Lối hẹp vào đời…

(Dân trí) - Ai cũng mong được bước vào đời bằng chính đôi chân của mình, kể cả những người khuyết tật. Nhưng với những đứa trẻ tự kỷ và trẻ thiểu năng trí tuệ, điều đó gần như không thể, dù chúng cũng khỏe mạnh như bao người khác…

Giải pháp nào?

 

Ngày 5/4, nhiều phụ huynh có con là trẻ tự kỷ và trẻ thiểu năng trí tuệ (gọi chung là trẻ khuyết tật trí tuệ- KTTT), những nhà giáo, công tác xã hội, bác sĩ, luật gia… đã gặp nhau trong hội thảo “Giải pháp nào cho trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật trí tuệ hội nhập?” để cố khơi một con đường, dù chỉ là lối hẹp cho những đứa trẻ ấy vào đời.

 

“Chúng cần được sống và làm việc, cha mẹ không thể sống cả đời để nuôi chúng, chúng cần được tập kỹ năng sống tự lập”, một phụ huynh có con mắc bệnh Đao phát biểu.

 

Cả trăm con người tập trung tìm những cái nghề mà mình từng biết, từng làm phù hợp với trẻ KTTT để lập dự án dạy nghề cho trẻ. Trường Chuyên biệt Thảo Điền 2 đề xuất dạy trẻ làm chuỗi đeo cổ, móc chìa khóa… Trường cũng đang tổ chức cho trẻ ở trường mình làm, hàng hóa được xuất khẩu sang Đài Loan.

 

Các đại biểu khác thì đề xuất những công việc đơn giản như rửa xe máy, đóng kẹo, dán bao thư, gấp báo… Hay những công việc khó nhưng chia thành nhiều công đoạn như mở quán cà phê: em thì mời khách, em bưng bê… Mô hình này đang được quán cà phê Hoa Anh Đào của trẻ bệnh Đao thực hiện khá hiệu quả.

 

Chính trong hội thảo này, hội Phụ huynh của trẻ KTTT đã gắn kết mọi người lại với nhau, gom trẻ KTTT thành những nhóm nhỏ để dễ chăm sóc và dạy trẻ các kỹ năng sinh hoạt và học nghề. Tuy nhiên, muốn dạy trẻ học nghề, tổ chức cho trẻ làm việc cũng cần có nguồn lực. Tìm đâu ra?

 

Nối những vòng tay…

 

Bác sĩ Phan Xuân Giang đề xuất được làm bác sĩ tình nguyện cho Hội, sẵn sàng đến tận nhà trẻ KTTT để chăm sóc, chẩn đoán bệnh và hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc và dạy dỗ trẻ một cách đúng đắn, miễn phí.

 

Chị Tửu ở Gò Vấp thì hiến một khuôn viên rộng 120m2 trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) để làm sân chơi chung cho trẻ KTTT trong Hội, làm nơi cho trẻ học nghề…

 

Cũng tại đây, những mô hình liên kết giúp đỡ nhau đã ra đời. Chị Trang có cơ sở sản xuất kẹo đề nghị dạy nghề và cho các trẻ KTTT chỉ có khả năng làm một thao tác duy nhất vào cơ sở của chị làm công đoạn đóng kẹo.

 

Còn chị Trang thì muốn tìm một phụ huynh nào có cơ sở rửa xe để xin cho con mình được học và làm nghề này. Vì con chị vốn thích rửa xe (sở thích sẽ trở thành thói quen của trẻ KTTT, chúng hầu như chỉ làm mỗi việc đó và làm rất nhiệt tình, vui vẻ).

 

Có mặt tại hội thảo, ông Paul Fennis, Giám đốc tổ chức từ thiện Saigon Children’s Charty, nhận định: “Việt Nam 15 năm qua thay đổi rất nhiều, đặc biệt là TPHCM. Nhưng có 1 nhóm trẻ ít thay đổi, đó là trẻ khuyết tật. Tôi bất ngờ khi biết rằng chỉ có 5% số trẻ khuyết tật được đến trường. Còn trường dạy trẻ KTTT thì càng hiếm. Vậy làm sao các em phát triển?”.

 

Khi thấy nhiệt tình của mọi người trong hội thảo, ông nói: “Nếu các bạn thấy chúng tôi giúp được gì, xin cứ nói”.

 

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Oanh đúc kết: “Nhiệt tình của chúng ta cũng chỉ là một nhóm nhỏ, muốn mở ra một con đường vào đời cho trẻ KTTT cần phải có sự chung tay của cả xã hội, cần sự thay đổi nhận thức và sự giúp sức của cả cộng đồng”.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm