tôi mới nói: “Thực lòng, tôi không tham tiền, tôi cũng không muốn đuổi cậu mợ và các cháu ra đường để chiếm căn nhà. Nhưng cách cậu mợ cư xử với mẹ tôi không chấp nhận được. Nếu cậu mợ suy nghĩ lại, đối đãi với mẹ tử tế, tôi sẽ từ chối quyền thừa kế và vẫn để cậu mợ sở hữu ngôi nhà”. Vậy là em trai và em dâu tôi vội vàng xin lỗi mẹ, xin lỗi chị và hứa từ nay sẽ không dám hỗn hào.
Đã 2 tháng kể từ ngày mẹ tôi lập di chúc, thái độ của vợ chồng em trai tôi thay đổi hẳn. Chúng quan tâm và chăm sóc mẹ tôi chu đáo hơn. Bệnh tình của mẹ tôi cũng có vẻ thuyên giảm. Bác sĩ nói nếu mẹ tôi kiên trì tập luyện, có thể bà sẽ đi lại được bình thường.
Vẫn biết, sự quan tâm tới mẹ của vợ chồng em trai tôi xuất phát từ lòng tham vật chất. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng khi cận kề bên mẹ, thấy rõ sự đau đớn của bà, chúng sẽ tỉnh ngộ và thương mẹ nhiều hơn.
Theo Phương Ngọc (Ghi)
Dân Việt