Mẹ chồng giành phần chăm cháu

Đang háo hức chơi lăn bóng với con trai, Đào ấm ức vì mẹ chồng chen ngang, bế bé sang chơi đám cưới nhà hàng xóm.

 
Mẹ chồng giành phần chăm cháu - 1




Ai cũng bảo Đào sướng vì sinh con ra, “đẩy” cho bà nội trông, cả ngày đi làm chẳng phải lo gì.

 

Đêm hôm bé quấy khóc, Đào cũng không phải thức. Cu cậu đã quen ngủ cùng bà, thậm chí “ti bà”, chứ chẳng thiết tha “ti mẹ”.

 

Mẹ chồng Đào yêu cháu. Vì thế, hai bà cháu không rời nhau nửa bước. Tuy nhiên, chính điều đó khiến Đào ấm ức. Nhiều khi, cô có cảm giác như mình bị “đoạt” mất con.

 

“Muốn chơi với con một lúc vào buổi tối cũng không được vì bà sẽ giành phần bế ra ngoài chơi mất. Ngày nghỉ, ở nhà cho con ăn, cho con ngủ cũng không xong vì bà đã quen với việc này. Cu cậu quấn bà lắm, lại hay được bà cho ngồi xe đẩy đi chơi nên càng thích” - Đào tâm sự.

 

Bé nhà Đào thấy mẹ đi ra ngoài, thờ ơ như không. Thế mà chỉ cần bà nội vào nhà vệ sinh, cu cậu cũng khóc ré, đòi “bám đít”. Đi đâu, Đào cũng nghe mẹ chồng than thở: “Mẹ nó đi làm cả ngày, đoái hoài gì đến thằng bé đâu. Đấy, nó có thèm theo mẹ đâu” khiến Đào nhiều lần tủi thân đến phát khóc.

 

Cũng có cảm giác bị mẹ chồng “giành” mất con là Duyên (Long Biên, Hà Nội). Lúc cho con ăn, chơi với con hay chọn quần áo mặc cho bé, Duyên cũng bị mẹ chồng “có ý kiến”. Đêm đang ngủ mà nghe tiếng cháu quấy, bà nội mở cửa phòng xông vào dỗ dành. Cụ còn cằn nhằn con dâu không biết chăm con, làm mẹ mà không biết dỗ con... khiến Duyên tự ái.

 

Những lúc bé nhà Duyên có cái bánh, Duyên chìa tay giả vờ xin nhưng thằng bé lon ton chạy ra đưa cho bà nội, cô lại chạnh lòng.

 

Nên coi đó là niềm hạnh phúc

 

Những người lần đầu làm mẹ luôn muốn dành trọn tình cảm và công sức cho con của mình. Vì thế, nhiều người dễ có cảm giác tổn thương khi thấy con quấn quýt với bà hơn với mẹ. Trong khi đó, con dâu có thể xung đột với mẹ chồng về cách chăm con nên càng chồng chất thêm ấm ức.

 

Ở vào hoàn cảnh này, cần ghi nhận thành ý của mẹ chồng. Các cụ muốn chăm cháu là vì thương cháu, lo cho con. Dĩ nhiên có một số ít mẹ chồng muốn giành quyền chăm cháu vì không tin vào khả năng làm mẹ của con dâu hoặc có thành kiến với con dâu từ trước nên muốn lôi kéo cháu về phía mình.

 

Va chạm về cách chăm con - chăm cháu dễ dàng được điều chỉnh nếu cả hai phía biết cởi mở và thông cảm cho nhau. Nếu mẹ chồng tâm lý thì tình yêu con thương cháu của bà nên được con dâu trân trọng. Tất nhiên, con dâu có thể chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của mình để mẹ chồng hiểu. Có thể thu xếp thời gian hợp lý để chăm con và xin ý kiến từ mẹ chồng. Bởi vì người già rất thích được truyền đạt kinh nghiệm cho lớp trẻ.

 

Nếu cạnh tranh ngấm ngầm thì có thể gây rạn nứt tình cảm mẹ chồng - nàng dâu. Hơn nữa, nó còn khiến việc chăm con - chăm cháu không được thoải mái. Điều này không có lợi cho sự phát triển của các bé.

 

Theo Ngọc Bình

Mẹ và bé