Lời nói không mất tiền mua

Dù cố ý hay lỡ miệng, những lời nói cay nghiệt có thể làm bạn đời tổn thương nặng nề, khiến họ chới với, mất niềm tin. Khi niềm tin không còn, dù tình cảm sâu đậm đến mấy, khoảng cách cũng xuất hiện.

 
Lời nói không mất tiền mua - 1


Chị Liên vừa có chuyến công tác nước ngoài, dù không phải dư dả, chị cũng cố gắng tìm mua một vài món quà tặng bạn bè đồng nghiệp và đương nhiên là có cả quà cho người thân. Người chị quan tâm nhiều nhất vẫn là anh Dũng, chồng chị. Một phần, chị muốn thể hiện lòng biết ơn của mình về sự hy sinh của chồng khi phải thay chị chăm sóc hai con trong thời gian chị vắng nhà. Một phần, chị biết anh vừa là người khó tính, lại vừa hay hờn mát. Vì vậy, trong suốt thời gian công tác, chị đầu tư chất xám nhiều nhất vào việc mua cho chồng một thứ gì đó sẽ khiến anh thật thích.

 

Ngày về nước, anh Dũng đưa hai con ra sân bay đón vợ. Cảm động về tình cảm của chồng, chị Liên hào hứng khoe ngay với anh về món quà mà chị đau đầu gần mấy ngày trời mới nghĩ ra: chiếc nón lưỡi trai bằng nỉ rất sành điệu. Nói xong, chị chờ đợi ánh mắt sung sướng của chồng, nhưng anh lại trề môi: “Thứ ấy… ở Hà Nội bán đầy!”. Câu nói khiến chị... chưng hửng, dù vậy, chị vẫn cố gắng làm cho anh hiểu hơn để hài lòng về món quà đầy tình cảm của mình: Nón này cũng đắt tiền, lại đang là mốt ở Pháp… Anh vẫn lạnh lùng: “Vậy mang qua Pháp mà đội!”. Thế là bao nhiêu hồ hởi, yêu thương dành cho chồng vụt tắt, chị nén nỗi ấm ức và giấu những giọt nước trong suốt chặng đường về.

 

Biết chồng không cố tình cạnh khóe vợ, nhưng chị Huyền Trân, P.Tân Hưng, Q.7, TP.HCM thề với lòng: “Đời này kiếp này, tôi sống thì để bụng chết mang theo, chứ câu nói từ chính miệng anh, tôi không bao giờ tha thứ”.

 

Anh Trọng Nghĩa, chồng chị Trân có ba người em. Cả ba đều đã có gia đình và đời sống khá sung túc. Tuy nhiên, thấy anh làm thầu xây dựng, làm ăn được nên cả ba cũng muốn hùn hạp với anh để tăng thu nhập. Thương em, thay vì cho góp vốn, lời cùng ăn, lỗ cùng chịu, anh Nghĩa đề nghị các em cho anh vay, chỉ nhận tiền lời, mà không phải sợ lỗ. Lúc thuận buồm xuôi gió, tiền lãi 20% hằng tháng, anh Nghĩa trả đều đặn, mặt mày ai cũng tươi cười. Đến khi anh Nghĩa gặp hạn, căn nhà bốn tầng do anh thi công bị sập, công nhân rơi từ giàn giáo… của dành của để trong nhà bán sạch cũng không đủ đền bù.

 

Đang lúc vợ chồng chị rối rắm, các em chồng suốt ngày thay nhau nói gần nói xa về khoản tiền đã cho anh mượn. Cuối cùng, chị đành phải về quê xin mẹ mình cho bán phần đất của ông bà để trả nợ cho các em chồng. Thậm chí, lúc đưa chị đi sinh, anh nghe đứa cháu va quẹt xe bị công an tạm giữ, anh bỏ mặc chị trong phòng sinh, tức tốc chạy ra công an phường. Vượt cạn một mình, càng nghĩ càng tủi, khi chồng quay lại, chị hờn mát: “Mấy đứa em anh thật có phước”. Cho rằng vợ xóc óc mình, anh đùng đùng trả đũa: “Này, tôi nói cho mà biết, dòng họ nhà tôi coi anh em như tay chân, còn vợ chồng chỉ như y phục. Đừng ỷ cô sinh được con trai rồi… lên mặt!”. Quá bất ngờ trước phản ứng hằn học của chồng, chị nghĩ có thể anh lỡ lời, nhưng câu nói đó đã chạm đến tận cùng sự hụt hẫng.

 

Cay đắng nhất vẫn là lời nói lạnh lùng của nhiều người vợ thành đạt mỗi khi cố tình rẻ rúng chồng. Quang Cường là cán bộ nghiên cứu ở một trường đại học. Môi trường hoạt động của anh đã hình thành nên tính cách nghiêm túc, chừng mực. Còn Quỳnh thì ngược với chồng. Cô là một doanh nhân năng động và thành đạt. Để có được ngày hôm nay, người Quỳnh phải hàm ơn đầu tiên chính là Cường. Cường không chỉ là anh, là thầy mà còn là người bạn đời nhiều lần giúp cô vượt lên trong cuộc sống.

 

Cường kể: Lần đi công tác ở Hà Nội, anh gặp Quỳnh bưng phở trong một quán ăn. Cô gái xinh xắn, vừa rớt đại học phải túi bụi chuyện mưu sinh đã khiến anh nhói lòng. Điện thoại qua lại vài lần, hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân. Cường đưa Quỳnh vào TPHCM và xin cho vợ vào làm thủ quỹ một công ty thiết kế bảng hiệu. Anh giúp vợ học thêm trung cấp đồ họa, sau đó, nhờ quan hệ của Cường, Quỳnh được công ty giày da ở Q.6 nhận vào làm nhân viên kỹ thuật tạo mẫu.

 

Với sự tư vấn của chồng, Quỳnh nhanh chóng được cất nhắc lên trưởng phòng và rồi giám đốc kỹ thuật. Khi lương Quỳnh gấp 10 lương chồng, cũng là lúc cô đề nghị anh nghỉ hưu trước tuổi về nhà chăm sóc con cái, trông nom nhà cửa. “Đàn ông mà phải ở nhà vợ nuôi là điều xấu hổ, vì thương vợ, hơn nữa, nghĩ cũng nên tạo điều kiện cho vợ thể hiện hết khả năng, tôi chấp nhận từ bỏ tất cả để lùi lại phía sau cho vợ tiến lên”, Cường tâm sự.

 

Nhưng Quỳnh càng ngày càng như không hiểu sự hy sinh lớn lao của chồng. Về đến nhà là cô kêu nhà cửa bề bộn, trách chồng để con bẩn thỉu. Bạn bè đến chơi, dù có chồng ngồi ngay bên cạnh, cô cứ ra rả khoe những vật dụng đắt tiền trong nhà đều do một tay cô mà có.

 

“Lúc bạn bè về, mình lựa lời góp ý. Bất ngờ từ bờ môi của Quỳnh thốt ra lời cay đắng đến đứng tim: Cái mặt anh bây giờ không đáng… nửa lon gạo!”, Cường kể trong cay đắng.

 

 

Theo PNO