Mất cân bằng tài chính - mối hại của hôn nhân

(Dân trí) - Chồng chị An làm ra khá nhiều tiền. Chị An cũng tốt nghiệp đại học đàng hoàng nhưng sau khi kết hôn anh đề nghị chị ở nhà lo chăm sóc con cái và bếp núc. Chị đồng ý vì mình có đi làm cũng chỉ bằng phần lẻ dư ra của chồng...

 

 

Mất cân bằng tài chính - mối hại của hôn nhân - 1


Anh rất yêu vợ thương con, dù bận bịu nhưng vẫn cố dành thời gian về ăn cơm tối, dành thời gian để cả gia đình đi chơi vào thứ bảy, chủ nhật hay những ngày lễ tết. Anh còn thường xuyên mua tặng vợ món đồ này đồ kia. Về khoản đó có lẽ chị An chẳng trách cứ gì được anh. Duy có điều…

 

Anh quản lý tiền vợ quá chặt

 

Cách thương vợ của anh rất khác. Anh lo cho vợ cuộc sống tiện nghi đầy đủ không thiếu một thứ gì nhưng cũng lo luôn cả “tay hòm chìa khoá”. Chị cần gì anh sẽ đích thân đi mua hoặc đưa cho chị số tiền vừa đủ theo yêu cầu. Bạn bè chị bảo anh làm như thế phải chăng là không tin tưởng vợ? Nhưng chị lại nghĩ ai quản lý tài chính trong nhà không quan trọng, quan trọng là gia đình hạnh phúc, êm ấm.

 

Anh thả lỏng chuyện tiền bạc với con cái

 

Mọi chuyện xảy ra khi hai đứa con của chị đến tuổi biết tiêu tiền. Anh quản lý tiền chị chặt chẽ bao nhiêu thì lại rộng rãi với con bấy nhiêu. Annh sắm sửa cho chúng không thiếu thứ gì. Hễ đứa nào cần gì, yêu cầu gì anh đều cho tiền ngay. Chị có góp ý thì anh cho rằng “bố chúng làm ra tiền, không cho chúng tiêu thì còn cho ai! Với lại, chúng biết tiêu tiền thì sau này ắt kiếm ra tiền”. Chị tranh luận với anh rất nhiều và bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn.

 

Các con của chị đứa nào cũng nhận thấy sự rộng rãi của bố. Chúng so bì với nhau mua sắm đồ dùng, quần áo và xin tiền tiêu vặt. Chúng đổi mốt liên tục. Quần áo của chúng chị thường xuyên phải dọn đem cho. Việc học hành của chúng ngày càng chểnh mảng. Không còn cách nào khác chị yêu cầu anh chấm dứt tình trạng cho con tiền tiêu vô tội vạ.

 

Bị cô lập trong gia đình

 

Các con bắt đầu mâu thuẫn với mẹ vì bị quản lý chặt chẽ. Có lần chúng cãi chị: “Tiền là của bố, bố cho thì con tiêu. Mẹ đừng can thiệp”.

 

Mỗi lần anh chị to tiếng với nhau là bọn trẻ ngay lập tức đứng về phía bố, chỉ trích mẹ. Chúng tỏ ra coi thường mẹ, chỉ nghe theo lời bố.

 

Các con của chị tuy chưa hư hỏng thực sự nhưng học hành chẳng ra đầu ra đũa, ăn chơi học đòi và xa rời hẳn mẹ. Khi chị đề cập đến chuyện ly hôn chúng đồng loạt nói sẽ về sống với bố. Nỗi buồn đau và tủi thân của chị vì thế càng nhân lên gấp bội.

 

Chị cảm thấy cuộc sống của mình thực sự ngột ngạt và chẳng còn ý nghĩa. Chị muốn giải thoát khỏi cuộc sống này để làm lại từ đầu, được tự lập hơn, được làm chủ cuộc sống. Giá như ngay từ đầu chị kiên quyết không ở nhà như đề nghị của anh...

 Lan Tường