Mẹ chồng dễ tính, con dâu dễ “hư”
Chồng đã dặn: “Em nhớ về sớm, hôm nay mẹ ốm, lại chỉ có một mình”. Nhưng hết giờ làm, chị đồng nghiệp rủ đi xem hàng hạ giá, thế là Hòa hăm hở đi luôn, quên cả mẹ chồng ốm sốt đang nằm nhà một mình.
Sau đó, bà kể cho Hòa nghe đủ thứ chuyện ngày xưa làm dâu của bà, cả chuyện Long - chồng Hòa hồi trước yêu cô này, cô khác… Nhà neo người (vì bố chồng Hòa mất sớm) nên sau khi kết hôn, cô càng được mẹ chồng quý mến.
Thỉnh thoảng, mẹ chồng Hòa được con cháu ở xa về thăm, biếu cho ít tiền. Sau mỗi lần như thế, bà lại gọi Hòa vào phòng, nói nhỏ: “Mẹ già rồi, không chi tiêu gì. Con cầm lấy tiền mà lo sinh hoạt”. Những lần Hòa muốn đưa mẹ chồng đi sắm quần áo hay sắc vài thang thuốc bắc, bà lại gạt đi bảo: “Thôi, con để tiền mà lo sinh nở về sau. Mẹ không cần đâu”.
Được mẹ chồng chiều, lại thêm chồng tính tình dễ dãi, Hòa sinh hư. Trong khi những nàng dâu khác khổ sở vì cảnh “mẹ chồng - nàng dâu” thì Hòa luôn được tự do sinh hoạt theo ý muốn.
Trang (Đông Anh, Hà Nội) đang phải hối hận vì “lỗi” đã gây ra với nhà chồng. Nguyên nhân mọi chuyện cũng là do Trang được mẹ chồng yêu thương như con gái ruột nên cô sinh tâm lý chủ quan, thích làm theo ý mình.
Giai đoạn sinh con, Trang được gia đình nhà chồng đồng ý cho về bên ngoại 3 tháng. Đến hẹn, Trang được bố mẹ chồng sang tận nơi đón về nhưng cô giãy nảy, bảo: “Con ở lại đây thêm một thời gian nữa”.
Mẹ chồng Trang có vẻ dỗi. Bằng chứng là khi cả nhà dọn cơm mời thì ông bà xin phép về trước. Trang vô tâm đến nỗi, trong suốt thời gian ở cữ bên ngoại, cô không một lần gọi điện hoặc ghé về nhà thăm hỏi sức khỏe bố mẹ chồng (dù hai gia đình cách nhau vài cây số). Mỗi tuần một lần, chồng Trang lại tạt qua nhà thăm hai mẹ con.
Hết 6 tháng, Trang ôm con về bên nội nhưng không ngờ, chính lúc này, cô lại bị mẹ chồng “quay lưng”. Chẳng hiểu, anh chị em nhà chồng (cũng sinh sống gần đó) thêm mắm muối kiểu gì mà mẹ chồng Trang tuyên bố: “Tôi đi đón mà cô không về, thì thôi, khỏi cần về nữa”. Giờ, Trang vẫn phải tá túc bên nhà ngoại để mong mẹ chồng bớt giận.
Không nên vô tâm với mẹ chồng
Với nhóm mẹ chồng dễ tính, hiền hòa, con dâu càng dễ trở nên vô tâm, muốn gì làm nấy. Nếu chuyện này kéo dài (như giọt nước làm tràn ly) thì mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu sẽ khó cứu vãn nổi.
Dù yêu thương con dâu đến mấy, mẹ chồng vẫn cứ là mẹ chồng. Nghĩa là mẹ chồng không dễ gì mà bỏ qua tội lỗi của con dâu như mẹ đẻ. Mẹ chồng có thể bỏ qua lỗi hơi vụng về, không khéo chuyện bếp núc cho con dâu nhưng sẽ không thể chịu nổi khi con dâu vô tâm. Tính cách vô tâm lâu ngày sẽ trở thành thói ích kỷ. Lúc đó, con dâu chỉ biết cái lợi cho bản thân mình mà không lo nghĩ đến vai trò và trách nhiệm với gia đình chồng. Chính điều này sẽ khiến con dâu lâm vào tình huống khó xử khi bị mẹ chồng dỗi.
Dù thế nào, con dâu cũng tuyệt đối tránh tâm lý chủ quan (nghĩ mẹ chồng sẽ bỏ qua hết cho mình). Thay vào đó, nên duy trì tình cảm với mẹ chồng bằng cách trò chuyện cùng bà hàng ngày. Nhu cầu giao tiếp ở người già khá cao, nhất là trong hoàn cảnh nhà neo người. Dù có bận bịu công việc đến mấy, con dâu cũng nên sắp xếp thời gian để trò chuyện với mẹ chồng.
Dù có được mẹ chồng tranh hết việc nhà thì con dâu cũng nên nhiệt tình giúp sức. Bởi vì, nếu phải làm quá nhiều việc, mẹ chồng sẽ nảy sinh tâm lý bị cô độc và dỗi lại con dâu.
Ngoài ra, con dâu cũng cần chú ý:
- Biết tôn trọng mẹ chồng và gia đình nhà chồng. Dù nhà chồng có thoải mái đến mấy, con dâu cũng nên hỏi ý kiến người lớn và chồng mình khi định làm một việc gì đó. Điều mẹ chồng ghét nhất là bị con dâu coi thường, qua mặt. Cho nên, con dâu cần tránh tình trạng thích gì làm nấy, thích đi đâu thì đi…
- Biết giữ hòa khí với họ hàng bên nhà chồng và hàng xóm: Khi đã kết hôn, người vợ không chỉ sống chung với chồng mà còn kéo theo một loạt các mối quan hệ lằng nhằng khác từ nhà chồng. Nếu không khéo cư xử, con dâu có thể nhận được những lời nhận xét bất lợi từ họ hàng. Chính điều này sẽ tác động và khiến mẹ chồng thay đổi tình cảm với con dâu.
Theo Ngọc Bình
Mẹ và bé