Lỗi lầm

(Dân trí) - Từng cơn gió heo may đầu mùa thổi hun hút, thăn thắt đến tê người khiến bầu trời đêm miền sơn cước càng trở nên não nề, ảm đạm, những căn nhà bé nhỏ của dân kinh tế mới như lọt thỏm giữa bóng đêm đặc quánh của đại ngàn.

 

Lỗi lầm


 

Luyến ôm chặt thằng Bun vào lòng mím chặt môi để không bật lên tiếng nấc uất nghẹn, chiếc giường đơn chỗ Biên nằm giờ trống hoác, chiếc chiếu rách, chiếc màn cáu bẩn mặc cho gió lùa, những mẩu thuốc lá vương vãi khắp sàn nhà… Vậy là điều cô lo sợ nhất đã xảy ra, Biên đã đi thật rồi…

 

Khốn nạn! Thường ngày phải chứng kiến gã xiêu xiêu vẹo vẹo sau những cơn say bí tỉ, chịu đựng những câu chửi tục tĩu từ miệng gã cô chỉ ước gã đi đâu cho khuất mắt hoặc chết đi cho xong nhưng giờ đây khi gã đã đi thật cô mới thực sự sợ hãi và thấy trống vắng đến lạnh người, ngoài kia, cả khu rừng vẫn hun hút gió, lúc như tiếng nỉ non khóc than, lúc ầm ầm gào thét,

ngọn đèn dầu lấp loáng như vẽ lên muôn vàn những hình thù ma quái làm tim cô run lên bần bật… Trong những quầng sáng xanh, đỏ, tím, vàng ấy như hiện lên gương mặt lão…

 

Phải! Chính lão, chính cái mái tóc bồng bềnh có vẻ nghệ sĩ, cặp mắt gian xảo thỉnh thoảng vằn lên những tia sáng vừa dâm dật vừa man dại, chùm râu dê rung rung ấy đã làm hại cuộc đời cô đến giờ vẫn không buông tha, gương mặt ấy bạnh ra to dần, gí sát vào ngực khiến cô uất nghẹn tức thở, không kìm được nữa Luyến bật lên thành tiếng nấc căm hận khiến thằng Bun tỉnh giấc nhìn mẹ ngơ ngác…Theo năm tháng, thằng Bun lớn lên nỗi đau trong lòng Luyến càng chất chứa từng ngày…Cô nhắm mắt lại, rùng mình, cô muốn quên đi tất cả nhưng quá khứ cứ hiện về

rõ mồn một khiến lòng cô quặn thắt.

 

Mười tám tuổi Luyến về làm dâu nhà người ta mà không có một ý niệm gì về cuộc sống vợ chồng và hạnh phúc gia đình cả, về làm dâu với một ước vọng vừa ngu ngốc vừa viển vông là trở thành nghệ sĩ, tất nhiên nghệ sĩ và nghệ thuật là cái gì đó vừa xa vời vừa xa xỉ nhưng cô không quan tâm, cốt sao có chút xanh xanh đỏ đỏ như mấy cô văn công kiêu kỳ thỉnh thoảng về biểu diễn trên phố huyện, những thần tượng mà bọn gái quê như cô ngày đêm ngưỡng mộ, vì vậy khi nghe Biên giới thiệu bố là trưởng đoàn nghệ thuật, Luyến nhận lời cầu hôn ngay tắp lự không một phút đắn đo và cái giá phải trả cho giấc mơ phù phiếm đối với cô quá đắt…

 

Cưới nhau xong Biên phải quay trở về đơn vị, giấc mơ nghệ thuật của cô chưa kịp hình thành đã tan tành mây khói, đoàn nghệ thuật giải thể do cơ chế, nhà nước không thể bao cấp nổi và những vị lãnh đạo già nua với những bản “ thành tích” hủ hóa với diễn viên nữ như ông bố chồng là nạ

nhân đầu tiên của cuộc đấu đá… Ông suy sụp hẳn, suốt ngày im lặng, vật vờ như cái bóng, nhà chỉ hai bố con càng lạnh tanh như nhà mồ. Nhưng rồi ông cũng nhanh chóng vui vẻ trở lại, phơi phới yêu đời khi bên cạnh ông cô con dâu mơn mởn, yêu nghệ thuật lại phải cô đơn chờ chồng. Lúc trò chuyện lão làm như vô tình va chạm vào thân thể cô, lão hoa tay giảng giải “là nghệ

sĩ phải biết rung cảm trước cái đẹp, đó là chân lý”. Nhiều lần Luyến bắt gặp ông đắm đuối nhìn vào chiếc cổ áo trễ tràng khi cô quét sân… Luyến nhắm mắt rùng mình: Trong căn buồng tranh tối tranh sáng lão hiện nguyên hình là con quỷ dâm dục, vô luân dùng hết sức bình sinh quật cô ngã xuống, mặc cho cô van nài, kêu khóc lão thản nhiên thực hiện hành vi thú tính.

 

Khi thấy trong người khang khác lẽ ra cô phải cho Biên biết nhưng không hiểu sao định mở lời lại thấy tởm lợm trong cổ họng. Thằng Bun ra đời trong sự hồ nghi của hàng xóm, khi cô đi ngang qua là mấy bà lắm chuyện lại túm tụm, xì xào…Ngày hai vợ chồng dắt díu nhau lên vùng kinh tế mới này cô cứ ngỡ mình đã chôn vùi được điều bí mật tội lỗi này xuống ba tấc đất, nhưng như người ta thường nói “ cái kim trong túi lòi mũi ra ngoài”, không biết từ đâu mà Biên đã biết, lúc đầu là những câu căn vặn khi nhậu xỉn rồi những trận đòn khi gã thất bại trong làm ăn đã thế thằng Bun càng lớn càng giống ông như đúc khiến gã thấy như cái gai trong mắt, gã chìm ngập trong cơn say dài vô tận, không chỉ mình cô gã còn trút những bực dọc lên đầu thằng bé.

 

Không biết giờ này gã đang ở đâu? Từ lâu cô đã quen với những trận đòn, những câu chửi mắng nên đã lì lợm chai sạn như một cách chuộc lỗi miễn sao trong căn nhà có tiếng đàn ông, những lúc gió rít hay mái nhà dột cũng yên lòng nhưng giờ gã đã ra đi, có lẽ đó cũng là ân duệ cuối cùng gã dành cho cô khi tình yêu và lòng bao dung không đủ lớn. Nước mắt Luyến lăn lã tã trên gương mặt khắc khổ đã quen chịu đựng… Ngoài kia, những cánh rừng vẫn không thôi gào thét, rét cắt da nhưng có lẽ trong lòng cô mùa Đông u ám đã đến lâu lắm rồi.

 

Đình Dũng