Mang hận cả đời chỉ vì một câu nói của mẹ chồng
"Cái ngữ đàn bà quanh quẩn ở nhà chỉ có hút máu chồng mà ăn!". Câu nói cay nghiệt của mẹ chồng khiến chị Hoàng Thùy (Lĩnh Nam, Hà Nội) không bao giờ có thể quên được.
Lấy chồng khi còn rất trẻ, lại là dân "tỉnh lẻ" nên ngay từ khi về nhà chồng, Thùy đã biết trước mình phải luôn luôn để ý trong đối nhân xử thế, đặc biệt với mẹ chồng vốn khó tính có tiếng trong khu.
6 tháng đầu mọi chuyện gần như suôn sẻ. Hàng ngày dậy sớm nấu ăn cho cả gia đình rồi mới đi làm, trưa lại về nhà nấu ăn cho mẹ chồng, cùng ăn trưa rồi mới lên cơ quan. Chiều tối, tan giờ làm là về ngay để chuẩn bị cơm nước. Cuộc sống cứ đều đặn trôi đi, hai mẹ con không có xích mích gì. Thế nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ ngày Thùy có bầu. Thùy nghén, mệt mỏi, không thể ăn được, thậm chí còn rất sợ mùi thức ăn. Sinh hoạt bị đảo lộn cũng kéo theo những mâu thuẫn với mẹ chồng ngày càng gia tăng. Công việc thất thường, lại đang bầu bí, được chồng động viên Thùy quyết định nghỉ làm dể dưỡng thai. Nhưng đó cũng là thời điểm nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Đỉnh điểm của căng thẳng là khi chồng Thùy phải đi công trình liên tục, ở nhà chỉ có Thùy và mẹ chồng, cuộc sống với Thùy gần như địa ngục.
Mỗi ngày đi ra đi vào nấu ăn mà mẹ chồng Thùy luôn nhiếc móc: "Đi lại vận động đi sau này cho dễ đẻ". Rồi bà lại bóng gió xa xôi: "Lười chảy thây ra ấy, sau rồi có cám mà ăn!". Thùy lòng ấm ức, chỉ biết khóc thầm. Phải tránh mùi thức ăn, mỗi lần mẹ chồng nấu ăn Thùy lại tìm cớ sang hàng xóm. Về nhà khi quá bữa trưa, nghĩ mẹ chồng đã ăn xong, vừa bước chân vào nhà Thùy đã nghe tiếng mẹ chồng "Chỉ trốn việc nhà là giỏi!". Cả bữa cơm chan đầy nước mắt nhưng Thùy vẫn nén lại để cố gắng giữ cho thai nhi được khỏe mạnh.
Mỗi lần chồng về thăm nhà thấy sức khỏe vợ giảm sút, tinh thần không vui vẻ, Phương (chồng Thùy) đều hiểu đây là giai đoạn khó khăn, anh lại động viên vợ: "rồi sẽ qua giai đoạn này thôi em!". Nghe vậy, Thùy trào nước mắt như vỡ òa những ẩn ức bấy lâu. Ôm vợ vào lòng, Phương trấn an "Mẹ là người khó tính, độc mồm độc miệng nhưng thực tâm không có gì ác!".
Thế rồi ngày khai hoa nở nhụy cũng tới. Sinh con xong, Thùy hy vọng cháu ra đời sẽ khiến bà bớt soi hơn. Nhưng tình cảnh cũng chẳng khá hơn. Mẹ chồng Thùy vẫn luôn nói những lời ác khẩu làm đau lòng con dâu.
Con dâu vẫn trong những ngày ở cữ, nhưng mẹ chồng Thùy quanh đi quẩn lại lại đơm một câu "cái ngữ đàn bà quanh quẩn ở nhà chỉ có hút máu chồng mà ăn!". Câu nói đay nghiến ấy khiến Thùy nổi giận điên người. Không thể kiềm chế được sau từng ấy thời gian, lần đầu tiên cô nói lại với mẹ chồng "Mẹ cũng đang hút máu chồng con đấy!". "Cô bảo cái gì? con này láo, hỗn. Để tao gọi thằng chồng mày về dậy lại mày. Ai lại có cái ngữ con dâu nói mẹ chồng như vậy!", mẹ chồng Thùy nổi giận.
"Mẹ, mẹ thử xem lại mình đi. Bao thời gian qua mẹ nói gì xấu con cũng nín nhịn. Đến bây giờ ngay cả khi con vừa sinh con, con cần phải nghỉ ngơi để chăm con thì mẹ bảo con ăn bám, bảo con hút máu chồng con. Thế còn mẹ thì sao? Sao mẹ chỉ biết nói những lời đay nghiến người khác mà không nghĩ đến tâm trạng của người nghe sẽ ra sao?", Thùy đã bình tĩnh hơn để phân tích phải trái với mẹ chồng.
Nhưng cả đời cô không bao giờ quên được câu ấy. Lòng cô rực lên quyết tâm không thể để tình cảnh này kéo dài. Cô sẽ phải có giải pháp cho riêng mình bởi vì Thùy không muốn tồn tại nữa, cô muốn sống, sống thật sự chứ không vật vờ như cái bóng bên người mẹ chồng ác khẩu này. Chờ thêm vài tháng nữa, cô sẽ đi làm trở lại, sẽ thuê người giúp việc. Chỉ có giải pháp ấy mới tránh được những mâu thuẫn ngấm ngầm, những thù hằn ngày một tăng lên với người mẹ chồng ác khẩu của cô.
Theo Phương Nghi
Gia đình và Xã hội