Mất quyền nuôi con oan uổng
Hơn 10 năm trước, chị Mai Khanh từ Khánh Hòa vào TPHCM học đại học rồi phát sinh tình cảm với anh Quang Nhựt, hơn chị tám tuổi, nghề nghiệp ổn định, lại là dân thành phố chính gốc.
Độc lập về kinh tế là điều kiện then chốt để người phụ nữ tự bảo vệ mình và con.
Do chị Mai Khanh sớm có “tin vui” nên họ nhanh chóng tổ chức cưới. Vì “đại hỷ” ngoài dự kiến này, chị đành phải dở dang năm cuối đại học. Sau khi kết hôn, chị về ở nhà chồng.
Lúc con trai hai tuổi, anh Quang Nhựt bắt đầu đi sớm, về khuya. Đến lúc con trai bốn tuổi và có dấu hiệu tự kỷ thì vợ chồng gần như sống ly thân, lý do anh Nhựt nêu ra là để vợ thuận tiện chăm sóc “thằng nhỏ không giống ai” này.
Trong khi chị Khanh và con ru rú ở tầng hai cả ngày, người chồng mặc sức tự tung tự tác ở tầng trệt. Tình cảm nguội lạnh, cộng thêm bao lo toan cho đứa con tự kỷ, chị chẳng còn hơi sức nào để ý xem chồng mình đang làm gì, cặp kè với ai.
Tự do như vậy vẫn chưa thỏa lòng, anh Nhựt vẫn đâm đơn ra tòa xin ly dị. Biết mình “dưới cơ” chồng trong việc đề nghị được nuôi con vì không nghề nghiệp, không tiền, cũng không chốn nương thân nên chị đã cố tìm được việc làm, đem theo con về sống chung với mình ở nhà trọ trước khi có thư mời của tòa án. Nhưng, cố gắng cách mấy, chị cũng chỉ kiếm được hơn hai triệu đồng/tháng.
Ngày ra tòa, chị thành thật nêu nguyện vọng muốn nuôi con và nhờ chồng cấp dưỡng hai triệu đồng/tháng vì một nửa thu nhập của chị đã tiêu tốn cho tiền thuê nhà trọ. Anh Nhựt chẳng hiểu sao cũng khăng khăng đòi quyền nuôi con. Cuối cùng, tòa xử giao con cho anh Nhựt vì anh có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, nhà cửa ổn định, mẹ ruột sống chung nhà sẵn sàng nuôi cháu nội. Chẳng những không được nuôi con, chị Mai Khanh gần như tay trắng bước ra khỏi căn nhà ba tầng khang trang ấy vì người chồng đã chứng minh được đó là tài sản riêng của anh ta, tạo lập trước thời kỳ hôn nhân.
Qua kinh nghiệm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ khi ly hôn, luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Trưởng văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ số 6 - Bộ Tư pháp) chia sẻ: “Nhiều trường hợp dẫn đến ly hôn, lỗi bỏ bê gia đình hoặc quyết định ly hôn là do người chồng, nhưng người vợ vẫn mất trắng khi tranh chấp quyền nuôi con với chồng vì các chị không có nghề nghiệp, thu nhập ổn định, trong khi điều kiện của người chồng tốt hơn hẳn”.
Khi kết hôn, không ai muốn cảnh phải “tan đàn, sẻ nghé” nhưng việc tạo cho mình sự độc lập về kinh tế là điều kiện then chốt để người phụ nữ tự bảo vệ mình và con cái một khi chuyện không hay xảy ra, đừng để hoàn toàn phụ thuộc vào chồng, có thể sẽ hối hận không kịp”.
Theo PNO