Mang tiếng "ích kỷ quá" khi từ chối người quen bên chồng ở nhờ mùa dịch

(Dân trí) - Cô em họ nhắn, bà cô bên chồng vào Sài Gòn chữa bệnh, nhờ đến nhà chị Trang ở nhờ 2 - 3 tuần. Tính hay cả nể, nhưng đang mùa dịch, chị Trang lấy hết dũng khí để từ chối, rồi bị nói "ích kỷ quá".

Trước dịch bệnh Covid-19, tinh thần giảm tối đa việc tiếp xúc được đang lan tỏa đến từng người, từng gia đình. Thế nhưng, cũng không ít tình huống làm nhiều người phải lúng túng, khó xử. 

Chị Huỳnh Thị Trang, nhà ở Q. Phú Nhận, TPHCM chia sẻ, tuần rồi cô em họ gọi điện, có bà cô bên phía bên nhà chồng em ấy sắp từ Đà Nẵng vào Sài Gòn đi khám bệnh, ở lại châm cứu 2 - 3 tuần, nhờ đến ở nhà chị Trang. Nhà cô em cũng ở TPHCM nhưng cô em cho hay, bệnh viện nơi bà cô điều trị gần khu nhà chị Trang hơn. 

Lúc nghe điện thoại, chị Trang lúng túng, chỉ biết nói: "Để chị xem sao rồi nhắn em sau nhé!". Chồng chị Trang công tác xa, nhà rộng rãi, thường xuyên chỉ có hai mẹ con nên mọi ngày bà con, bạn bè ở xa vào chị đều không ngại tiếp đón. Nhưng đợt này, chị lăn tăn quá!

Mang tiếng ích kỷ quá khi từ chối người quen bên chồng ở nhờ mùa dịch - 1

Nhiều gia đình mâu thuẫn vì chuyện "ở nhờ" mùa dịch (Ảnh minh họa)

Nhiều tuần qua, công ty chị đã chuyển qua làm việc online, ba mẹ con đã hạn chế ra ngoài, tiếp xúc. Thật lòng, có người ngoài vào sinh hoạt trong nhà, họ lại vô ra bệnh viện, châm cứu hàng ngày, nếu không lo lắng thái quá thì chị cũng không thấy thoải mái. 

Chị tham khảo ý kiến một số người, ai cũng la lên: "Nghĩ ra mà giờ này cho người ngoài đến ở trong nhà" và khuyên chị từ chối. 

Chị Trang nghĩ ra đủ lý do, câu trả lời với em họ. Rồi chị hít một hơi thật sâu, lấy hết dũng khí gọi điện cho cô em, mong thông cảm, mùa dịch nên nhà chị không đón khách . Chị cũng mở lời, có thể chị hỗ trợ cô ít tiền thuê phòng.

Nhưng chị Trang vẫn áy náy, tự hỏi mình từ chối như vậy là nên hay không, có hơi quá không. Đến tối, mẹ chị gọi kể, em họ chị gọi về nói với bố mẹ (cậu mợ chị Trang) nói chị Trang giàu có mà ích kỷ, quá đáng. Chị Trang không cho bà cô ở nhờ giờ cô em không biết ăn nói thế nào với bên nhà chồng. 

Cũng rất khó khi nói lời từ chối nhưng chị Trần Ngọc Hồng, ở Q.11, TPHCM dứt khoát, lúc này, ai đến ở nhờ sẽ không đồng ý. Và bản thân chị và gia đình, từ Tết đến giờ cũng thực hiện nghiêm việc không đến nhà người khác. 

Đầu tháng 3, bà dì bên chồng ở An Giang gọi điện nói chồng chị ngày mai ra bến xe đón gia đình 4 người nhà dì lên đi đám cưới, tranh thủ con đang nghỉ học sẽ đi thăm họ hàng, đi chơi mấy nơi. 

Nếu vì những lý do đặng chẳng đừng, chị Hồng sẽ cân nhắc. Đằng này, đang mùa dịch, đám cưới thân đến mấy cũng có thể gửi thiệp mừng, không nhất thiết phải lặn lội từ xa lên, những việc khác đều không cần thiết.

Chị nói với chồng, không đồng ý để gia đình dì đến nhà lúc dịch bệnh thế này, nếu lên cô sẽ thuê nhà nghỉ cho nhà dì ở. Thế là vợ chồng cãi nhau, chồng chị nói chị lo xa làm quá, lấy cớ dịch bệnh, quá quắt với bên nhà chồng. 

Chị giải thích, người khác đến ở nhà có thể mang mầm bệnh cho gia đình mình, nhưng ngược lại cũng có thể các thành viên trong nhà chị có thể lây bệnh cho người khác. Như đợt rồi, hai con nghỉ học kéo dài, chị rất bí người trông con nhưng không dám nhờ ông bà nội ngoại ở quê lên vì lo việc đi lại không an toàn. 

Chồng chị không nghe, đến nỗi chị phải làm căng, nếu nhà dì đến thì mẹ con em ôm nhau ra khách sạn "cách ly". Lúc đó, anh mới đành thua cuộc trong ấm ức. Gia đình bà dì tự ái, không thèm lên nữa. 

Vì chuyện này mà nhà chị rầm rì mấy ngày nay, bố mẹ chồng ở quê gọi điện lên phàn nàn liên tục, nói vợ chồng quá quắt, ông bà giờ không mặt mũi nào nhìn bà con. Mấy hôm nay cả nước thực hiện cách ly, thấy được sự nghiêm trọng của dịch bệnh, bố mẹ chồng mới nguôi: "May hôm nhà dì Tâm không lên, đi lại đường xa mùa này, bao nhiêu cái nguy".  

Người Việt hay cả nể, ngại nói "không", ngại từ chối kể cả trong những tình huống cần thiết. Theo chị Hồng, trong những điều cần làm phòng tránh dịch rất cần thêm điều "Không đến chơi, không ở nhờ nhà người khác vào mùa dịch". Điều này giúp cộng đồng cùng ý thức hơn, tăng trách nhiệm về hành vi của mình và tránh gây khó xử cho người khác. 

Lê Đăng Đạt