Ly hôn giả, hậu quả thật

Ly hôn vốn dĩ là “khắc tinh” của các cuộc hôn nhân, đang trở thành “cứu tinh” cho nhiều đôi vợ chồng muốn vượt qua “ải” khó khăn để mưu cầu lợi ích vật chất cho gia đình mình.

Khi vợ chồng dùng
“động tác giả”



Khi vợ chồng dùng “động tác giả”

Luật sư Võ Thị Kim Nga, đoàn Luật sư TPHCM kể, bà từng tiếp một đôi vợ chồng ở miền Tây nhờ tư vấn thủ tục ly hôn và phân chia tài sản. Người chồng là giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc khá nổi tiếng ở Cần Thơ, còn người vợ ở nhà làm nội trợ. Ngoài căn nhà đang ở được định giá hơn 25 tỉ đồng, họ còn một số căn hộ chưa bán và sổ tiết kiệm gửi ngân hàng gần 5 tỉ đồng. “Nhìn thái độ của họ, tôi hơi băn khoăn: ly hôn mà sao nhìn đầm ấm thế? Người chồng cứ nhất quyết để lại hết tài sản cho vợ, sẵn sàng ra đi với hai bàn tay trắng làm tôi càng nghi ngại. Nói chuyện một lúc, người chồng mới tình thiệt là đang sắp vỡ nợ hơn 120 tỉ đồng nên muốn làm động tác giả ly hôn để giữ lại được một phần tài sản khi bị chủ nợ kiện ra tòa. Nghe đến đây thì tôi đành từ chối tư vấn tiếp vì luật Hôn nhân và gia đình cấm ly hôn giả”, luật sư Kim Nga kể.

Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Diệu An, hội Khoa học tâm lý giáo dục TPHCM cho biết trong một lần đến hẻm 840 Trần Hưng Đạo, quận 5, TPHCM thực hiện chương trình tư vấn tâm lý cho người dân, chị được biết câu chuyện ly hôn giả khá ly kỳ của vợ chồng ông Thành, bà Như. Trước đây ông Thành có người dì ở Mỹ gửi tiền về nhờ đứng tên mua giùm một căn nhà trong hẻm này. Khi người dì có ý định bán căn nhà thì vợ chồng ông Thành đưa nhau ra toà ly hôn. Không biết người vợ “diễn vai ác” trước mặt người dì thế nào hay tin tưởng ông Thành nại lý do giấy tờ nhà đất đứng tên cả hai vợ chồng nên không chia không được, người dì đành chấp nhận để toà chia đôi căn nhà cho bà Như. Sau đó vài tháng, ông Thành và bà Như ra phường đăng ký kết hôn lại!

Dao hai lưỡi

Theo luật sư Kim Nga, ngoài ly hôn giả vì mục đích tẩu tán tài sản khi thanh toán nợ, người ta còn ly hôn giả vì mục đích xuất ngoại, xuất khẩu lao động, thậm chí có cả trường hợp để được sinh con thứ ba. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có kết cục như toan tính bởi thủ thuật hôn nhân này là “dao hai lưỡi”. Đã có không ít người dù có lọt qua kẽ hở của luật pháp cũng không đạt được điều họ muốn.

Khoảng đầu tháng 11.2012, anh Nguyễn Minh Lâm, ngụ ở TPHCM đã tìm đến một văn phòng luật sư ở quận 1 nhờ cứu vãn hôn nhân của mình sau vụ ly hôn giả. Theo lời kể của anh Lâm, đầu năm 2011, vợ anh muốn qua Mỹ định cư và được một người bạn giúp đi bằng con đường kết hôn giả với Việt kiều Mỹ, sau đó sẽ bảo lãnh chồng, con gái sang. Tin tưởng vợ và nghĩ đơn giản ly hôn chỉ là chuyện giấy tờ, quan trọng là tình cảm vợ chồng vẫn mặn nồng, anh Lâm đồng ý ký đơn thuận tình ly hôn và người vợ nhanh chóng kết hôn với Việt kiều kia. Thời gian đầu sau ly hôn, cuộc sống vợ chồng anh không có gì xáo trộn, thậm chí chị vợ còn chăm sóc chồng con chu đáo hơn. Thế nhưng, một lần tình cờ anh Lâm bắt quả tang vợ anh và vị ân nhân Việt kiều ngủ với nhau trong nhà. Anh Lâm phản ứng thì lập tức vợ anh đáp trả rằng đã ly hôn thì lấy quyền gì mà ghen tuông! Ngày người vợ xuất cảnh đã cận kề, anh Lâm không biết làm cách nào để chứng minh việc ly hôn với vợ chỉ là giả và cũng không thể tái hôn do vợ anh đã đăng ký kết hôn với người Việt kiều nọ!

Ly hôn giả, hậu quả thật

Luật sư Kim Nga lưu ý, điều 4 luật Hôn nhân và gia đình hiện hành quy định “cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi”. Như vậy, việc ly hôn giả của các đôi vợ chồng là đã vi phạm quy định nói trên. “Hơn nữa dù là ly hôn giả nhưng nếu đã được toà án chấp nhận thì hậu quả pháp lý của việc ly hôn cũng giống như ly hôn thật, tức là sẽ chấm dứt quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản giữa vợ chồng. Pháp luật không thể bảo vệ quyền làm chồng hay làm vợ của những người đã ly hôn, bất kể nội tình sự việc là giả hay thật. Do đó, các vợ chồng không nên vì những toan tính thực dụng mà quyết định ly hôn giả để rồi đánh mất tất cả!”, luật sư Nga lưu ý.

Theo thạc sĩ tâm lý Diệu An, không chỉ luật pháp nghiêm cấm mà đạo đức xã hội cũng lên án việc vợ chồng ly hôn giả: “Hôn nhân là chuyện trăm năm của đời người, nên hơn ai hết chính những người trong cuộc phải thận trọng khi quyết định số phận pháp lý của nó. Đừng bao giờ tập cho hôn nhân quen với những điều xấu, nguy hiểm vì tình cảm là thứ không thể đổ đi hốt lại được như cũ. Nếu để hôn nhân xảy ra hậu quả nghiêm trọng rồi mới yêu cầu cơ quan pháp luật bảo vệ, khi đó những hệ luỵ của nó tác động đến vợ chồng và con cái là rất khó khắc phục. Khó đoán được kết cục ở trước mắt khi kết hôn giả thành thật, tình cảm thật thành trò đùa”.

Theo Nguyễn Hồng Giang
SGTT