Mang tiếng sát chồng
(Dân trí) - Chị ngẩng mặt lên nhìn trời, nhếch mép cười, nụ cười bất cần và đầy… trêu ngươi số phận. Đôi gò má cao dưới ánh đèn lờ mờ vẫn như thách thức và trong đôi mắt kia, có một niềm hy vọng vẫn le lói. Chị tin, mình không phải là “gái sát chồng”.
Chị không đẹp, những đường nét trên khuôn mặt dường như chẳng có vẻ gì là ăn nhập với nhau. Bù lại, chị có một nét duyên “chết” người. Không rõ tuổi thật của chị là bao nhiêu, tôi chưa bao giờ hỏi vì người ta bảo là nên tránh hỏi tuổi của phụ nữ. Nhưng hình như chị đọc được những dòng suy nghĩ trong đầu tôi nên chẳng ngần ngại trả lời: “chị 37, già hơn tuổi phải không?”.
Trong câu nói của chị, hình như có cái gì đó chua chát, tôi không chắc lắm về điều này nhưng nhìn đôi mắt thoáng một nét buồn của chị, tôi đoán, chị đã có một thời con gái không hạnh phúc.
Chị bán trà đá ở đầu con ngõ nhỏ này khéo phải đến gần chục năm. Ngày tôi mới chuyển tới, lạ người, lạ đất, cả ngày đi làm, nhưng tới tối về, tôi lại chẳng biết đi đâu ngoài việc ngồi ở quán trà để nhìn ngắm người qua lại mà giết thời gian. Thế rồi, việc mỗi tối tìm tới quán trà nhỏ của chị trở thành thói quen lúc nào không biết. Những lúc khuya muộn, thấy chị một mình dọn hàng, tôi bất giác hỏi “chồng chị đâu, sao anh ấy không phụ chị dọn hàng? - “Chị làm gì có chồng mà phụ mới chả không phụ”.
Câu trả lời ngắn gọn thốt ra quá… thẳng thắn khiến tôi ngạc nhiên. Tôi không biết tên của chị, hình như cũng chưa bao giờ hỏi tên chị, nghe nói, chị tên Hạnh, nhưng là “bất hạnh” chứ không phải là “hạnh phúc”.
Tối nay, trời mưa rả rích, quán vắng khách lạ thường, chỉ có mình tôi và chị với ánh đèn đường hắt xuống lẻ loi, yếu ớt. Không gian như đông cứng lại, chầm chậm buồn khiến chị bỗng dưng thở dài, tiếng thở dài như nén lại từ rất lâu nay mới được trút bỏ. Chị lặng lẽ kể cho tôi nghe về chuyện đời mình.
Ngày đó, chị là một cô gái thôn quê dù không đẹp mặn mà nhưng lại chịu thương chịu khó. Cũng giống như bao người con gái khác, chị thầm giữ cho mình một mong ước riêng là lấy được người chồng như ý và sống thật hạnh phúc. Rồi chị cũng đi lấy chồng, một người trai cùng làng, năm ấy, chị tròn 20 tuổi.
Ngày mới về làm dâu, họ hàng nhà chồng dường như chẳng mấy ai thiện cảm với chị, họ cứ xì xầm sau lưng về đôi gò má vốn bị coi là chẳng mang lại may mắn của chị. Biết nhưng chưa bao giờ chị để ý về điều đó, và có lẽ dường như số phận muốn thử thách chị, 1 tháng sau, chồng chị không may qua đời sau một tai nạn lao động. Cả làng trên xóm dưới biết chuyện, chị mang tiếng “gái sát chồng”.
Rồi thời gian cũng trôi đi, cái tiếng “gái sát chồng” của chị cũng dần lắng xuống. Người ta không còn nhắc tới chuyện buồn của chị, nhưng chẳng người con trai nào còn dám tới gần chị nữa.
Chị cũng từng mặc kệ xã hội và điều quan trọng hơn là chị chưa bao giờ tin vào cái định kiến gán cho đôi gò má cao của mình. 7 năm sau, chị tái hôn. Ham muốn yêu đương và hạnh phúc lại rạo rực như thủa nào, chị hy vọng nhiều lắm, nhưng số phận dường như trêu ngươi người phụ nữ ấy. Một lần nữa, chị lại trở thành “góa phụ”. Cái tiếng “sát chồng” lại đeo bám, họ hàng láng giềng xì xầm bàn tán, họ nói, họ kể, họ mỉa mai, mẹ chị phẫn uất mà lâm bệnh nặng rồi qua đời.
Chị rời khỏi làng quê yên bình đó vào một ngày mưa tầm tã. Bước chân qua cái cổng làng quen thuộc ngày nào, chị không nhỏ lấy một giọt nước mắt, lòng nhủ thầm mình sẽ tìm được hạnh phúc thật sự.
Và rồi, ngần ấy năm trôi qua, chị vẫn đang mải miết đi tìm cái hạnh phúc riêng dành cho người phụ nữ có đôi gò má cao như mình. Tôi hỏi: “Chị có buồn không?”, chị bảo: “không”. “Chị có tin là mình sẽ tìm được hạnh phúc?” - “Tin chứ”. “Chị có cô đơn không?” - “Chưa bao giờ em ạ”.
Nói rồi chị ngẩng mặt lên nhìn trời, nhếch mép cười, nụ cười bất cần và đầy trêu ngươi số phận. Đôi gò má cao dưới ánh đèn lờ mờ vẫn như thách thức và trong đôi mắt kia, có một niềm hy vọng vẫn le lói. Chị tin, mình không phải là “gái sát chồng”.
Bảo Anh