Lời hứa của tình yêu

(Dân trí) - Chính cháu đã dắt tay cô lên xe Hoa, trong giây phút cuối cô vùng khỏi tay cháu. Một đám cưới không trọn vẹn. Cô ra đi trong cô đơn, không một tiếng khóc hờ của chồng con, chỉ vì lời hứa tình yêu khi hai mươi tuổi.

Tình yêu của cô, chú đẹp lắm. Hồi ấy cả xã ai cũng biết. Dù gia đình có phản đối, dọa cắt tóc bôi vôi, cô vẫn tìm cách đến với chú. Hai người cùng làng, học chung một lớp.

 

Tốt nghiệp mười hai, chú được nhà trường cấp học bổng du học ở Mỹ, một quyết định đòi hỏi cả hai người phải quyết tâm, cứng rắn, tin tưởng nhau lắm mới vượt qua được.

 

Bao nhiêu nước mắt, lời hứa, hẹn thề. Trước khi đi hai người đã thề nguyền với nhau, chú dặn: “Hãy đợi anh 3 năm nữa. Học xong anh sẽ về. Chúng ta sẽ cưới nhau. Em phải đợi anh, dứt khoát là thế!”.

 

Cô ở nhà nuôi bao nhiêu niềm tin và hy vọng. Những lá thư cứ thế vơi dần. Ba năm trôi qua cũng không thấy chú trở lại. Ông bà và bố mẹ đã động viên, an ủi cô nên quên chú và tìm cho mình một người khác.

 

Nhưng thật khó thay đổi, hy vọng chú quay về không suy chuyển trong cô. Năm năm trôi qua, chú vẫn biệt vô âm tín. Bao nhiêu người đến dạm hỏi cô đều gạt đi.

 

Con gái có thì, bạn bè gia đình an ủi mãi cuối cùng cô cũng nhắm mắt, xuôi chân đồng ý tình cảm của chú Lan, một người cùng làng, giáo viên cấp 3 của huyện, tốt bụng lại giỏi giang. Dù vậy, trong cô chẳng có tình cảm gì.

 

Cháu đã vui mừng biết bao khi chính tay cháu được dắt cô lên xe hoa. Phút giây ấy, đến bây giờ dù đã 15 năm nhưng cháu vẫn nhớ mãi. Cô hất tay cháu, bỏ chạy trong chiếc áo cưới, để lại chú Lan hụt hẫng, mọi người thảng thốt. Cô ra đi từ đó.

 

Mãi sau này mới biết cô lên một huyện miền núi ở Tương Dương, sống và dạy các em dân tộc. Bố mẹ cháu động viên đưa cô về nhưng cô vẫn kiên quyết không, còn bảo: “Em sống thế này là tốt rồi. Ở đây em có thời gian, niềm tin và hy vọng em sẽ gặp được anh ấy”.

 

Cô vẫn mãi ôm mối tình vô vọng, cô vẫn tin chú sẽ quay về. Dù biết là chú đã lấy vợ, nhưng cô bảo “không sao”.

 

Chú quay về sau 25 năm học tập và công tác ở Mỹ. Tiếc thay không chỉ một mình mà cùng 3 cô con gái và người vợ gốc Mỹ. Cô tôi biết tin, dù đã xác định rõ tư tưởng nhưng vẫn không thể kiềm chế được cơn cảm xúc. Cô ngất đi, mãi mãi không tỉnh lại. Bốn mươi lăm tuổi, sống trong sự khắc khoải, chờ đợi, để cuối cùng chết trong lạnh lẽo, cô đơn không một tiếng khóc của chồng, của con.

 

Bi kịch của cô, cho đến bây giờ gia đình ông bà tôi vẫn không thể quên được. Phải chăng lời hứa của tình yêu sắc bén và có giá trị vĩnh hằng đến vậy? Cô tôi ra, đi phải chăng đó là sự trả giá cho một lời hứa tình yêu?

 

Trương Hoa