Mẹ chồng “bề trên” với mẹ đẻ

(Dân trí) - Bà nội Tít hơn bà ngoại 2 tháng nhưng là năm trước - năm sau nên tính ra hơn 1 tuổi.

 
Mẹ chồng “bề trên” với mẹ đẻ  - 1


Hôm đầu tiên bà ngoại đi tàu hỏa đến, bà nội ở mãi tầng 3 tập dưỡng sinh. Con dâu lên tận nơi thưa: “Mẹ con mới đến mẹ ạ”, bà nội “ừ” một tiếng rồi tiếp tục quay sang múa kiếm. Bà ngoại ở dưới phòng khách, biết bà thông gia trên tầng 3 hì hụi leo lên tận nơi chào. Vài lần sau cũng thế, bà ngoại luôn là người phải tìm bà nội để chào hỏi trước. Mãi sau con dâu mới biết do mẹ chồng nghĩ: “Mình nhiều tuổi hơn, mình là “bề trên” thì phải được chào trước”.

 

Thương bà ngoại quá mới bảo: “Thôi bà cứ ở quê, con tìm người trông cu Tít để đi làm cũng được”. Bà ngoại gạt ngay: “Cứ để mẹ trông. Khi nào cu Tít lớn gửi trẻ được thì mẹ về”.  Bà nội đã nói từ trước là không trông được Tít vì bà đau khớp, thái củ su hào trên thớt, bà cũng tê bàn tay.

 

Bà ngoại lên trông cháu mà không lời kêu ca vì tính “bề trên” của bà nội. Mỗi bữa, bà ngoại luôn là người mời cơm trước. Nếu không, bà nội cứ việc ăn trước mà khỏi mời chào. Ăn xong, bà ngoại lấy tăm, mời nước bà nội. Hoa quả, bánh trái bà ngoại phải bưng tận phòng bà nội mời.

 

Thỉnh thoảng, bà nội kể lể với hàng xóm: “Chi tiêu trong nhà toàn tiền của tôi” trong khi tháng nào con dâu cũng đưa tiền sinh hoạt đầy đủ cho mẹ chồng. Cơm nước con dâu cũng tự mình quán xuyến, chỉ có bữa trưa là ông bà nội ăn riêng tầng dưới, bà ngoại với Tít ăn riêng tầng trên. Nhà 2 tuần thuê người lau dọn một lần. Có lần, thấy bà ngoại nén lau nước mắt vì nửa đêm Tít quấy, bà nội dưới nhà nói vọng lên: “Bà không dỗ nó à? Có còn cho ai ngủ nữa không?”.

 

Lấy chồng mới thấy xót thương bà ngoại quá. Thế mà cả chục lần bảo bà về quê, sẽ có người khác trông Tít bà không chịu. Bà sợ Tít lười ăn, không có bà bón bột hàng ngày là không chịu. Mấy hôm bà về dự hội làng, bà nội bón cho cháu được mươi thìa thì nản. Chiều về thấy còn lưng bát bột đã vữa. Thế mà khi bà ngoại lên, Tít ăn khỏe ngủ ngoan ngay. Đúng là bện hơi bà.

 

Chẳng biết sau này có đủ tình yêu con yêu cháu như bà ngoại không?

 

Trang Nhung