Lựa chọn sai lầm

(Dân trí) - Tiếng chú Lai quát tháo, tiếng thủy tinh vỡ, thằng Bi khóc thét lên còn bà Mùi khóc hờ ầm ĩ. Cô Lan vừa đi vừa khóc. Những lần trước bà Mùi thường nhờ lũ nhóc chúng tôi chạy theo cô, sợ cô tự tử, nhưng giờ chẳng ai buồn chạy theo làm gì.

Cô ra ngã ba chỗ gốc cây xà cừ ngồi khóc, khóc chán chê thì về, đời cô đã u ám, có u ám thêm tí nữa cũng chẳng ai động lòng.

 
Sinh cô ra mẹ đặt tên cô là Lan, nghe nói kỷ


Sinh cô ra mẹ đặt tên cô là Lan, nghe nói kỷ  niệm về đóa hoa phong lan ở Trường Sơn khi bà còn là thanh niên xung phong. Lớn lên có người bảo nên đặt tên khác, là con gái mà tên Lan khổ lắm, chưa chi đã đeo sầu vào thân…

 

Tuổi bốn lăm cô về làm dâu, không hiểu sao một con người hiền lành, đức độ, chịu thương chịu khó như cô lại không có ma nào thèm nhìn chứ đừng nói là yêu, mỗi mùa cưới về nhìn đám bạn cùng trang lứa lần lượt lên xe hoa mà lòng cô quặn thắt. Chẳng lẽ hạnh phúc với người đàn bà chỉ giản đơn thế thôi, một người chồng, một đàn con lúc nào cũng lấm lem, nghịch như quỷ sứ suốt ngày phải la mắng, hò hét khản cả cổ, năm trước còn là cô gái phổng phao đẫy đà năm sau là người đàn bà nhếch nhác. Vậy mà với cô đó là niềm mơ ước. Mỗi ngày qua gương mặt cô lại thêm một nếp nhăn, phần vì tuổi tác phần vì lo nghĩ và không biết từ bao giờ trong cái đầu non nớt của tôi đã nghĩ đến hai từ số phận.

 

Đám cưới nghèo buồn hiu hắt, cỗ bàn sơ sài, quan viên hai họ nói cười nhàn nhạt, cô lấy được chồng có người nương tựa là phúc mấy mươi đời chẳng còn ai bụng dạ đâu mà thách lễ với chả vật. Người tốt bụng mừng cho cô, nhờ cô hiền lành phúc hậu nên ông trời nhìn lại, kẻ ác khẩu lại bảo tưởng được “phi công trẻ” ai ngờ bốc nhầm con ba bích, đen ơi là đen.

 

Quả thực với chú Lai tôi chả có chút cảm tình nào, người đâu gầy đét như que củi, nước da ngăm ngăm tái tái, mặt choắt lại nhọn như lưỡi cày, đôi môi thâm sì của một con người lạnh lùng, nham hiểm.

 

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, lấy nhau ngót năm năm trời mà bụng cô vẫn xẹp lép, bà Mùi cúng bái hết chùa chiền, đủ thầy đủ thuốc nhưng chẳng ăn thua, người cô đực như cây tre. Người tốt bụng chia sẻ nỗi đau với cô thì ít mà kẻ ác khẩu thì nhiều, họ chép miệng “cây độc không trái”, ban ngày đi làm khuây khỏa thì thôi chứ đêm về trong màn đêm thanh vắng vẳng tiếng trẻ quấy mẹ đòi bú khiến lòng cô se thắt. Đã vậy mỗi lần cúng giỗ hay có công có việc của họ tộc, thấy đám trẻ trong họ kháu khỉnh, bụ bẫm nô đùa thì cô lại thành chủ đề buôn chuyện của mấy bà lắm điều, lắm lúc cô khóc tấm tức bỏ về giữa chừng.

 

Đội cát thuê ngoài sông là thứ công việc nặng nhọc chỉ dành cho đàn ông, cô đi làm không hẳn vì tiền, thiếu gì việc dành cho đàn bà con gái. Có lẽ cô muốn thoát khỏi cái cuộc sống âm u, suốt ngày phải nghe tiếng ca thán của bà mẹ chồng và cũng vì một điều sâu xa thầm kín nhất mà có lẽ chỉ cô mới hiểu, niềm hạnh phúc len lỏi nỗi tủi hổ. Cả đám thợ đông đúc lố nhố có Thanh là người hiểu và chia sẻ với cô nhiều nhất. Anh to lừng lững như con gấu nên chẳng nề hà gì, mỗi lần thấy cô ì ạch với thúng cát nặng trịch anh nhanh tay giật lấy thoan thoắt đổ xuống thuyền. Những lúc vô tình ánh mắt anh đắm đuối nhìn đôi chân bắp chuối, cặp eo thon, toàn thân cô như có luồng điện cao thế xẹt ngang, đỏ mặt xấu hổ rồi đêm về ôm nỗi nhớ mông lung.

 

Ngày thằng Bi ra đời cả làng như nín thở, ai cũng mừng cho cô đã có tuổi rồi phải sinh nở  nhưng kỳ thực họ muốn xem thằng bé mặt mũi ra sao, dù hiếm muộn nhưng thằng bé to khỏe, bụ bẫm đã thế giống Thanh như đúc, hình như đó là đặc tính kỳ lạ của con rơi, nhìn thằng bé khôi ngô mà lòng cô se thắt, nó như cái gai chĩa thẳng vào mặt Lai, lúc đầu là những câu mát mẻ xa xôi dần bùng lên thành ngọn lửa sau những cơn say, gương mắt choắt càng trở nên méo mó, cặp mắt đỏ lừ tóe máu...

 

Tiếng quát tháo, đập phá vẫn chưa dứt, tiếng Lai nhừa nhựa chửi rủa, ngoài ngã ba Lan vẫn bó gối khóc thầm, hết hoàng hôn màn đêm buông màu tối sẫm.

 

Đình Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm