“Mất gốc” vì yêu

(Dân trí) - Cuộc sống luôn đòi hỏi sự thay đổi để thích nghi với môi trường mới nhưng với một số bạn trẻ, vì yêu mà thay đổi đến mức không còn là mình thì phần nhiều phải trả những cái giá không hề rẻ.

"Hòa nhập đến mức hoà tan"

 

Cả gia đình đều làm kinh doanh nên dù Bằng thi ĐH 2 năm mới đậu thì cả dòng họ của cô ở Nghệ An cũng mừng húm vì từ nay thoát khỏi tiếng “thất học”. Bao tiền của được dồn cho cô để những mong cả nhà “mát mặt”.

 

Chân ướt chân ráo ra Hà Nội nhưng nhờ tính khôn vặt truyền thống của gia đình, Bằng không choáng ngợp trước sự ồn ào của phố thị, ngược lại cô hòa nhập rất nhanh và mau chóng “chăn” được một anh người Hà Nội.

 

Yêu và kết bạn với người thủ đô chả lẽ vẫn giữ nguyên những nét “bản địa”. Vì thế, bao tiền của đầu tư cho ăn học của gia đình được Bằng đổ dồn vào cuộc “đại tu” nhan sắc và những buổi đi mua sắm, ăn uống để chứng tỏ mình chẳng thua kém ai. Ngay cả giọng nói đặc sệt xứ Nghệ cũng được cô đổi bằng giọng lơ lớ miền Bắc cho hoà nhập với đám bạn của người yêu.

 

Hoà nhập thôi chưa đủ, cô còn muốn hoà tan. Cái tên Bằng giản dị làm cô không hài lòng vì có vẻ “quê quê”. Sẵn tên đệm là Lan, Bằng yêu cầu bạn bè không được gọi cô bằng tên “cúng cơm” nữa mà phải gọi bằng Lan cho sành điệu.

 

Chưa hết, bố mẹ họ hàng từ quê ra cũng được Bằng tập huấn cho thành người Hà Nội để “bạn con đỡ cười”. Nghĩ đến tương lai con gái sắp làm dâu thủ đô, trước mặt chàng rể tương lai, bố mẹ Bằng đành miễn cưỡng bỏ giọng “chi mô răng rứa” để nói tiếng thanh lịch của người Tràng An.

 

Thành dâu Hà Nội hay không chưa rõ, nhưng chỉ sau nửa năm Bằng đã theo chân nhiều cô gái vào bệnh viện phá thai vì nghe lời người yêu “Ở đây, đôi nào cũng thế”.

 

Đương nhiên, khi “no xôi chán chè” với một người quá dễ dãi như vậy thì chẳng ai còn muốn rước. Bố mẹ Bằng biết chuyện dù phẫn uất cũng chẳng dám làm ầm vì sợ “tiếng lành đồn xa, tiếng xấu đồn xa” do đã trót tự hào, “rao” khắp thiên hạ về cô con gái học cao nhất của cả họ.

 

Chối bỏ gia đình

 

Không chỉ thay đổi ngoại hình, giọng nói để thành người thủ đô như Bằng mà Chung còn sẵn sàng từ bỏ gia đình để có được vị trí như mong muốn.

 

Chăm chỉ, học giỏi nên tốt nghiệp đại học, Chung được chuyển thẳng lên cao học. Những lần đến nhà thầy giáo hướng dẫn luận văn, anh vô tình lọt vào mắt xanh của Loan - con gái cưng vị Giáo sư nổi tiếng.

 

Đánh giá cao tài năng của Chung, gia đình cũng neo người nên khi biết chuyện của đôi bạn trẻ, vị giáo sư khó tính cũng gật gù khen con gái có con mắt tinh đời.

 

Chỉ có điều, gia đình Chung không những không trí thức mà còn làm nghề không lấy gì làm vinh dự cho lắm, nếu không muốn nói là so với gia đình Loan thì chẳng “môn đăng hộ đối”. Và đương nhiên vị giáo sư kia cũng chẳng vui vẻ gì nếu những Tiến sĩ này, Phó giáo sư khác biết ông làm thông gia với một gia đình xe ôm và buôn bán vặt ngoài chợ.

 

Chia tay thì Loan - Chung không đành lòng. Thế là, để vẹn cả đôi đường, đám cưới Chung phải đi thuê người đóng vai  bố mẹ chàng cho trí thức và thưa với bạn bè của bố vợ là nhà trai sẽ tổ chức đám cưới ở quê sau.

 

Chỉ khổ cho bố mẹ Chung,  cả đời dành dụm tiết kiệm lấy tiền nuôi cậu con trai độc nhất ăn học, đến khi con cái công thành danh toại chẳng những không được đến dự đám cưới con trai mà có đứa cháu nội cũng không được thường xuyên chăm sóc vì nhà gái sợ “gần mực thì đen”.

 

Hoà nhập và thích nghi vào cuộc sống mới là tốt, nhưng hoà nhập đến mức hoà tan như Bằng hay không dám thừa nhận gia đình, quên đi công cha mẹ sinh thành dưỡng dục như Chung thì thật đáng trách. Bởi cuộc sống luôn có luật nhân quả - “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

 

Thanh Tâm