Lời hứa “của hồi môn”

Năm nay cháu 26 tuổi, đã kết hôn được 7 tháng. Chồng cháu và cháu là bạn học cũ từ ngày cấp II, tuy nhiên khi lên cấp III chúng cháu không còn học cùng trường hay chơi với nhau nữa.


Lời hứa “của hồi môn”



Sau này, tốt nghiệp đại học xong, cháu ở lại Sài Gòn làm việc còn anh chuyển về huyện nhà công tác nên lại càng chẳng có liên lạc gì. Cách đây hơn một năm, vì công việc của cháu ở thành phố quá khó khăn nên gia đình xin cho cháu một công việc ở huyện. Cháu về làm được vài buổi thì anh tìm đến gặp gỡ, đặt vấn đề tìm hiểu. 6 tháng sau bọn cháu kết hôn.

Trước khi chúng cháu làm đám cưới, bố mẹ ruột của cháu có hứa: “Bố mẹ sẽ mua cho hai vợ chồng mày một mảnh đất”. Khi chúng cháu về ở với nhau được vài tháng, mẹ chồng cháu ý tứ nhắc: “Nhà chật chội, các con mà sớm ra ở riêng được thì thoải mái, sểnh chân sểnh tay còn sinh con...”.

Cháu về nói với bố mẹ đẻ thì bố mẹ cháu đồng ý ngay. Ông bà vui vẻ tìm một mảnh đất chuẩn bị làm thủ tục. Nghe tin, bố mẹ chồng cháu nói độp thẳng: “Đất đai, nhà cửa phải do đằng nội quyết. Mảnh đất xa tít tắp, xấu thế mua làm gì!”. Rồi bà mặt nặng mày nhẹ, đòi phải mua đúng mảnh đất mặt đường của một người họ hàng theo ý bà. Hai bên lời qua tiếng lại, bố mẹ cháu rất giận. Đến đỉnh điểm, ông bà tức quá bảo: “Không cho nữa! Chúng mày còn trẻ muốn nhà cao đường rộng thì tự phấn đấu đi”.

Để đáp trả, bố mẹ chồng cháu quay ngoắt 180 độ, tỏ thái độ khó chịu, đối xử tệ bạc với cháu và gia đình cháu. Đáng buồn, chồng cháu cũng vào hùa với bố mẹ anh ấy, thường xuyên đánh đập, lấy chuyện tiền bạc ra hành hạ tinh thần vợ.

Giờ đây cháu rất khổ sở. Cháu không biết có nên năn nỉ bố mẹ làm theo ý của nhà chồng không? Hay là nên quyết định ly hôn ngay khi vợ chồng cháu chưa có con, còn ít ràng buộc? Nguyễn Thị Bắc, (Hưng Nguyên, Nghệ An).

Bắc thân mến,

Nếu cháu phải chịu quá nhiều áp lực từ phía nhà chồng thì xem có thể thuyết phục chồng xin phép bố mẹ tách ra ở riêng một thời gian. Thay đổi môi trường sống cũng là một cách để xoa dịu và cải thiện các mối quan hệ. Sống riêng, cháu có thể dần dần dùng tình cảm và cách sống của mình cảm hóa chồng. Có thể bản chất anh ấy không xấu, không vũ phu nhưng bị ảnh hưởng lối sống thực dụng và sự tác động trong gia đình mà trở nên cộc cằn.

Trường hợp đã cố gắng nhưng mọi thứ vẫn tồi tệ thì cháu nghĩ đến giải pháp ly hôn là đúng. Con người mới là quý nhất. Nếu chồng, cha mẹ chồng cháu một mực coi đồng tiền hơn người thân thiết của mình thì gia đình các cháu sẽ rất khó có được hạnh phúc. Còn dùng tiền để giải quyết vấn đề thì mãi mãi chúng ta sẽ là nạn nhân của tiền bạc mà thôi. Hết đất sẽ đến những cái khác và mức độ sẽ trầm trọng hơn nếu không được thỏa mãn.

Bố mẹ cháu chắc phải vất vả tích cóp mới có được số tiền này nhưng đổi lại, ông bà nhận được thái độ phách lối, sự đòi hỏi vô lý. Cháu đừng nghĩ đến việc về năn nỉ bố mẹ chiều lòng gia đình chồng như thế mà hãy quan tâm đến cảm xúc của bố mẹ. Như cô đã chia sẻ, nó không chắc là “bảo bối” cứu cháu thoát khỏi tình cảnh hiện tại. Hai vợ chồng hãy cố gắng phấn đấu trước. Bố mẹ có thì sẽ dành cho con cháu, điều quan trọng là hai cháu có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Theo Thanh Tâm
Phụ Nữ Việt Nam