Lương thấp hơn, chồng vẫn đưa ra đề nghị khiến tôi khó chấp nhận

PV

(Dân trí) - Tại sao trong ngôi nhà này, người phải hy sinh vì con cái, hạnh phúc gia đình luôn là tôi?

Tôi năm nay 32 tuổi, là nhân viên kinh doanh, có chồng và một con nhỏ 3 tuổi. Chồng tôi là kỹ sư điện, thường xuyên công tác xa nhà. Vợ chồng tôi lấy nhau 4 năm mới có bé gái đầu lòng.

Lúc mới cưới, công việc của tôi khá bấp bênh nhưng tình yêu của chúng tôi rất đẹp, anh luôn yêu thương và chiều chuộng tôi. Những chuyến đi công tác xa nhà, anh đều xin cấp trên tạo điều kiện để vợ chồng tôi gặp nhau ở nơi làm việc, tiện thể tranh thủ có "tuần trăng mật" bên nhau.

Trước đây, anh làm trưởng bộ phận, được cấp trên tin tưởng giao cho quản lý kinh phí nên những chuyến đi chơi của chúng tôi, anh đều thu xếp ổn thỏa. Ngoài ra, anh còn gửi thêm tiền về để tôi thu xếp việc gia đình.

Tuy nhiên, việc chậm có con khiến kinh tế gia đình chúng tôi lao đao, tất cả "của để dành" đều tập trung vào việc điều trị hiếm muộn. Khỏi phải nói, khi em bé cất tiếng khóc chào đời, niềm hạnh phúc của chúng tôi cứ ngân nga hết ngày này qua tuần khác.

Anh quyết định không tham gia vào công việc mới, chậm cơ hội tiến thân để có nhiều thời gian gần gũi với hai mẹ con tôi.

Khi em bé gần một tuổi, tôi xin được vào làm nhân viên kinh doanh của công ty khá lớn. Số tiền lương 20 triệu đồng/tháng giúp tôi có thể lo toan việc nhà trước mắt, nhưng đổi lại công việc rất bận rộn và hay đi công tác xa nhà.

Gia đình hai bên nội ngoại đều neo người nên việc lo cho con gái nhỏ là bài toán hóc búa.

Lương thấp hơn, chồng vẫn đưa ra đề nghị khiến tôi khó chấp nhận - 1

Phải làm sao để vừa giữ sự nghiệp, vừa giữ được hạnh phúc gia đình (Ảnh: Freepik).

Chồng tôi từ khi không lên được vị trí công tác tốt hơn, ít đi công tác nên công việc cũng tụt dốc không phanh. Lương hàng tháng giờ đây chỉ vỏn vẹn chưa đến 10 triệu đồng. Đã vậy, với số tiền ít ỏi đó, anh còn phải san sẻ cho các chi phí ăn uống, sinh hoạt...

Chúng tôi bàn bạc và quyết định thuê người giúp việc để trông con cái, đỡ đần việc nhà. Cả hai đều tiếp tục cố gắng cho sự nghiệp riêng của mình.

Nhưng thực sự cuộc đời không như là mơ. Em bé còn nhỏ, thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ, lại ăn uống thất thường nên hay đau ốm. Những cuộc điện thoại của cô giúp việc trong giờ làm việc càng ngày càng nhiều hơn…

Thấy cháu gái hay đau ốm, thiếu cân, mẹ chồng tôi gây sức ép, buộc tôi phải nghỉ làm một thời gian để lo cho cháu và chuẩn bị cho đứa thứ hai chào đời.

Việc lo toan trong gia đình đều đặt nặng lên đôi vai của tôi. Tôi rất muốn anh từ bỏ công việc hiện tại để san sẻ công việc gia đình với tôi nhưng những câu chuyện như thế thường kết thúc trong cãi vã.

Trong khi sự nghiệp của anh chưa có tiến triển, số tiền anh gửi về chưa nhiều hơn, gia đình tôi vẫn phải đối mặt với bao nhiêu chi phí sinh hoạt, bao nhiêu lo lắng cho con gái trong thời gian chúng tôi vắng nhà.

Tuần trước, sau khi gặp đối tác bàn luận về hợp đồng lớn, tôi mới biết có rất nhiều cuộc gọi nhỡ từ cô giúp việc và chồng tôi. Tôi thở phào sau khi cô giúp việc cho biết, con đột nhiên sốt cao và đã hạ sốt sau khi được một bác sĩ gần nhà thăm khám.

Nhưng cuộc gọi sau đó với chồng tôi thì toàn là lời la mắng, trách móc, thậm chí đay nghiến thậm tệ trách nhiệm làm mẹ của tôi. Tôi rất buồn vì điều đó.

Chúng tôi lại cãi vã xem ai mới là người nên tạm thời từ bỏ công việc của mình. Tại sao tôi mới là người phải hy sinh công việc để đổi lấy hạnh phúc gia đình, trong khi anh là người có thu nhập thấp hơn tôi lại thường xuyên xa nhà?

Vẫn biết trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình, phụ nữ thường chịu thiệt thòi, nhưng trong hoàn cảnh của tôi, tôi có nên giữ quan điểm đó không?

Liệu rằng vì chuyện này, hạnh phúc gia đình tôi sẽ rẽ sang một ngã khác?

Góc "Chuyện của tôi" ghi lại những câu chuyện trong đời sống hôn nhân, tình yêu. Bạn đọc có câu chuyện của mình muốn chia sẻ vui lòng gửi về chương trình qua hòm thư: dantri@dantri.com.vn. Câu chuyện của bạn có thể được biên tập nếu cần. Trân trọng.

Ngọc Bích